Trong tuần qua, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều công nhân vừa bị mất việc, giảm giờ làm… do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất vì không có đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao chính là chủ đề được nhiều tờ báo đăng tải.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 11 tháng qua có hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày , chế biến gỗ, điện tử…. Trong đó có hơn 30.000 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9.500 lao động nữ trong thời kỳ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Những con số thống kê mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đưa ra ở thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán hẳn khiến chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ.
Đời sống của công nhân vốn đã nhiều khó khăn sẽ càng khó khăn hơn khi mất việc, giãn việc. Ảnh minh họa.
Đời sống của công nhân vốn đã nhiều khó khăn sẽ càng khó khăn hơn khi mất việc, giãn việc. Hơn lúc nào hết, họ cần được trợ giúp thiết thực để vượt qua khó khăn hiện tại. Đã có nhiều đề xuất được đưa ra. Quyết sách hỗ trợ lúc này không chỉ cần nhanh, sớm mà còn cần thông thoáng về thủ tục để đến ngay được với người lao động
Ví dụ, trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 55,7 nghìn tỷ đồng - giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho người lao động cho tới khi có đơn hàng trở lại. Hoặc xem xét gia hạn gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ đồng cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bởi nhiều chính sách trong gói này vẫn phù hợp và có thể triển khai ngay nếu được kéo dài.
Cũng có thể hỗ trợ gián tiếp người lao động thông qua doanh nghiệp bằng cách nới room tín dụng, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm… nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, bớt phần nào chi phí đầu vào để xoay xở làm ăn, giữ việc cho công nhân, phân tích trên tờ Đại biểu Nhân dân.
Đó là những đề xuất giải pháp rất đáng cân nhắc vào lúc này. Cần phải nhấn mạnh rằng do kinh tế thế giới khó khăn, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ... thu hẹp, cắt giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn về nguyên liệu dẫn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng. Điều này khiến người lao động bị cắt giảm, nghỉ luân phiên, giãn việc...
Trên báo Tuổi trẻ, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, điều cần thiết là phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, dự báo sớm, kịp thời, nhanh các vấn đề kinh tế đối ngoại và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để có định hướng sản xuất phù hợp.
Với Công đoàn cấp trên cơ sở và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngoài nguồn quỹ dự kiến chi ra để hỗ trợ người lao động dịp Tết, cần có thêm những hoạt động thiết thực để động viên, tiếp sức họ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần điều tiết cung cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm; cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ ngành chức năng đề xuất Chính phủ giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, bình luận trên tờ Người Lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao tình hình của doanh nghiệp, người lao động để đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết nguyên đán, trả lương, trả thưởng và các chế độ, công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày, đồng thời đề xuất những giải pháp hỗ trợ.
Tờ Lao động thông tin đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, các cấp Công đoàn hiện đang tập trung triển các hoạt động chăm lo nhân dịp Tết Quý Mão. Dự kiến có khoảng 1 triệu người lao động được hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn.
Bên cạnh đó, Chương trình "Chợ Tết Công đoàn" tại 22 tỉnh, thành phố sẽ bán hàng thiết yếu với giá giá ưu đãi… cho người lao động.
Tết Nguyên đán đã thật gần, hơn lúc nào hết, người lao động rất cần sự quan tâm, hỗ trợ để "không ai bị bỏ lại phía sau". Ảnh minh họa.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải nắm bắt tình hình người lao động mất việc làm tại các khu công nghiệp, các ngành, lĩnh vực... để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả
Thực hiện chỉ đạo này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tại một số địa phương đã chủ động vào cuộc. Đơn cử như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân vai rõ ràng cho các cơ quan để kịp thời rà soát, hỗ trợ trong trường hợp lao động mất việc.
Còn mới đây, Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ duy trì và tạo việc làm trong dự kiến kế hoạch năm sau để thực hiện ngay năm nay, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đề nghị các cơ quan tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, theo Báo điện tử Tạp chí kinh tế Việt Nam
Tết Nguyên đán đã thật gần, hơn lúc nào hết, người lao động rất cần sự quan tâm, hỗ trợ để "không ai bị bỏ lại phía sau". Cần phải nhấn mạnh rằng, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ còn gặp rất khó khăn, nên doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần đồng lòng chung sức để vượt qua với những giải pháp căn cơ và dài hơi hơn.