Hòa Phát lần đầu nếm mùi lỗ kể từ năm 2009, chuyện "tồi tệ" gì đã xảy ra?

An Vũ |

Đây là những ngày tháng lịch sử khi lần đầu tiên sau hơn 13 năm, nhóm thép ghi nhận lợi nhuận quý ở mức âm 1.950 tỷ đồng, đóng góp 109% trong tổng lỗ sau thuế hợp nhất của tập đoàn và được bù đắp lại bởi 6% lãi từ nhóm nông nghiệp và 3% lãi từ nhóm BĐS.

Không đứng ngoài khó khăn chung của ngành thép, mới đây BCTC Công ty cổ phần Hòa Phát công bố đã cho thấy hai từ "thê thảm" mà trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông 2022, Chủ tịch Trần Đình Long đã nói, gây dậy sóng dư luận.

Quý III/2022, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 4.478 tỷ đồng, tương ứng giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái là 38.918 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 1.786 tỷ đồng, giảm 12.137 tỷ đồng tương ứng giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu của sản xuất và kinh doanh thép - ngành chủ chốt của Tập đoàn là 32.554 tỷ đồng, đóng góp 95% vào doanh thu hợp nhất, 5% còn lại đến từ nông nghiệp và bất động sản.

Ngành chu kỳ đến kỳ... khó

Thép là ngành có tính chu kỳ và phụ thuộc cao vào tình trạng của nền kinh tế. Sau một năm đặc biệt thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh thép 2021, năm 2022 trải qua những biến động vĩ mô trên toàn cầu như chiến tranh, suy thoái kinh tế sau Covid và lạm phát, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực có dư âm dài hạn và tác động dồn dập.

Quý III năm nay đã chứng kiến toàn ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ với màu sắc ảm đạm trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép, không ngoại trừ Hòa Phát.

Ba quý đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp Hòa Phát diễn biến đi xuống với tốc độ nhanh, từ con số khá lạc quan 23% trong quý I/2022 xuống còn 3% trong quý III/2022, biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% trong quý I/2022 xuống còn -5% trong quý III/2022.

 Hòa Phát lần đầu nếm mùi lỗ kể từ năm 2009, chuyện tồi tệ gì đã xảy ra?  - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Cùng với Hòa Phát, những ông lớn khác trong ngành như Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG) và CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đều lỗ.

Sau khi trừ các chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng 419 tỷ đồng quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.

SMC dù ghi nhận doanh thu đạt 5.672,05 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, song lại lỗ ròng 188 tỷ đồng. Việc SMC lỗ đậm do nguyên nhân chủ yếu là kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng cao. Đây là quý lỗ đầu tiên của SMC trong 10 quý liên tiếp.

Ngoài những doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ, Vicasa – VNSteel, Thủ Đức VNSteel, Tisco, HMC là những cái tên tiếp nối âm hàng chục nghìn tỷ đồng quý III vừa qua.

Giá nguyên liệu cao trong Quý II được phản ánh vào giá thành sản xuất thép của Quý III khiến biên lợi nhuận gộp Quý III sụt giảm mạnh

Than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. Trong khi quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức ổn định thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022.

Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới đã dấy lên lo ngại thái quá về thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến cú sốc về giá than lên cả phần còn lại thị trường.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy dòng chảy cung ứng cũ và việc thiếu chu trình vận tải cho các cung đường mới làm tăng chi phí vận chuyển khiến giá nguyên liệu nhập khẩu càng cao hơn.

 Hòa Phát lần đầu nếm mùi lỗ kể từ năm 2009, chuyện tồi tệ gì đã xảy ra?  - Ảnh 2.

Giá than đã tăng gấp ba mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào T3/2022 và T5/2022 và chỉ được triệt tiêu một phần từ giá quặng giảm.

Mặc dù hiện tại giá than đã hạ nhiệt, nhưng với vòng quay hàng tồn kho thông thường khoảng 3 tháng, giá thành sản xuất thép quý III phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý này tăng mạnh 6.290 tỷ đồng, tương đương 23% so với cùng kỳ năm trước.

“Cú đấm” từ tỷ giá và chi phí lãi vay

Tháng 9/2022, FED đã nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức rất cao tại Mỹ. Tuy thị trường tín dụng Việt Nam đang giữ một độ trễ khá dài về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt so với thế giới nhưng lãi suất cũng đã bắt vào đà tăng trong quý III và đang dần gây áp lực lên chi phí vay vốn của các doanh nghiệp.

Lãi suất vay của Hòa Phát đã bắt đầu tăng trong quý III khiến cho dù đã giảm dư nợ vay so với quý trước, chi phí lãi vay quý này vẫn tăng 17% từ 717 tỷ lên 837 tỷ.

Bên cạnh lãi vay, tỷ giá là "tội đồ" khiến chi phí tài chính của Hòa Phát quý này tăng ở mức đáng kể 1.341 tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá đồng USD đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây.

 Hòa Phát lần đầu nếm mùi lỗ kể từ năm 2009, chuyện tồi tệ gì đã xảy ra?  - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

Với nguyên liệu than và quặng sắt chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và một phần dư nợ vay bằng USD, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận trong quý này tổng lỗ chênh lệch tỷ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ.

"Nếu thị trường thép có đi xuống, giá thép có giảm thì Hoà Phát là người cuối cùng chịu thiệt hại"

Trong đại hội đồng cổ đông năm nay, khi được hỏi khi thị trường thép không còn thuận lợi, Hoà Phát sẽ như thế nào, ông Trần Đình Long cho biết đã tính toán kỹ lưỡng để Hòa Phát là người chịu thiệt hại cuối cùng.

" Khi kinh doanh chúng tôi tính toán làm sao trong trường hợp khó khăn nhất thì vẫn có lãi, công ty vẫn phát triển. Nếu thị trường thép có đi xuống, giá thép có giảm thì Hoà Phát là người cuối cùng chịu thiệt hại" , ông Long nói.

 Hòa Phát lần đầu nếm mùi lỗ kể từ năm 2009, chuyện tồi tệ gì đã xảy ra?  - Ảnh 4.

Ông Trần Đình Long

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những lời khẳng định đầy tự tin của người đứng đầu Hoà Phát cũng cho thấy phần nào cơ sở, ít nhất là việc bất chấp tiêu thụ toàn thị trường giảm, Hòa Phát vẫn duy trì tăng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, ống thép so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể: 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ thép thô của Hòa Phát đạt hơn 6 triệu tấn, trong đó 3,46 triệu tấn thép xây dựng và 2,04 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Sản lượng ống thép và tôn đạt lần lượt 577 nghìn và 249 nghìn tấn.

Trong khi tổng sản lượng thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát vẫn tăng 24%.

Sản lượng HRC, ống thép của Hòa Phát vẫn tăng tương ứng 5% và 16% trong khi sản lượng thị trường cho hai loại sản phẩm này giảm tương ứng 12% và 4%.

Thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong Quý III ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại