Cựu binh Trung Quốc: Năng lực quân đội Ấn Độ có hạn
Vụ xung đột quân sự ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 76 người khác bị thương. Đây là vụ đối đầu nghiêm trọng nhất xảy ra ở khu vực biên giới Trung-Ấn trong nhiều thập kỷ qua.
Chuyên gia (ẩn danh) tại một viện quân sự có trụ sở ở Bắc Kinh nhận định trên Thời báo Hoàn Cầu, lý do đằng sau việc Trung Quốc không công bố số lượng thương vong bên phía Quân giải phóng nhân dân (PLA) là nước này không muốn gây thêm ảnh hưởng tiêu cực đến người dân hai nước, bởi bất kỳ sự so sánh nào về thương vong có thể châm ngòi cho làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước và không có lợi cho nỗ lực hòa dịu căng thẳng.
"Nếu những người dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ thấy con số thương vong [của PLA] và phát hiện quân đội Ấn Độ mất nhiều binh lính hơn PLA, thì chính quyền [Thủ tướng Ấn Độ Narendra] Modi cùng quân đội Ấn Độ sẽ đứng trước sức ép lớn phải leo thang" những hành động cứng rắn với Bắc Kinh - chuyên gia kể trên bình luận.
"Do đó, việc giữ im lặng trong vấn đề này là rất thông minh."
(Ảnh: Economic Times)
Hu Zhiyong, nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng việc Ấn Độ công khai thông tin thương vong là để giành lấy sự đồng cảm từ cộng đồng quốc tế, song tất cả thế lực chủ chốt của phương Tây đều đang phải đấu tranh với các vấn đề trong nước - như biểu tình bạo lực hay ứng phó đại dịch Covid-19, nên khó có bên nào cung cấp hỗ trợ thiết thực cho New Delhi.
Một cựu quân nhân PLA có kinh nghiệm làm việc ở địa hình đồi núi, cao nguyên, nói với Hoàn Cầu rằng nhiệt độ giá lạnh và chứng say độ cao là những thách thức đáng kể đối với các chiến dịch ở vùng cao.
Theo người này, 17 binh sĩ Ấn Độ đã tử vong sau khi bị thương trong vụ đụng độ ngày 15 dù không có tiếng súng nào, cho thấy "điều kiện thể chất của họ không phù hợp để triển khai trong môi trường khắc nghiệt như vậy".
Cựu binh Trung Quốc đánh giá, những thương vong cũng thể hiện năng lực y tế và hậu cần mờ nhạt của Ấn Độ ở tiền tuyến. Ông cho hay, các binh sĩ Ấn Độ có thể đã không được đưa tới một bệnh viện dã chiến đủ chất lượng và không có phương tiện chuyên chở nhanh chóng, cũng như thiếu túi oxy hay quần áo ấm.
Nguồn tin của Hoàn Cầu nói những chi tiết trên minh chứng năng lực tác chiến hạn chế của quân đội Ấn Độ.
Các nhà phân tích Trung Quốc tự tin rằng vụ giao tranh đẫm máu hôm 15/6 sẽ không làm leo thang tình hình bởi Trung-Ấn chia sẻ nhận thức chung về giải quyết bất đồng bằng đối thoại, và New Delhi có thể trả giá đắt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của Covid-19, còn "sức mạnh quân sự chưa phát triển" khiến nước này không đủ khả năng leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Ông Hu Zhiyong nhận xét, một thất bại vào thời điểm này sẽ là thảm họa, khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ không thể chấp nhận và chính quyền Modi có thể mất đi quyền lực.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Economic Times)
Ấn Độ khẳng định "đáp trả tương xứng"
Trong khi đó, một số nguồn tin trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ nói với báo Times of India rằng nước này phải cân nhắc phương án hành động quân sự "hạn chế" để phản ứng những động thái của Trung Quốc tại khu vực LAC. Các nguồn tin nhấn mạnh lực lượng vũ trang Ấn Độ có đủ khả năng để khiến Trung Quốc "chảy máu mũi".
Các nguồn tin quân sự của tờ này ngày 19/6 hé lộ, Tổng tư lệnh Không quân Ấn Độ Rakesh Bhadauria đã thực hiện chuyến thị sát hai ngày tới khu vực Leh và Srinagar. Không quân Ấn Độ đã đặt toàn bộ căn cứ ở tiền tuyến dọc 3.500km biên giới với Trung Quốc trong tình trạng báo động cao, đồng thời điều động bổ sung tiêm kích, trực thăng tấn công,... để sẵn sàng ứng phó khả năng xung đột tái bùng phát.
Các quan chức Ấn Độ nói rằng vụ đụng độ ở Galwan là điểm bước ngoặt trong quan hệ Trung-Ấn, không chỉ bởi hậu quả nặng nề nó gây ra, mà còn ở thông điệp mà sự việc mang lại.
Vụ việc cũng đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong cách thức xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới của Ấn Độ - một nguồn tin của Hindustan Times nói.
"Cho đến nay, các biên giới chưa được phân chia đã được quản lý thông qua các giao thức và thỏa thuận, nơi các hành động quân sự không được sử dụng. Sự kiện lần này cho thấy rõ rằng nếu Bắc Kinh bất chấp các thỏa thuận và mưu đồ đơn phương thay đổi hiện trạng, quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng đối phó một cách kiên quyết," nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ấn Độ nói.
Đây cũng là thông điệp mà Thủ tướng Narendra Modi phát đi trong tuần này. Ông nhấn mạnh New Delhi mong muốn hòa bình, nhưng có đầy đủ khả năng "đáp trả tương xứng" nếu bị khiêu khích.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus