Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi

Thanh Hương |

Chuyến đi tưởng như để vực dậy tâm trạng cho Hoàng hậu bỗng chốc biến thành bi kịch lớn và khiến không ít người bị "vạ lây" bởi cơn thịnh nộ của Càn Long.


Càn Long hay còn gọi là Thanh Cao Tông Hoàng đế, Càn Long đế là vị Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh và cũng là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc (88 tuổi) với 60 năm trị vì.

Cuộc đời của Càn Long không chỉ dài mà còn xảy ra rất nhiều biến cố với không ít những giai thoại thú vị nên ông cũng là một trong những Hoàng đế nhà Thanh được phim ảnh và báo chí nhắc tới nhiều nhất.

Trong số những câu chuyện liên quan đến cuộc đời vua Càn Long không thể không kể đến các giai thoại về 3 nàng hậu của ông, mà người nổi tiếng nhất là Phú Sát Hoàng hậu.

Từ ngày đầu tiên được bố chồng - chính là Ung Chính Hoàng đế để mắt tới

Phú Sát thị có xuất thân cao quý, được nuôi dạy cẩn thận theo đúng các lễ nghi phép tắc của giới quý tộc Mãn Châu.

Dù không có dòng dõi hoàng tộc, nhưng gia đình của bà là thành viên của Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, một trong 3 đơn vị đứng đầu Bát Kỳ - tổ chức quân sự đặc biệt của Mãn Châu và nhà Thanh.

Do đó, gia đình của Phú Sát thị nắm giữ nhiều quyền lực và có mối liên hệ vô cùng mật thiết với hoàng tộc.

Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi - Ảnh 1.

Phú Sát thị có xuất thân cao quý, được đánh giá là người tài sắc vẹn toàn. (Ảnh minh họa trong bộ phim Diên Hy Công Lược)

Từ nhỏ, cô bé Phú Sát thị xinh đẹp, nết na đã được dạy viết thư pháp. Có lần Hoàng đế Ung Chính (thân phụ của vua Càn Long, khi đó vẫn còn là Ung Thân Vương) khi tới thăm gia đình của Phú Sát thị đã bắt gặp cô bé đang luyện viết thư pháp.

Ung Chính rất ấn tượng trước kỹ năng điêu luyện và kiến thức sâu rộng của Phú Sát thị. Khi trở về nhà, ông đã gọi các con trai của mình lại (trong đó có Hoằng Lịch) và nói "Các con phải chăm chỉ siêng năng vào, nếu không sau này sẽ thua kém một cô bé 9 tuổi đấy".

Không ai biết rằng, chính sự kiện này đã giúp Phú Sát thị được Ung Chính để mắt tới và nhắm cô gái tài năng cho vị A Ca được ông yêu mến, chính là Tứ A Ca Hoằng Lịch, sau này là vua Càn Long.

Đến khi trở thành Đích Phúc tấn năm 15 tuổi

Được vua cha lựa chọn cho người theo ông là rất  tương xứng với mình, Hoằng Lịch và Phú Sát thị thành hôn năm 1727, tức là khi Phú Sát thị mới 15 tuổi, còn Hoàng Lịch 16 tuổi.

Sử sách ghi lại rằng vào ngày 3 tháng 9 năm 1727, Phú Sát thành hôn với Hoằng Lịch, con trai thứ 4, còn gọi là Tứ A Ca của Ung Chính Hoàng đế, và trở thành thê tử chính thức đầu tiên của ông, được phong là Đích Phúc tấn.

Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi - Ảnh 2.

Có thể nói, Phú Sát thị là tình yêu thuở thanh mai trúc mã của Hoằng Lịch, sau khi thành hôn tình cảm của 2 người cũng rất mặn nồng. (Ảnh minh họa trong bộ phim Diên Hy Công Lược)

Sau đó, bà chuyển đến sống ở Trường Xuân cung ở phía Tây của Tử Cấm Thành. Tương truyền, tình cảm của Phú Sát thị và Hoằng Lịch vô cùng mặn nồng, thắm thiết. Vì thành hôn khi tuổi đời còn rất trẻ, có thể nói Phú Sát thị chính là tình yêu thuở thanh mai trúc mã của Hoằng Lịch.

Sau khi Càn Long lên ngôi năm 1935 thì 2 năm sau, Phú Sát thị được tấn lập làm Hoàng hậu với niên hiệu là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu.

Đúng như tên gọi, bà là một hoàng hậu có tính cách khiêm nhường, ôn hòa luôn thực hành tiết kiệm, sống cuộc đời bình dị không phô trương, được Càn Long cũng như quần thần rất mực yêu quý.

Những bi kịch đầu tiên ập tới

Sau khi thành gia lập thất với Hoằng Lịch, Phú Sát thị sinh được 2 Hoàng tử và 2 Hoàng nữ. Người con đầu tiên của bà và Hoằng Lịch là một công chúa sinh cuối năm 1728 nhưng đến đầu năm 1730 đã qua đời, khiến bà hết sức đau buồn.

Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi - Ảnh 3.

