Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo những biện pháp phi ngoại giao để giải quyết tranh chấp có thể được Bắc Kinh sử dụng, sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định trước Thượng viện nước này rằng sẽ không có chuyện Ấn Độ lui quân nếu Trung Quốc không làm điều tương tự.
Tờ báo chỉ trích bà Swaraj "nói dối với Quốc hội" khi tuyên bố tất cả các nước đều ủng hộ Ấn Độ trong cuộc giằng co ở biên giới với Trung Quốc, đồng thời đe dọa New Delhi "không lặp lại sai lầm khi đánh giá thấp Bắc Kinh trong cuộc chiến năm 1962".
"Nếu xung đột giữa hai nước leo thang đến mức phải giải quyết bằng giải pháp quân sự, Ấn Độ chắc chắn sẽ thua."
Chính phủ Trung Quốc đã từ chối đề xuất mà Ngoại trưởng Swaraj đưa ra về việc hai bên cùng rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Bắc Kinh tuyên bố điều kiện tiên quyết để tổ chức đàm phán ngoại giao là Ấn Độ rút lui trước.
Trong bài xã luận của mình, tờ Hoàn Cầu cũng đặc biệt xác nhận các hoạt động gần đây của Quân giải phóng nhân dân (PLA) được truyền thông quốc tế đưa tin, bao gồm việc triển khai binh lính và tập trận ở Tây Tạng - gần biên giới với Ấn Độ, không phải chỉ là "màn trình diễn".
"Lực lượng của PLA đã được triển khai vào khu vực biên giới Trung-Ấn và sẽ không lui lại cho đến khi thu hồi được lãnh thổ của Trung Quốc," Hoàn Cầu tuyên bố, thêm rằng Bắc Kinh không chấp nhận "mất đi một tấc lãnh thổ nào".
Trước đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 19/7 cho hay, PLA đã vận chuyển hàng chục ngàn tấn thiết bị quân dụng đến khu vực Tây Tạng. Đây là nội dung của cuộc tập trận cơ động, như một động thái phô trương sức mạnh để cảnh cáo Ấn Độ về tranh chấp ở cao nguyên Doklam/Donglang.
Theo báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc, việc gia tăng hậu cần không xuất hiện ở khu vực biên giới Sikkim đang căng thẳng, mà tập trung ở phía Bắc Tây Tạng, gần Tân Cương. Nhưng với hệ thống đường cao tốc và đường sắt phát triển của mình, "khoảng cách 700 km (từ Tây Tạng đến biên giới Trung-Ấn) có thể vượt qua chỉ trong 6,7 tiếng đồng hồ".
Cuộc tập trận ở Tây Tạng có sự tham gia của "hàng nghìn người và hàng trăm xe sẽ tạo thành nhiều nhóm tiến theo đường quốc lộ và đường sắt", "đội xe kéo dài đến 10 km".
Trung Quốc tin rằng lực lượng Ấn Độ không phải là đối thủ của PLA khi so về tính cơ động và khả năng tiếp tế hậu cần, những yếu tố cần thiết để tác chiến ở địa hình núi như khu vực hai bên đang giằng co.
Theo Hoàn Cầu, các binh sĩ PLA sẵn sàng hiện diện "ở bất kỳ khu vực nào bên kia đường kiểm soát thực tế do Ấn Độ kiểm soát", và biên giới hai nước sẽ trở thành chiến trường để PLA phô trương những thành tựu trong phát triển-cải cách quân đội.
"Họ tuyên bố rằng Ấn Độ có nhiều quân hơn ở khu vực, nhưng không nhận ra rằng PLA có thể triển khai quân lực để cân bằng thế trận chỉ trong 1 ngày," Hoàn Cầu viết. "Khả năng tác chiến tầm xa của PLA cũng cho phép lực lượng từ xa hỗ trợ bằng hỏa lực cho các binh sĩ ở biên giới."
Ngoài ra, Bắc Kinh cảnh báo Ấn Độ không chờ đợi vào sự ủng hộ đến từ Mỹ hay Nhật Bản. Thời báo Hoàn Cầu gọi điều này là "ảo tưởng". Các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ gia tăng sức ép quân sự lên Ấn Độ theo từng ngày, cho đến khi New Delhi "mất hết thể diện và thất bại hoàn toàn", nếu Ấn Độ không rút quân sớm khỏi vùng biên giới Sikkim.