Học giỏi nhưng bất trị
Thuở còn nhỏ, Vương Cương (sinh năm 1948) là một cậu bé học rất giỏi, thậm chí còn khiến thầy ghét vì… dám khôn hơn thầy. Gia cảnh nghèo khó, Vương Cương cũng ý thức được việc học quan trọng như thế nào.
Tuy có một người cha vô cùng nghiêm khắc nhưng Vương Cương vẫn rất nghịch ngợm đến mức bất trị. Ở trường, ông pha đủ trò quấy rối khiến giáo viên bực mình, cha mẹ cũng chẳng dám đi họp phụ huynh vì sợ bị chỉ trích.
Vương Cương khi còn trẻ.
Một thành tích nghịch ngợm đáng nhớ của Vương Cương chính là suýt đốt trường học vào năm 10 tuổi. Ông kể lại hôm đó có bài thi nhưng bản thân làm xong nhanh nên ra trước.
Chẳng biết làm gì, Vương Cương bèn nghĩ ngay ra trò mới, đó là chui xuống hệ thống lò sưởi dưới lòng đất rồi đi đến các lớp, chui lên để dọa mọi người.
Nhưng vì hầm quá tối nên Vương Cương phải đốt nến, chẳng may ông trượt chân ngã khiến nến rơi vào đúng đống giấy, lửa bốc lên và lan nhanh chóng.
Giáo viên học sinh trong trường trở nên hỗn loạn, vội vàng lấy nước dập lửa. Đến lúc Vương Cương được kéo lên khỏi hầm, ông đã ướt sũng.
Thậm chí có lần, Vương Cương cùng mấy bạn đi bơi giữa thời tiết 10 độ C nhưng lại chẳng ai dám xuống nước.
Lúc này ông đã đẩy một người bạn xuống nước, nào ngờ cậu bạn đó bị chuột rút suýt chết đuối. Cũng may mọi người xuống cứu, cậu bạn đó sợ quá đến nỗi nửa tháng trời không dám đến trường học. Quả thật đều là những kỷ niệm đáng nhớ.
Hồi còn nhỏ, Vương Cương là một cậu học trò giỏi nhưng bất trị.
Những những trò nghịch "ác" và hậu quả của nó vẫn không khiến Vương Cương "cảnh tỉnh". Ông vẫn ra sức quậy phá và để rồi cha mẹ không ngó đến, giáo viên và các bạn hắt hủi.
Cảm giác bị xa lánh thật khó chịu khiến Vương Cương đòi bỏ học. Đến đầu năm học mới, thầy giáo gọi Vương Cương lên và yêu cầu ông chuyển trường. Trong lòng cảm thấy khó chịu, Vương Cương liền viết thư giãi bày gửi cho Chủ tịch Mao Trạch Đông.
"Trong thư, tôi bày tỏ lòng trung thành của một đứa trẻ với Chủ tịch, tôi còn vẽ hai bức tranh, một bức là hình con thỏ ăn củ cải, một bức là các chiến sĩ giải phóng quân bảo vệ tổ quốc.
Tôi còn bỏ vào phong thư bức hình tôi và em gái Vương Tĩnh chụp chung. Ngày hôm sau, tôi đem gửi bức thư đó, ghi trên phong bì là ‘Mao Chủ tịch ở Bắc Kinh nhận’."
Sau khi gửi, những nỗi buồn trong lòng Vương Cương cũng biến mất và để rồi ông cũng dần quên đi lá thư này. Đến một ngày kia, hiệu trưởng bỗng gọi ông lên và giao cho ông bức thư hồi đáp từ Chủ tịch Mao Trạch Đông.
"Anh bạn nhỏ Vương Cương, chúng tôi đã nhận được bức thư, hai tranh vẽ và tấm ảnh mà cháu gửi đến Chủ tịch Mao ngày 24/6.
Cảm ơn cháu, gửi tặng cháu tấm ảnh của Chủ tịch Mao làm kỉ niệm. Mong cháu luôn cố gắng học tập, rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị cho nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc. Ngày 3/7/1959."
