Như vậy không còn là lời đồn đoán, Uber đã đồng ý bán mảng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á cho Grab, chính thức rút khỏi trận chiến kéo dài và tốn kém ở khu vực này.
Dưới thỏa thuận này, Grab sẽ mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại khu vực có 620 triệu dân và cả ứng dụng giao đồ ăn UberEats. Đổi lại, công ty của Mỹ sẽ nhận 27,5% cổ phần tại công ty sau sáp nhập và lãnh đạo của họ sẽ gia nhập hội đồng quản trị của Grab.
Việc rút lui lần này đánh dấu chiến thắng cho Grab cũng như cả Softbank – cổ đông lớn nhất ở cả Grab và Uber.
Công ty của tỷ phú Masayoshi Son được cho là đơn vị "thiết kế" thỏa thuận này bởi họ muốn cả hai ứng dụng giảm cạnh tranh tại thị trường gọi xe Đông Nam Á – dự kiến đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2025. Uber và Grab cùng với Ola và Didi Chuxing cung cấp khoảng 45 triệu chuyến xe mỗi ngày.
Sau thỏa thuận, Uber xem như đã nhẹ gánh một phần nào, tập trung vào giảm thua lỗ và chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào năm 2019. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng đánh dấu cột mốc rút lui lần thứ 3 của startup giá trị nhất hành tinh này sau một thời gian mở rộng điên cuồng.
Trước đó, vào năm 2016, dưới sự chỉ đạo của cựu CEO Travis Kalanick, Uber đã bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi Chuxing để đổi lấy 17,5% cổ phần tại công ty này. Tiếp theo đó, Uber cũng đồng ý bán thị trường Nga cho Yandex.
"Thỏa thuận ngày hôm nay đánh dấu sự bắt đầu một kỷ nguyên mới đối với chúng tôi. Việc hợp nhất hai doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng gọi xe dẫn đầu trong khu vực đồng thời tạo ra hiệu quả về mặt chi phí.
Chúng tôi tự hào rằng một công ty của Đông Nam Á đã xây dựng được một trong những nền tảng lớn bậc nhất có hàng triệu người dùng mỗi ngày và giúp hơn 5 triệu người có thu nhập.
Sau thương vụ thâu tóm, Grab không chỉ trở thành nền tảng di động lớn nhất khu vực mà còn là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn", CEO Grab nói trong tuyên bố.
Trong khi đó, CEO Uber Dara Khosrowsahi đang nỗ lực làm tình hình tài chính của công ty tốt hơn sau khi họ đã đốt hết 10,7 tỷ USD kể từ khi thành lập từ 9 năm trước.
Grab khởi đầu là ứng dụng gọi xe taxi ở Kuala Lumpur vào năm 2012 và trở thành dịch vụ thống trị trong khu vực trong vài năm qua với 4 tỷ USD huy động được từ các nhà đầu tư. Hiện Grab được định giá 6 tỷ USD với hơn 86 triệu lượt tải ứng dụng trên điện thoại.