Tối 16/9, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đăng tải bài viết có nhan đề: "India boasts winter war supplies, but its logistics are 'not as good as it claims' (Tự hào về khả năng duy trì xung đột vào mùa đông, nhưng Ấn Độ "nói thì hay hơn làm" về hậu cần) của tác giả Liu Xin.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh Quân đội Ấn Độ đang tăng tốc hoạt động hậu cần tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Chuyên gia Trung Quốc "phản pháo" tuyên bố của Tướng Ấn Độ
Hôm 15/9, tờ ANI của Ấn Độ dẫn tuyên bố của Thiếu tướng Arvind Kapoor nhấn mạnh rằng công tác vận chuyển và tiếp tế của Quân đội Ấn Độ (IAF) trong khu vực sông băng bao phủ đang được thực hiện rất tốt:
"Lực lượng Ấn Độ ở Ladakh đã sẵn sàng triển khai theo yêu cầu ngay cả trong những tháng mùa đông khắc nghiệt vì đã dự trữ tất cả các nguồn cung cấp thiết yếu, bao gồm thực phẩm, quần áo và nhiên liệu cho binh lính".
Xe tăng Ấn Độ đóng quân tại một địa điểm gần khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Tướng Kapoor cũng tiết lộ thêm rằng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hậu cần của Ấn Độ được xây dựng thông minh đến mức bất kỳ một đơn vị mới được tăng cường đều có thể nhanh chóng tham chiến "liền mạch và hiệu quả".
Chỉ 1 ngày sau, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh Qian Feng bình luận "đáp trả" với Thời báo Hoàn Cầu:
"Ấn Độ đang tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý và muốn thể hiện mình là "những người cứng rắn" trong việc duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Ladakh và khả năng tiến hành các hoạt động (quân sự) quy mô lớn vào mùa đông và cung cấp binh lính tiền tuyến không tốt bằng (những gì họ nói).
Mặc dù Quân đội Ấn Độ đã có được kinh nghiệm dày dặn trong việc đóng quân hoặc tiến hành các hoạt động rất nhỏ ở những khu vực có sông băng lạnh giá bao phủ, tỷ lệ tử vong khi không tham chiến của họ ở những khu vực này vẫn cao".
"Thời tiết và địa hình ở Ladakh vốn đòi hỏi sự hỗ trợ hậu cần và y tế nhanh chóng và nhanh chóng là những thách thức lớn đối với các hoạt động quân sự quy mô lớn vào mùa đông", ông Qian nhấn mạnh đồng thời lưu ý rằng Ấn Độ đang thiếu hụt khả năng trong lĩnh vực này.
Công tác hậu cần vào mùa đông khắc nghiệt vẫn là trở ngại lớn đối với Quân đội Ấn Độ?
"Nói thì dễ hơn làm"
Cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông được đánh giá là một yếu tố khác hạn chế năng lực hậu cần của quân đội Ấn Độ.
Hiện tuyến đường sắt đến khu vực Ladakh vẫn chưa hoàn chỉnh, còn đường bộ thì không đủ chất lượng để vận chuyển binh lính nhanh chóng. Quân đội Ấn Độ hiện phải sử dụng máy bay vận tải quân sự để đưa binh lính và xe tăng tới các khu vực biên giới.
Năm 2019, tờ Hindustan Times đưa tin Ấn Độ đã tập trung vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới và đặt mục tiêu trong 3 năm để hoàn thành tất cả 61 dự án đường chiến lược dọc biên giới phía bắc.
Sau cuộc giao tranh đẫm máu với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Thung lũng Galwan, 2 binh sĩ Ấn Độ cũng đã thiệt mạng vì tai nạn khi "xây dựng một cây cầu" ở khu vực này, theo tờ India Express.
Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc có lợi thế về hậu cần, vận chuyển binh lính và khí tài cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tây bắc nước này.
Cần lưu ý rằng PLA đã từng tiến hành cơ động quy mô lớn hàng nghìn lính dù và xe bọc thép đến Tây Tạng từ Tỉnh Hồ Bắc ở miền trung chỉ trong vài giờ, chứng tỏ khả năng của Trung Quốc trong việc nhanh chóng củng cố các tuyến phòng thủ biên giới khi cần.
Mới đây hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ New Delhi cho biết trong tuần qua PLA đã điều hơn 10.000 quân tới Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh.
Việc điều động thêm 10.000 người đã nâng tổng số lính PLA tập trung dọc biên giới với Ấn Độ lên tới khoảng 52.000 người, với 150 máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không (SAM).
Sputnik cho biết thêm rằng không chỉ Trung Quốc, mà quân đội Ấn Độ cũng đang tích trữ thêm đạn dược, thiết bị, nhiên liệu và thực phẩm ở khu vực biên giới để đối đầu.
Đều đặn mỗi năm, quân đội Ấn Độ phải gửi hơn 150.000 tấn thiết bị và vật tư đến khu vực giáp Trung Quốc để lực lượng ở đây có thể chống chọi với với "tử thần" là mùa đông khắc nghiệt.