Loạt phim hốt bạc ăn theo sách
Đấy chỉ là một trong hàng chục bài phê bình chỉ trích bộ phim mới của Tom Hanks nặng nề. Thực ra, giới phê bình vốn đã nặng lời với 2 tác phẩm chuyển thể trước của Dan Brown (nhưng vẫn không ngăn được khán giả đổ xô đến rạp để xem phim), nhưng Hỏa ngục có lẽ là phần bị chỉ trích nặng nề nhất. Thậm chí những gáo nước lạnh dội không nương tay vào mặt của một trong những ngôi sao điện ảnh vốn được yêu thích nhất của thế giới.
Xem đoàn làm phim ra mắt tại Florence:
Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), ra mắt sau cơn sốt toàn cầu của cuốn tiểu thuyết. Phiên bản chuyển thể của đạo diễn từng đoạt Oscar Ron Howard và ngôi sao chính Tom Hanks chỉ nhận được 25% điểm tích cực trên trang rotten tomatoes, nơi tập trung các bài điểm phim của giới phê bình.
Mặc dù nhận quá nhiều “cà chua thối”, Mật mã Da Vinci hốt đậm 758 triệu USD toàn cầu, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng doanh thu năm 2006, chỉ sau Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest của Johnny Depp.
Ba năm sau, Angels and Demons (Thiên thần và Á quỷ) ra đời. Lần này giới phê bình nương tay hơn một chút, điểm tích cực trên rotten tomatoes là 37%, nghĩa là vẫn có 63% nhà phê bình ném cà chua thối vào bộ phim.
Khán giả vẫn đổ xô đến rạp, dù doanh thu giảm khá nhiều với 486 triệu USD tiền vé tổng cộng thu về toàn cầu (vẫn lãi to). Dẫu sao, hai tập phim thu về khoảng 1,25 tỉ đô la Mỹ, những lời chê bai của giới phê bình theo gió bay.
Tom Hanks và vai giáo sư Robert Langdon
Tom Hanks là một ngôi sao thượng thặng. Anh chẳng cần phải lập thêm kỷ lục gì nữa, bởi hơn 30 năm qua, tổng doanh thu các bộ phim anh đóng thu về tới 8,7 tỉ đô la Mỹ toàn cầu, chưa tính trượt giá.
Ngôi sao đoạt 2 giải Oscar này vốn không hợp với những loạt phim franchise (phim nhây nhiều tập), dù anh lồng tiếng cho nhân vật chính trong bộ ba Toy Story được cả giới phê bình lẫn khán giả yêu thích và thành công vang dội về mặt thương mại.
Lý giải cho việc Hanks vẫn tiếp tục thủ vai giáo sư Robert Langdon trong bộ ba phim bị giới phê bình tẩy chay, có thể bởi anh là một trong những fan cứng của bộ tiểu thuyết và yêu thích chất trinh thám, yếu tố tôn giáo, các biểu tượng "nhức não" và thuyết âm mưu dày đặc được viết bởi một cây bút sành sõi như Dan Brown.
Còn một trong những lý do chính khiến khán giả phớt lờ giới phê bình là sức hấp dẫn của các mê cung được dựng lên trong bộ phim, đơn giản như được xem lại tác phẩm văn chương của Dan Brown bằng hình ảnh, với sự thủ diễn của một ngôi sao đầy tin cậy.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn và thậm chí tài tình giữa những sự kiện có thật và hư cấu cao tay khiến khán giả dù biết là bịa, vẫn bị cuốn theo sự ly kì đầy tính giải trí của nó.
Thêm vào đó, một tập phim là một câu chuyện, một cuộc rượt đuổi với thời gian để giải mã những bí mật, bí ẩn khác nhau. Mật mã Da Vinci là câu chuyện về hậu nhân của Chúa, bối cảnh bắt đầu ở bảo tàng Lourve của Pháp. Thiên thần và Địa ngục là những bí ẩn về Giáo hội, còn đâu hợp hơn bằng thành Rome.
Còn tập mới nhất là Hỏa ngục lấy cảm hứng từ tác phẩm vĩ đại Thần khúc của Dante - nhà thơ Ý sinh ra ở Florence nói về những tội lỗi của con người và những cái giá phải trả qua 9 tầng địa ngục.
Cần điểm qua một chút về xuất xứ của Thần khúc của Dante mà Dan Brown mượn chất liệu để hư cấu. Được xem là một trong những tác gia vĩ đại nhất thế giới (cùng với Shakespeare, Goethe…), Thần khúc là một trường ca xuất sắc nhất của ông, được viết trong khoảng thời gian Dante bị trục xuất khỏi Florence, khoảng từ năm 1308 đến 1320. Tác phẩm này chia làm 3 phần, gồm Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatoria) và Thiên đàng (Paradiso).
Dan Brown mượn ngay nhan đề của phần 1 để đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình và Dante cũng xuất hiện xuyên suốt trong truyện (và phim), với chiếc mặt nạ gương mặt ông đặt trong bảo tàng bị đánh cắp, cuộc rượt đuổi với thời gian của Robert Langdon qua các thành phố ở châu Âu.
Trọng trách của Robert Langdon giờ là phải giải mã những bí mật mới nhằm kịp ngăn chặn một âm mưu khủng khiếp của một kẻ loạn thần mượn tư tưởng của Dante trong Hỏa ngục để tiêu diệt một nửa nhân loại.
Hỏa ngục: một Tom Hanks thiếu lửa
Hỏa ngục mở đầu với cảnh Robert Langdon tỉnh dậy trong một bệnh viện ở Florence trong tình trạng mất trí nhớ và một vết thương dài cắt qua đầu. Gương mặt mệt mỏi và già nua của Langdon, cũng chính là dung mạo của Hanks xuất hiện từ đầu, báo hiệu một cuộc rượt đuổi nhàm chán và thiếu lửa.
Và đúng thế thật, cả bộ phim là một cuộc tháo chạy và rượt đuổi, chạy và rượt đuổi, kéo khán giả theo tour du lịch các thành phố cổ châu Âu khá khiên cưỡng của Langdon và cô bác sĩ trẻ Sienna Brooks (Felicity Jones đóng).
Hai tập trước cũng có nhiều cảnh rượt đuổi, và Langdon luôn có một cô gái trẻ đồng hành, nhưng có lẽ tập này là nhiều nhất, và mệt mỏi nhất. Tom Hanks vốn là một diễn viên rất giỏi, nhưng dường như chính bản thân anh cũng không hiểu rõ mình chạy vì điều gì, khiến cuộc chạy đua của anh trong phim đầy lưỡng lự.
Một khi Hanks thiếu lửa, thì tất nhiên, toàn bộ bộ phim thiếu lửa. Hãy nhìn lại bộ phim gần đây nhất của anh - Cơ trưởng Sully - nếu không có Hanks chắc chắn sẽ thất bại, bởi anh gần như là linh hồn của bộ phim.
Còn ở Hỏa ngục, ta không thấy Hanks “ăn” vai diễn, hoặc giả, anh không còn hợp với những cảnh hành động và các cuộc rượt đuổi qua các thành phố du lịch như Matt Damon trong Jason Bourne.
Hỏa ngục tất nhiên vẫn có sức hút giải trí để neo chân người xem trong rạp, ít nhất là 1/3 về cuối, khi bộ phim có một cú “twist” khá hấp dẫn và đoạn kết với những cuộc vật lộn dưới nước để kịp ngăn chặn một thảm họa.
Nhưng xem ra, thảm họa của nhân loại thì Robert Langdon, rốt cục cũng ngăn chặn được. Còn Hanks, với tài năng của mình, lại không ngăn chặn được một “thảm họa” điện ảnh (hãy hiểu là người viết đang chơi chữ) thiếu lửa.