Cũng chính nhờ bức thư ấy mà Vương Cương thay đổi hoàn toàn, ông trở thành một cậu học trò ngoan ngoãn, luôn đứng top những học sinh giỏi nhất trường.
Bước ngoặt mang tên "Hòa Thân"
Năm 1969 khi đã trưởng thành, Vương Cương làm việc tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu Cát Lâm và Đoàn Nghệ thuật Quân khu Thẩm và rồi chuyển đến Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc làm phát thanh viên chuyên đọc truyện dài kỳ trên radio.
Với giọng nói truyền cảm in sâu trong lòng thính giả, Vương Cương được bầu chọn là một trong 10 phát thanh viên xuất sắc nhất Trung Quốc.
Ngoài ra, ông cũng là người đứng sau hàng trăm chương trình văn hóa hấp dẫn cho đài CCTV và các đài truyền hình địa phương được khán giả rất yêu thích.
Nhưng sự nghiệp của Vương Cương đã có một bước ngoặt lớn khi ông quyết định nhận lời đóng vai Hòa Thân trong bộ phim Tể tướng Lưu gù (1996) bên cạnh Lý Bảo Điền và Trương Quốc Lập.
Tuy là lần đầu đóng phim nhưng diễn xuất tinh tế của ông đã làm nổi bật hình ảnh tham quan Hòa Thân giỏi nịnh hót và lắm mưu mô. Vai diễn này của ông thành công đến nỗi cứ nhắc đến Vương Cương là lại nhớ đến ngay Hòa Thân và ngược lại.
Sau này, ông còn nhiều lần đảm nhận vai diễn Hòa Thân trong hàng chục phim khác như Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Mộng đoạn Tử Cấm Thành, Hoàng đế thường dân, Thiết tướng quân,…
Hòa Thân – vai diễn để đời của Vương Cương mà cho đến nay vẫn chưa ai đủ "bản lĩnh" vượt qua ông.
Vương Cương tích cực đóng phim đến năm 2008 và sau đó ông tạm dừng sự nghiệp trong suốt một khoảng thời gian khá dài.
Ông tiếp tục trở lại màn ảnh với một số vai phụ trong năm 2016 và đến giờ vẫn chưa có ý định nhận thêm dự án nào nữa.
Phải kết hôn 3 lần mới tìm được hạnh phúc
Năm 1976 qua sự giới thiệu, Vương Cương gặp được một người phụ nữ tên Tiểu Đỗ và họ đã chính thức kết hôn sau 2 năm quen biết.
Nhưng chỉ sau 2 tháng, hôn nhân đã bắt đầu trục trặc và đến năm 1979, vợ chồng Vương Cương ly dị, khi ấy họ có một con gái chung tên là Vương Đình Đình.
Phải đến năm 1996, Vương Cương mới tái hôn lần nữa với một nữ diễn viên ít tên tuổi là Thành Phương Viên nhưng hôn nhân của họ chỉ kéo dài được 5 năm và không có con chung.
Vương Cương từng có 2 cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn.
Phải đến năm 2005, Vương Cương quen một cô gái kém ông 20 tuổi là Trịnh Diễm Đông trên mạng. Họ gặp nhau và nhanh chóng "trúng tiếng sét ái tình".
Họ chính thức kết hôn vào năm 2006 và 2 năm sau đó, Trịnh Diễm Đông đã sinh cậu quý tử Đinh Đinh cho Vương Cương.
Một điều thú vị hơn nữa, ở tuổi 60 Vương Cương không chỉ đón con trai chào đời mà còn lên chức ông. Đối với Vương Cương, ông rất thích trẻ con và không cảm thấy chán khi ở cùng con và cháu trai.
Gia đình nhỏ của Vương Cương.
Đến cuộc hôn nhân thứ 3 thì Vương Cương mới tìm được hạnh phúc thật sự. Ở tuổi xấp xỉ 70, Vương Cương không còn tham gia quá nhiều vào các hoạt động trong showbiz. Ông cảm thấy khoảng thời gian ở bên gia đình mới thật sự có ý nghĩa và hạnh phúc nhất.