Ngày 22/9, nhận câu hỏi từ báo Tiền Phong về kết quả xác minh tin báo về việc dân nhìn thấy hổ trong vùng rừng có hang động núi lửa, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã phân công một cán bộ hồi âm.
Ông Phan Sỹ Thống, cán bộ Ban quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Sau khi nhận đơn trình báo về việc dân nhìn thấy hổ từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Gia Phát, UBND tỉnh giao UBND huyện Krông Nô lập đoàn xác minh. Đoàn làm việc xong, báo cáo lên huyện, huyện báo lên tỉnh là xác minh cho thấy không có hổ.
Tuy nhiên, hỏi sâu hơn, PV được biết đoàn xác minh chưa từng đặt bẫy ảnh, cũng chưa hề tổ chức rà soát được toàn bộ thực địa rừng núi và hệ thống hang động ở Krông Nô.
Điều này khiến các nhà khoa học cần tiếp tục vào các hang động núi lửa để khảo cổ, nghiên cứu phải lo lắng. Bởi nếu có hổ từ nơi khác dạt về, và đang quanh quẩn đâu đó trong khu vực hang động, thì sẽ rất nguy hiểm đối với tính mạng của họ và sự nghiệp chung.
Tối 16/8, hai nhân viên người M’Nông trực bảo vệ diện tích rừng trên khu vực có hang động do Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Gia Phát quản lý, ông Y Ngun (tên thường gọi Ama Hôi, 57 tuổi) và ông Y Jon, sợ hãi kể với phóng viên báo Tiền Phong họ đã tận mắt thấy hổ.
Ama Hôi kể: Vào khoảng 7 rưỡi tối, soi đèn pin, ông giật mình thấy hai cặp mắt sáng quắc bắt đèn đỏ rực như ánh đèn pha. Là người M’nông bản địa thạo nghề rừng và đi săn từ nhỏ, Ama Hôi khẳng định ông biết chắc đó là mắt của loài hổ, và ước chừng đôi hổ này cao khoảng 1,4-1,5m. Ama Hôi và Y Jon vọt vào nhà, cài chặt cửa, nhìn qua kẽ vách, thấy đôi hổ lững thững bước khuất hẳn vào rẫy bắp gần ngã ba buôn Choa’h.
Năm hôm sau, một nhân viên gác rừng khác là Ama Oan nói vừa phát hiện dấu vết con gà rừng mắc bẫy bị hổ chén sạch.
Nhiều người dân xã Buôn Choa'h cũng kể họ đã thấy hổ to như con bò, “gầy gầy chắc do thiếu thức ăn”, đứng trên đỉnh núi lửa Chư Bluk. Ông Sùng Văn Tu, người Nùng ở thôn 7, còn kể ông tận mắt thấy cả gia đình hổ 3 con.
“Vùng rừng Krông Nô và đồi núi quanh cụm thác Gia Long-Dray Sáp trước kia có rất nhiều hổ. Khoảng năm 1995-1997 vẫn còn người săn được hổ, lấy xác nấu cao.
Hồi đó mình chuyên dẫn các đoàn khảo sát và tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm cảm giác mạo hiểm dọc sông Sêrêpôk, biết rõ chuyện này. Nên không thể loại trừ khả năng còn sót lại một vài con hổ đang ẩn náu trong các hang động, hoặc hổ mới dạt từ nơi khác về”, ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du lịch Đam San, nói.