Hội nghị năm nay cũng là dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến "nóng" và vụ kiện ở Tòa trọng tài thường trực (PCA) có thể sắp đi đến phán quyết, Hội nghị ngoại trưởng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Hoàn Cầu: Không tồn tại tuyên bố chung ASEAN
Theo truyền thông phương Tây, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 14 đã đi đến một tuyên bố chung "quan ngại sâu sắc" trước diễn biến căng thẳng trên biển Đông.
Trong bài xã luận đăng lúc 1h31 rạng sáng 15/6 (giờ địa phương), tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo - lớn tiếng phản ứng bằng câu hỏi: "Đây có đúng là 'tuyên bố chung' của ASEAN không?", như một lời bác bỏ đối với sự tồn tại ban đầu của thông cáo này.
Báo Mỹ: ASEAN rút lại tuyên bố chung "quan ngại" về biển Đông
Theo tờ Wall Street Journal, tuyên bố chung không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ thể hiện thái độ cứng rắn, kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế trong xử lý tranh chấp.
Báo chí phương Tây gọi đây là "cái tát hiếm thấy vào mặt Bắc Kinh", "chỉ trích nghiêm khắc hành động của Trung Quốc ở biển Đông".
Tuy nhiên, WSJ và hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho hay tuyên bố này đã bị rút lại vài giờ sau đó.
Trong tiêu đề bài báo, Hoàn Cầu mỉa mai "truyền thông phương Tây điên rồi sao", đồng thời khẳng định theo điều tra của tờ này, các nước ASEAN "không công khai gửi cho giới báo chí văn bản tuyên bố chung chính thức", mà các phóng viên phương Tây "đã tìm hiểu từ quan chức ngoại giao của một nước nào đó và viết ra như vậy".
Theo Hoàn Cầu, nếu có tồn tại một tuyên bố chung thì văn bản này sẽ được công bố trọng thể bởi các thành viên tham gia đối thoại ASEAN-Trung Quốc, "chứ không phải hình thức 'tiết lộ' nửa thực nửa hư trên truyền thông".
Hoàn Cầu cho rằng, thông tin cập nhật từ phương Tây nói rằng Bộ Ngoại giao Malaysia đã trao cho hãng tin AFP của Pháp bản tuyên bố chung "càng chứng minh lập luận" của họ.
Tờ báo "diều hâu" của Trung Quốc đổ lỗi "nhân tố bất ổn và nổi trội nhất trên biển Đông" là sự hiện diện và can thiệp quân sự của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington "nhuộm màu sắc quân sự chưa từng có từ trước đến nay" cho cuộc đối đầu Trung-Mỹ.
Theo lập luận của Hoàn Cầu, khả năng các quốc gia Đông Nam Á "đối đầu tập thể" Trung Quốc là không thể xảy ra khi giữa các nước ASEAN còn tồn tại những lập trường khác nhau và "chưa có nền tảng để đi đến một hành động như vậy".
Phiên họp của Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc. (Ảnh: fmprc.gov.cn)
Cho đến lúc này, chưa thể xác định độ chính xác từ thông tin của truyền thông Trung Quốc hay phương Tây, bởi cả Bắc Kinh và ASEAN chưa lên tiếng chính thức về vấn đề này.
Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 15/6 mới chỉ công bố trên website của mình về hoạt động của Ngoại trưởng Vương Nghị tại hội nghị vừa qua.
Theo đó, ông Vương nói trong cuộc họp báo rằng đã cùng các Ngoại trưởng ASEAN thảo luận về vấn đề biển Đông trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, nhấn mạnh cùng gìn giữ hòa bình và ổn định biển Đông.
Ông Vương Nghị "tái khẳng định cần xử lý tốt vấn đề biển Đông, không để ảnh hưởng tới cục diện lớn là hợp tác hữu nghị ASEAN-Trung Quốc".