Trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trung bình mỗi nhân sự của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được thưởng 1 tháng lương, có người nhận lên tới 150 triệu đồng. Đây là phần thưởng Công ty chia cho nhân viên nhằm ghi nhận đóng góp trong nỗ lực chung đưa HAGL trở lại.
Dù còn nhiều khó khăn, song 2022 là năm đánh dấu nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của bầu Đức: doanh thu 4.574 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.181 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch đề ra. Con số lợi nhuận trên lần đầu tiên trong 8 năm từ 2015 đến nay đưa HAGL quay lại câu lạc bộ các doanh nghiệp lãi trên nghìn tỷ.
Thưởng 1.200 đồng/kg vượt năng suất, có nông trại tăng trưởng đến 31% năng suất
Nửa đầu năm 2023 thị trường heo kém sắc, lợi nhuận của HAGL theo đó chủ yếu đến từ mảng kinh doanh chuối. Dù vậy, chi cho nhân viên vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của HAGL.
Không chỉ duy trì mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng cho nhân viên nông trại chuối, 40 triệu đồng/tháng cho kỹ sư nuôi heo… HAGL từ đầu năm 2023 đã chuyển sang một chế độ đãi ngộ mới, mà theo bầu Đức: “Phải khoán cho nhân viên. Biến nông trại của HAGL thành nông trại đem lại lợi nhuận cho chính nhân viên đó thì họ mới có động lực tự làm”.
Đến nay, chế độ mới đang mang về những hiệu quả đáng kể cho Công ty, trong đó có nông trại đã tăng 31% năng suất.
Bầu Đức và anh Anh Nguyễn Xuân Vương tại nông trại Gia Lai Lơ Pang 5. Ảnh: Tri Túc.
Cụ thể, HAGL sẽ chia thưởng 1.200 đồng/kg cho khối lượng vượt năng suất so với mốc tiêu chuẩn. Trong đó, với nông trại chuối trồng xuất đi Nhật, mức tiêu chuẩn Công ty đưa ra là 11,5kg/buồng chuối (mỗi cây 1 buồng). Với nông trại chuối xuất đi Trung Quốc, mức tiêu chuẩn cao hơn với 13kg/buồng chuối.
Về cơ sở đưa ra mức thưởng vượt năng suất 1.200 đồng/kg, theo bầu Đức đây chính là chi phí chăm sóc vườn chuối cộng dồn. Như vậy, với nỗ lực vượt năng suất tiêu chuẩn, nhân viên nông trại chuối sẽ hưởng lợi nhuận trên công sức mình bỏ ra.
“Con số 1.200 đồng/kg nghe thì nhỏ, nhưng tính trên quy mô hàng chục ha có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Lấy ví dụ đơn giản, 1ha chuối trồng được khoảng 2.300 cây, tương đương 2.300 buồng chuối. Với một nhân viên quản lý nông trại quy mô 50ha, tương đương mức thưởng gần 140 triệu đồng/kg vượt năng suất”, ông nói.
“Nhận thưởng một cục mấy trăm triệu, anh em có động lực làm”
Anh Nguyễn Xuân Vương – Giám đốc nông trại Gia Lai Lơ Pang 5 (10 năm gắn bó tại HAGL). Ảnh: Tri Túc.
Đơn cử trường hợp anh Nguyễn Xuân Vương – Giám đốc nông trại Gia Lai Lơ Pang 5 (10 năm gắn bó tại HAGL) với diện tích quản lý là 50,3ha. Từ đầu năm nay, sau khi áp dụng chế độ đãi ngộ mới, anh Vương đã tăng năng suất từ 13-14kg/buồng trước đây lên 18kg/buồng. Như vậy, với số dư ra là 6,5kg/buồng, nhân cho tổng diện tích 50,3ha, anh Vương đã nhận thưởng gần 800 triệu đồng và đã thực nhận.
