Hỏa thần HIMARS nã tên lửa vào tàu hộ vệ loại biên của Philippines

Bằng Hưng |

Tên lửa cùng pháo có độ chính xác cao liên tục được khai hỏa nhắm vào mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương trong lần đầu diễn tập bắn đạn thật chung giữa Mỹ và Philippines ở biển Đông.

Cuộc diễn tập hôm 26-4 nhằm vào mục tiêu tàu chiến trên biển Đông ở khu vực phía Bắc thủ đô Manila. Đây là hoạt động cuối cùng của đợt tập trận chung mang tên Balikatan 2023, có quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm qua giữa Mỹ và Philippines.

AP mô tả Tổng thống Philippine s Ferdinand Marcos Jr. theo dõi màn phô diễn hỏa lực Mỹ từ một tháp quan sát ở thị trấn ven biển San Antonio ở tỉnh Zambales.

Ngồi bên cạnh ông là Đại sứ Mỹ MaryKay Carlson cùng các cố vấn an ninh và quốc phòng hàng đầu Philippines. Ông Marcos sử dụng cặp ống nhòm, mỉm cười và gật đầu khi các tên lửa phóng vút lên bầu trời xanh từ Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

Bãi đất trống ven biển trước mặt ông Marcos giống như một vùng đầy khói lửa, nơi có tiếng pháo nổ ầm ầm khi những chiếc trực thăng tấn công AH-64 Apache bay trên đầu.

Sự kiện bắt đầu với pháo phản lực HIMARS phóng loạt tên lửa nhằm vào tàu hộ vệ loại biên của Manila neo cách bờ 22 km, mô phỏng nỗ lực ngăn chặn tàu chiến đối phương đang tiếp cận bờ biển Philippines.

Các đơn vị pháo binh Mỹ và Philippines sau đó liên tiếp bắn phá các mục tiêu nổi nhỏ hơn, bao gồm các thùng rỗng được buộc lại với nhau, triển khai cách bờ biển khoảng 10 km.

Hỏa thần HIMARS nã tên lửa vào tàu hộ vệ loại biên của Philippines - Ảnh 2.

Pháo binh Mỹ và Philippines liên tục nã vào mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương hôm 26-4. Ảnh: AP

Balikatan, trong tiếng Tagalog ở Philippines có nghĩa là "vai kề vai". Cuộc tập trận Balikatan 2023 bắt đầu từ hôm 11-4, với sự tham gia của khoảng 12.200 binh sĩ Mỹ, khoảng 5.400 quân nhân Philippines và 111 đối tác đến từ Úc.

Theo giới quân sự Mỹ và Philippines, cuộc tập trận đã phô diễn khả năng của các tàu chiến, máy bay chiến đấu cũng như tên lửa Patriot, HIMARS và tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ.

Phát ngôn viên quân đội Philippines, Đại tá Mike Logico, cho hay cuộc tập trận bị gián đoạn trong thời gian ngắn khi một máy bay hạng nhẹ của tư nhân di chuyển vào khu vực bắn đạn thật. Các ngư dân trước đó cũng được thông báo tránh xa phạm vi khu vực diễn ra cuộc diễn tập.

Trung tướng William Jurney, chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết: "Cuộc tập trận làm tăng tính thực tiễn về khả năng chiến đấu, một ưu tiên chính giữa quân đội Philippines và quân đội Mỹ".

Việc quân đội Mỹ và Philippines phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận trên biển Đông diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Philippines đã gửi hơn 200 phản đối ngoại giao với Trung Quốc kể từ năm ngoái, trong đó có ít nhất 77 phản đối kể từ khi Tổng thống Marcos nhậm chức vào tháng 6-2022.

Hồi tháng 2 vừa qua, ông Marcos đã chấp thuận sự hiện diện quân sự rộng rãi hơn của Mỹ ở Philippines. Theo đó, cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ nữa ở Philippines, bên cạnh 5 căn cứ hiện tại.

"Đó là một bước ngoặt lớn so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, người lo ngại rằng sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ có thể gây phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh" – hãng AP bình luận.

Thực tế, phía Trung Quốc cũng đã phản ứng mạnh mẽ với động thái này khi đưa ra cảnh báo rằng liên minh an ninh ngày càng sâu rộng giữa Washington - Manila và các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra của họ không được gây tổn hại đến an ninh và lợi ích của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại