Ngày 21/2/2019 Bộ Tài nguyên Môi trường chính thức cấp giấy phép cho phép CTCP Théo Hòa Phát Dung Quất được nhận chìm 15,39 triệu m3 chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Việc nhận chìm chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 7,7 triệu m3. Thành phần của chất nhận chìm là cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%, không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải vượt quy chuẩn môi trường.
Khu vực nhận chìm được ấn định tại vùng biển Dung Quất, Xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích 180 ha có độ sâu từ 51 – 55m. Hòa Phát sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 m3 đến 35.000 m3 nhận chìm theo hình thức xả đáy.
Việc nhận chìm sẽ diễn ra từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020 (15 tháng).
Bộ TNMT yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần chất, phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của Giấy phép.
Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, không đúng vị trí, một trong số các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép sẽ phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản 129/TTg-NN, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc giao khu vực biển liên quan đến nhận chìm vật chất nạo vét từ quá trình thi công xây dựng hạng mục cảng của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Ảnh: VnExpress
Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2017. Với số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, thiết kế quy mô công suất 4 triệu tấn/năm, dự kiến sau khi đi vào vận hành công suất nhà máy có thể đạt 4,5 triệu tấn/năm.
Ban đầu Hòa Phát lên kế hoạch phát triển hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 100.000 tấn cập bến, sau đó nâng công suất cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến. Cảng nước sâu sẽ giúp chi phí nguyên liệu đầu vào có thể giảm 7-10 USD/tấn quặng (khoảng 10-12%).
Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc Hòa Phát phải nạo vét khu vực cảng sâu hơn và Tập đoàn này đã phải mất hơn nửa năm để chứng minh với các Bộ ban ngành đủ năng lực và trách nhiệm trong việc nhận chìm chất nạo vét.
Doanh nghiệp này cho biết dành 30% tổng vốn đầu tư cho việc giám sát xử lý môi trường, triệt để và cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Hiện nhà máy thép cán thanh đầu tiên đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch quý II năm nay, lò cao số một sẽ ra những mẻ gang đầu tiên. Cứ 3 tháng một lò cao tiếp theo hoàn thiện cho đến khi nào đủ 4 lò cao thì công đoạn sản xuất sẽ vận hành đồng bộ.