Những tai họa liên tiếp ập tới khiến Phú Sát Hoàng hậu gục ngã. (Ảnh minh họa trong bộ phim Diên Hy Công Lược)

Người con trai thứ 2 của bà, Hoàng tử Vĩnh Liễn cũng qua đời năm 8 tuổi (1730 – 1738) và người con trai út, Hoàng tử Vĩnh Tông cũng qua đời khi chưa được 1 tuổi (chỉ có Cố Luân Hòa Kính công chúa là người con duy nhất sống đến tuổi trưởng thành, tạ thế năm 61 tuổi) là cú đòn cuối cùng khiến bà gục ngã hoàn toàn.

Chuyến đi cứu rỗi bỗng chốc trở thành chuyến đi định mệnh, mở ra hàng loạt bi kịch

Khi đó để giúp cho Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu vui lên, Hoàng đế đã tổ chức một chuyến đi dài ngày, cùng Hoàng hậu chu du Đông tuần tại Đức Châu.

Họ đã đi qua những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thậm chí ghé qua cả chùa chiền. Chuyến đi tưởng như tốt đẹp thì đến phút chót, Phú Sát thị lại mắc bạo bệnh.

Càn Long muốn đợi cho bà khỏe lại rồi mới quay về, nhưng Hoàng hậu muốn mọi người khởi hành về như dự kiến. Tuy nhiên, chuyến đi bỗng chốc trở thành chuyến đi định mệnh, bà đã qua đời ngay trên thuyền khi mới được 37 tuổi.

Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi - Ảnh 4.

Không ai ngờ chuyến đi có mục đích giúp Phú Sát Hoàng hậu vui lên lại cũng chính là dấu mốc cho sự ra đi của bà. (Ảnh minh họa trong bộ phim Diên Hy Công Lược)

Mặc cảm vì không những không thể giúp Phú Sát Hoàng hậu vui lên, trái lại còn khiến cho bà qua đời ngay trong chuyến đi, Càn Long đã đau buồn khôn nguôi, đặc biệt tổ chức đại tang, tiêu tốn tới hàng vạn lượng bạc và trở thành nỗi kinh hoàng với tất cả quần thần thời đó.

Càn Long được cho là bỗng dưng "đổi tính đổi nết", "giận cá chém thớt" sau sự ra đi của Phú Sát Hoàng hậu. Hàng loạt cận thần đã bị Hoàng đế trừng phạt nặng nề khi không đến dự đám tang Hoàng hậu đầy đủ, dâng đồ cúng tế không thích hợp, hay dám cạo đầu trong 100 ngày từ khi Hoàng hậu mất…

Thậm chí, có 2 A ca vì đã "không bày tỏ sự tiếc thương phù hợp" trước cái chết của Hoàng hậu nên đã bị trách mắng thậm tệ, sau cùng bị loại ra khỏi danh sách thừa kế ngai vàng.

Sử sách ghi lại rằng, sau đó, Càn Long đã đau buồn trong hàng thập kỷ và viết hàng ngàn bài thơ bày tỏ nỗi buồn thương cũng như tình yêu da diết ông dành cho Phú Sát Hoàng hậu.

Đây là một điều vô cùng hiếm có với một bậc quân vương có tam cung lục viện, vừa quyền lực lại có quá nhiều bóng hồng vây quanh như Càn Long.

Đến giai thoại rùng rợn về nguyên nhân cái chết của Phú Sát Hoàng hậu

Mặc dù tình cảm giữa Hoàng Lịch và Phú Sát thị sinh thời được cho là vô cùng mặn nồng, nhưng vốn là người đa tình, nên việc Càn Long khi lên ngôi có "để mắt" tới nhiều bóng hồng cũng là chuyện dễ hiểu.

Hoàng hậu đầu tiên của Càn Long: Tài sắc, được sủng ái và chuyến đi tai họa gây tranh cãi - Ảnh 5.

Tạo hình của Phó Hằng và vợ, Qua Nhĩ Giai thị - người được cho là nguyên nhân dẫn tới hành động tàn nhẫn của Càn Long với Phú Sát thị, trong bộ phim Diên Hy Công Lược.

Tuy nhiên, trong số những người được ông sủng ái, có một người lại chính là Qua Nhĩ Giai thị, vợ của Phó Hằng, em trai út của Phú Sát Hoàng hậu. 

Bên cạnh việc mất con, chính mối quan hệ tréo ngoe này đã khiến Phú Sát Hoàng hậu thêm phần lo nghĩ, buồn bã như người mất hồn và cũng là lý do dẫn tới một lời đồn đầy ác ý về nguyên nhân cái chết của bà.

Có giai thoại lại cho rằng, vì Càn Long có mối tình loạn luân với em dâu Qua Nhĩ Giai thị, người được mệnh danh là "Đệ nhất mỹ nhân của Mãn Châu", nên trong chuyến đi đã đẩy ngã Hoàng hậu, khiến bà chết đuối dưới sông để có thể dễ dàng qua lại với em dâu.

Nhiều người cũng cho rằng, đây là lý do chính khiến Càn Long tổ chức lễ an táng hoàng tráng cho Phú Sát Hoàng hậu như một cách để bịt miệng người đời, cũng như để cho lương tâm thanh thản.

Tuy nhiên, sự thật như thế nào, chúng ta không ai dám chắc, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ, còn mọi lý lẽ hay phân tích của hậu thế cũng chỉ đều là giả thuyết mà thôi.

Dịch từ các báo nước ngoài

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại