Thời gian gần đây, nữ sinh cầm bảng đứng đầu khối 12 trong ngày hội thể thao của một trường cấp 3 ở Trung Quốc được dân mạng chú ý.
Nữ sinh ăn mặc "khác người" trong hội thao cấp trường
Nữ sinh mặc váy trắng lộ đôi vai gầy, đầu đội vương miện, tay đeo găng lụa, trang điểm vô cùng tinh tế.
Nụ cười nở trên môi, thần thái lịch sự trang nhã, giúp cô trở thành tâm điểm thu hút nhiều ánh nhìn trong ngày hội thao cấp trường.
Không ngờ rằng, sau khi hình ảnh nữ sinh cầm bảng đứng đầu được đăng tải trên mạng xã hội của trường, phần bình luận xuất hiện vô số lời ác ý:
"Không biết hiệu trưởng của trường này nghĩ gì mà lại khiến ngày hội thể thao bị mất đi tính nghiêm túc. Cô ta giống như người làm nghề không đứng đắn, lộ ngực lộ vai, như vậy có phù hợp với tiêu chuẩn trang phục học sinh không?".
"Học sinh cấp 3 mà trang điểm đậm như thế rồi. Có lẽ nữ sinh này là học sinh cá biệt, không phải nhóm học hành giỏi giang".
"Cấp 3 mà đã thế này thì hơi bị quá đà. Tôi không biết cô này học hành thế nào, nhưng học sinh nên tập trung vào chuyện học tập hơn chăm chút vẻ ngoài".
"Con gái thì nên đứng đắn một chút, ăn mặc lộ liễu như thế trong trường học thật sự quá lố lăng".
Đó chỉ mới là những lời lẽ nhẹ nhàng nhất, còn có rất nhiều bình luận với lời lẽ xúc phạm quá đáng.
Đọc những bình luận này, hẳn rằng nhiều người lầm tưởng mình đang sống trong xã hội phong kiến, khi mà phụ nữ bị trói buộc từ tinh thần cho đến thể xác.
Đầu tiên, nếu bạn nói nữ sinh này ăn mặc lộ liễu thì có thể để ý phía sau khung hình. Những cô gái cầm bảng đứng trước đều mặc đầm dạ hội đủ kiểu.
Đây có lẽ là một chủ đề trang phục do ban tổ chức nhà trường đề ra. Trong ngày hội thể thao, mỗi lớp cử một nữ sinh (thường là hoa khôi của lớp) đại diện đứng đầu.
Các nữ sinh sẽ thuê lễ phục, trang điểm, làm tóc, đeo trang sức tinh tế... chuẩn bị chu đáo hết sức có thể để tạo bộ mặt cho cả lớp.
Tiếp theo, bạn nói: "Không có cái chất của học sinh", "nhiệm vụ của học sinh là phải học hành"... Nhưng xin hiểu rằng, ngày hội thể thao này chỉ tổ chức 1 năm/lần.
Thế mà bạn đã đánh giá ý thức học tập của người khác chỉ từ một ngày duy nhất trong năm? Đã từ khi nào học sinh ăn mặc đẹp đẽ lại bị gắn cho cái danh học hành không nghiêm túc, là thành phần "học dốt"?
Có lẽ nữ sinh này cũng không ngờ rằng bản thân bị chỉ trích chỉ vì "xinh đẹp, đứng đầu khối trong ngày hội thể thao".
Điều đáng tiếc nhất trong thời đại này chính là khi bạn trở nên "khác bầy", cá tính một chút thì sẽ bị không ít lời gièm pha, mỉa mai. Họ không thể chấp nhận sự khác biệt của bạn, cố gắng hạ bệ bạn.
Đây chính là biểu hiện thái độ "ghen ăn tức ở", thấy người khác hơn mình thì khó chịu điển hình của kiểu người ích kỷ và yếu kém.
Áp đặt khuôn khổ lên cuộc đời của người khác liệu có đúng đắn?
Trước đây, trường tiểu học thuộc quận Cao Tân (Trịnh Châu, Trung Quốc) cũng có một vụ tương tự. Theo đó, trường học yêu cầu các em học sinh nữ chỉ dùng dây buộc tóc một màu duy nhất. Quy định này đã khiến đông đảo phụ huynh và dư luận bức xúc.
Không ngờ rằng lãnh đạo của ngôi trường tiểu học này lại để ý đến từng chi tiết nhỏ như vậy, ngay cả màu sắc dây buộc tóc của nữ sinh cũng bị áp đặt vào khuôn khổ.
Nhiều người cho rằng quy định của nhà trường gây ra hệ lụy vô cùng khủng khiếp. Theo đó, phương pháp giáo dục kiểu này sẽ khiến trẻ em bị bó buộc trong thế giới nhỏ hẹp, hạn chế sức sáng tạo. Các em chỉ biết đi theo con đường vạch sẵn, mà không hề có chủ kiến hay khả năng khám phá cái mới.
Không ít người hoài nghi về xã hội này vì nó vừa khiến trẻ em nghèo nàn trong sáng tạo vừa ép các em lớn khôn trong khuôn mẫu đã được định hình sẵn.
Hơn hết, đây chính là tư duy kìm hãm, không cho phép bạn "khác loài", không có cơ hội độc lập, ép buộc bạn phải hòa nhập vào bầy nhóm.
Khác biệt không phải là cái tội
Tâm lý học có một hiện tượng đặc biệt gọi là: Hiệu ứng bầy cừu, hay chính là hiệu ứng số đông.
Người khi ở trong một nhóm lâu và quen với việc hùa theo đám đông, họ sẽ dần đánh mất khả năng phán đoán của bản thân và trở thành nô lệ của tư duy tập thể.
Con người sống trong xã hội không thể thoát ly những mối quan hệ. Nhiều người cố sức hòa nhập vào đám đông vì tâm lý bầy đàn, bị ảnh hưởng bởi số lượng.
Đương nhiên, nếu bạn có thể phát triển sau khi hòa nhập thì không có gì đáng nói. Nhưng họa chăng, bạn đã bị mất chất, đánh mất bản thân. Càng đáng sợ hơn là bạn đã bị đồng hóa mà không hề hay biết.
Song, không phải sự hòa nhập nào cũng là xấu xa. Điều mấu chốt là bạn vẫn luôn không ngừng tạo ra giá trị và tôn vinh cái tôi của mình.
Hy vọng rằng xã hội sẽ luôn tôn trọng những điểm khác biệt, không áp đặt định kiến và tư duy phiến diện vào bất cứ ai. Chỉ có như thế, xã hội mới muôn màu muôn vẻ, không phải đơn sắc, vô vị.
(Nguồn: Zhihu)