Giá thành rẻ nhưng công nghệ tiên tiến
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia nhận định, các tàu ngầm xuất khẩu của Trung Quốc có giá thành tương đối rẻ nhưng cung cấp công nghệ tiên tiến, và thiết kế của chúng cho phép một số tính năng có thể được điều chỉnh theo yêu cầu khách hàng.
Những điều đó khiến tàu ngầm Trung Quốc có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường toàn cầu.
Bình luận của vị chuyên gia được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Nội các Thái Lan đã cho phép hải quân nước này mua chiếc đầu tiên trong tổng số 3 tàu ngầm được lên kế hoạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thái Lan đã thông qua thỏa thuận mua tàu ngầm Trung Quốc
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamnerd cho biết thỏa thuận được thông qua vào ngày 18/4, trị giá 393 triệu USD và sẽ được trả dần trong giai đoạn 2017-2023.
Đây là thỏa thuận tàu ngầm mới nhất mà Trung Quốc đạt được, sau khi Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chính thức xác nhận thỏa thuận cung cấp tàu ngầm cho Pakistan vào năm ngoái.
Theo truyền thông, Pakistan sẽ mua 8 tàu ngầm tấn công diesel-điện cải tiến từ Trung Quốc vào năm 2028. Hợp đồng này ước tính có giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Hải quân Bangladesh đã tiếp nhận 2 chiếc Type 035 lớp Ming - tàu ngầm diesel-điện cũ, đã qua sửa chữa- từ Trung Quốc.
Tàu ngầm Type 035G của Hải quân Bangladesh tại buổi chuyển giao.
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho hay, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang xuất khẩu được ngày càng nhiều tàu ngầm phi hạt nhân nhờ chất lượng tốt và giá thành tương đối thấp. Bắc Kinh nhìn chung đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực vũ khí và trang thiết bị quân sự, dù một số sản phẩm chưa đạt được chất lượng hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo do tổ chức Nuclear Threat Initiative (NTI) tại Mỹ công bố hồi tháng 7/2016, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang vận hành một trong những hạm đội tàu ngầm hiện đại nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Trung Quốc sở hữu cả hai loại tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân. Type 041 (lớp Yuan) là lớp tàu ngầm diesel-điện đầu tiên của PLAN được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).
Hoàn Cầu dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nhận định, nhìn chung, Trung Quốc đang leo lên trong bảng xếp hạng toàn cầu về công nghệ tàu ngầm trong những năm gần đây. Một trong những đột phá lớn là ứng dụng công nghệ AIP.
"Một số công nghệ xứng ngang tầm với những công nghệ mà Đức đã làm chủ được. Quan trọng hơn cả là chúng ta có thể cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính cho các khách hàng nước ngoài tiềm năng" - Nguồn tin nói.
Cũng theo nguồn tin này, các tàu ngầm mà PLAN sử dụng có tính năng tiên tiến hơn loại dành cho xuất khẩu.
Sẵn sàng bán công nghệ tàu ngầm
Chuyên gia Li Jie cho rằng, Trung Quốc có thể bán một số công nghệ tàu ngầm cho khách hàng nước ngoài, nhất là những nước có quan hệ tốt với Bắc Kinh như Pakistan.
"Chúng ta không giống một số quốc gia chỉ chăm chăm bán vũ khí để kiếm tiền, chúng ta hỗ trợ công nghệ cho các khách hàng nước ngoài, giúp họ mở rộng ngành công nghiệp quân sự" - ông Li nói.
Vị chuyên gia lưu ý rằng, công nghệ AIP giúp tàu ngầm hoạt động dưới nước lâu hơn, đôi lúc có thể hơn nửa tháng, điều đó mang lại sự khác biệt lớn so với các tàu ngầm từng được xuất khẩu trước đây.
"Công nghệ này là yêu cầu then chốt đối với Pakistan. Họ không sẵn lòng chi trả cho các công nghệ đắt đỏ hơn như tàu ngầm hạt nhân nhưng lại cần củng cố lực lượng hải quân trong trường hợp xảy ra đối đầu với Ấn Độ" - ông Li nói, đồng thời cho biết thêm rằng các tàu ngầm tại châu Á-Thái Bình Dương hiện chủ yếu do Đức, Pháp và Mỹ sản xuất.
Cũng theo ông Li, Trung Quốc có thể cải tiến một số tính năng của tàu ngầm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giúp tàu ngầm nước này trở nên phổ biến hơn nữa trên thị trường toàn cầu.