Với lương tháng bình thường là 15 triệu/tháng, nếu cộng với tiền thưởng trên thì trung bình vị giám đốc vườn chuối Lơ Pang 5 nhận gần 70 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về bí quyết để đạt được mức thưởng trên, anh Vương cho biết: “Chăm sóc chuối là công việc không khó khăn lắm nhưng phải tỉ mỉ. Trong 6 tháng qua, tôi linh hoạt và tìm được nguồn lao động để chăm sóc chuối liên tục, vì thông thường tuỳ thuộc vào thời tiết nên muốn duy trì năng suất tốt phải biết liên hệ nhiều nguồn lao động lúc thấp điểm”.
Anh Phan Đông Hữu – Giám đốc Nông trường Hàm Rồng 1A với diện tích khoảng 40ha. Ảnh: Tri Túc.
Một trường hợp khác là anh Phan Đông Hữu – Giám đốc Nông trường Hàm Rồng 1A với diện tích khoảng 40ha. Trong nửa đầu năm, Hàm Rồng 1A đạt năng suất hơn 18kg/buồng, tăng so với con số cùng kỳ năm ngoái là 14-15kg/buồng. Như vậy, tổng mức thưởng vượt năng suất của anh Hữu hơn 600 triệu đồng, trong đó anh đã thực nhận phân nửa và chia cho anh em nông trường.
“Với chế độ mới này anh em có động lực hơn . Khi mình nhận một cục tiền mấy trăm triệu thì với một người lao động như chúng tôi là niềm vui lớn”, anh Hữu nói. Được biết, Giám đốc Nông trường cũng sẽ khoán lại cho nhân viên chăm sóc chuối cũng như nhân viên làm việc tại xưởng phân loại, đóng gói của chính nông trường đó.
Về phần mình, bầu Đức cho biết công thức khoán thực tế không mới, nhưng HAGL cũng phải cân nhắc, tính toán và làm sao để áp dụng vào mô hình kinh donh của doanh nghiệp hiệu quả. Chưa kể, với HAGL diện tích trồng chuối lên đến 7.000ha là quá lớn để kiểm soát, đôn đốc hết được. Thực tế trong quá khứ, năng suất cũng biến động, lúc cao lúc thấp, không ổn định. Sau khi áp dụng chế độ đãi ngộ mới, năng suất nhìn chung đang tăng khá tốt.
“Chi cho nhân viên 1.200 đồng/kg vượt năng suất, nhưng với HAGL giá chuối xuất hiện vào khoảng 10,5 USD/thùng, thì giá trị thu về rất lớn”, bầu Đức nói thêm.
HAGL đã có công ty liên kết bên Trung Quốc, đưa chuối HAGL lên kệ với thương hiệu riêng Pleiku Sweet
Hiện, HAGL đang có tổng diện tích chuối đạt 7.000ha, diện tích sầu riêng 1.200ha (tăng 200ha so với năm 2022).
Trong đó, chuối từ đầu năm đến nay khá tốt, giá xuất hiện vào khoảng 10,5 USD/thùng, cao hơn so với cùng kỳ chỉ hơn 7 USD/thùng. Đáng chú ý, tháng 5 năm nay HAGL đã có công ty liên kết bên Trung Quốc, trong đó HAGL nắm 50% vốn (đối tác Trung Quốc nắm 50% vốn). Nếu xưa kia HAGL bán chuối sỉ đường nhập khẩu, định kỳ lên sàn đấu giá… thì nay Công ty đã có thể đưa thẳng chuối có thương hiệu vào các kênh siêu thị.
Được biết, đối tác liên kết của HAGL là một công ty chuyên ủ chuối và đưa vào kênh siêu thị. Lợi thế của công ty này là có sẵn đầu mối bán lẻ. Thương hiệu chuối HAGL bán lẻ sang Trung Quốc là Pleiku Sweet (chuối siêu ngọt Pleiku), được đóng gói theo quy cách Nhật với số lượng nhỏ khoảng 3-4 trái. Bán đường này theo bầu Đức sẽ ổn định được giá hơn, hiện sản lượng xuất vào khoảng 100 container, dự kiến sắp tới sẽ tăng lên vì “bán nhiêu họ ăn hết”.
HAGL đã có thương hiệu chuối bán lẻ tại Trung Quốc. Ảnh: Tri Túc.
HAGL đã có thương hiệu chuối bán lẻ tại Trung Quốc. Ảnh: Tri Túc.