Bức ảnh chụp từ trên không của thành phố Hiroshima, Nhật Bản, ngay sau khi quả bom nguyên tử “Little Boy” thả xuống.
Đây là một số câu hỏi hóc búa trong cuốn sách gây tranh cãi của Robert K. Wilcox, “Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản”, được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1995. Đó là cuốn sách lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản khi thế giới tưởng niệm 74 năm vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki.
Quả bom nguyên tử của Nhật Bản và kế hoạch đánh bom nước Mỹ
Robert K. Wilcox là tác giả một số cuốn sách về các bí ẩn trong lịch sử và thuyết âm mưu - từ Tấm vải liệm thành Torino đến vụ ám sát Kennedy.
Nhưng trong gần 24 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên của “Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản", với lời dẫn rằng "Làm cách nào để Nhật Bản chạy đua với thời gian để chế tạo quả bom của riêng mình”, tác giả người Mỹ tiếp tục nghiên cứu chương trình nguyên tử trong Chiến tranh thế giới lần 2 của Nhật Bản dựa vào các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhà khoa học của đất nước này làm việc trong dự án vũ khí tối thượng, nói chuyện với giới quan chức Mỹ, thu thập các tài liệu được phân loại và giải mật từ nhiều quốc gia.
Wilcox lưu ý rằng giới quan chức Mỹ đã giúp Nhật Bản che đậy một số tội ác chiến tranh khủng khiếp, bao gồm các thí nghiệm sinh học tàn khốc với các tù nhân chiến tranh. Ông lập luận rằng chính phủ Mỹ cũng có thể đã giữ bí mật phần lớn những gì họ biết về chương trình hạt nhân của Nhật Bản.
Theo Wilcox, giới lãnh đạo và các nhà khoa học Nhật Bản “đã cam kết tạo ra một thiết bị như vậy” tại một thời điểm khi họ và các quốc gia khác “chạy đua nhau tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử. Mặc dù thất bại nhưng Nhật Bản đã tiến gần đến thành công hơn những gì mà lịch sử ghi nhận”.
Wilcox đưa ra một trường hợp Nhật Bản kích nổ thành công một thiết bị nguyên tử gần với khu vực gọi là Konan của CHDCND Triều Tiên vào khoảng ngày 12-8-1945, tức 6 ngày sau khi Hiroshima bị ném bom nguyên tử (vào ngày 6-8, giết chết hơn 90.000 dân thường) và vài ngày sau vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki (vào ngày 9-8, giết chết ít nhất 40.000 người).
Quyết định chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản vào ngày 15-8, theo Wilcox, được đưa ra sau cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của chính mình và có lẽ, họ cũng nhận ra rằng đã quá muộn để trả đũa bằng cùng loại vũ khí hủy diệt! Người Mỹ rất có khả năng nhận thức được rằng Nhật Bản đang cố gắng phát triển vũ khí nguyên tử vào đầu năm 1945.
Vào tháng 2-1945, nội bộ tổ chức OSS (tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA) lưu hành một báo cáo về một trong những chất thải nguyên tử được sử dụng để chống lại máy bay Đồng minh.
Vài tháng sau, các nguồn tin tình báo Đồng minh đệ trình một báo cáo khác về chuyện một nhà khoa học Nhật Bản thông báo trước Quý tộc viện (Quốc hội Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần 2) rằng ông là người đã nghiên cứu thành công một thứ vũ khí mạnh mẽ đến mức nó sẽ cần rất ít năng lượng tiềm năng để tiêu diệt hạm đội địch trong một vài khoảnh khắc.
Rõ ràng, giới chức Mỹ biết nhà khoa học này đang nói về một quả bom nguyên tử. Vì vậy, khi một tàu ngầm của Đức Quốc xã bị bắt sống vào tháng 5-1945 được cho là mang theo nửa tấn uranium tới Nhật Bản, người Mỹ đã rất hoảng hốt.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các quan chức tình báo biết rằng quân đội Nhật Bản, ngay trước khi họ đầu hàng, đã thực sự phát triển và thử nghiệm thành công một thiết bị nguyên tử. Dự án được cho là triển khai tại (hoặc gần) Konan (tên tiếng Nhật của Hungnam), trên bờ biển ở phía bắc của bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi vào cuối năm 1945, Liên Xô – lúc này vẫn chưa có bom nguyên tử - đã có được phần lớn bán đảo Triều Tiên ở phía bắc vĩ tuyến 38 và kiểm soát nhà máy nơi bom nguyên tử của phát xít Nhật được phát triển!
Ông David Snell.
Vào mùa hè năm 1946, phóng viên David Snell đã viết về quả bom nguyên tử của phát xít Nhật một cách công khai trên tạp chí Hiến pháp Atlanta của Mỹ.
David Snell cho biết đã phỏng vấn một sĩ quan Nhật Bản phụ trách an ninh cho dự án bom nguyên tử. Snell viết: “Nhật Bản đã phát triển và thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử vào 3 ngày trước khi kết thúc chiến tranh.
Thế nhưng các tài liệu bí mật và kế hoạch ném bom nguyên tử đã bị phá hủy chỉ vài giờ trước khi các đơn vị của Quân đội Nga di chuyển đến Konan, nơi tiến hành dự án. Dự án sử dụng khoảng 40.000 công nhân Nhật Bản, trong đó khoảng 25.000 người là kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo. Các công nhân bị hạn chế trong khu vực của họ. Khu biệt lập bên trong nhà máy nằm sâu trong một hang động. Ở đây chỉ có 400 chuyên gia làm việc”.
Bài viết của David Snell còn tóm tắt các mục tiêu chiến lược và chiến lược của dự án: “Khi các lực lượng đặc nhiệm mũi nhọn của Đồng minh mở rộng cuộc chiến đến gần hơn với lục địa Nhật Bản, Hải quân Nhật Bản đã tiến hành sản xuất bom nguyên tử để bảo vệ chống lại các hoạt động đổ bộ. Bom nguyên tử sẽ được sử dụng trong máy bay tự sát Kamikaze để tiêu diệt tàu của Đồng minh”.
Tuy nhiên, mọi người không biết được bao nhiêu về những nỗ lực nghiên cứu của Nhật Bản. Trong cuốn sách “Stalin và quả bom”, tác giả David Holloway cũng không đề cập đến chương trình hạt nhân của Nhật Bản. Trong khi đó, dường như phần lớn nghiên cứu của Nga được cho là dựa trên thông tin đánh cắp từ Dự án Manhattan của Mỹ.
Tuy nhiên trong cuốn sách của mình, Wilcox bắt đầu công bố nhiều tin sốt dẻo của năm 1946 và thêm nhiều chi tiết hơn. Nhật Bản đã xem xét về quả bom nguyên tử ngay từ đầu Chiến tranh thế giới lần 2 và chương trình nghiên cứu đã diễn ra vào cuối thập niên 1930. Kế hoạch ban đầu là kích nổ một quả bom nguyên tử ngay trên lục địa Mỹ.
Vào khoảng cuối năm 1942 hoặc đầu năm 1943, Thủ tướng Nhật Bản Hideki Tojo đã gọi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Toranosuke Kawashima đến văn phòng của ông. Ông cho biết “những dự án bom nguyên tử của Mỹ và Đức Quốc xã đang tiến triển. Nếu chúng ta đứng sau, chúng ta sẽ thua cuộc chiến”.
Cuốn sách “Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản”, xuất bản ngày 15-8-1995.
Uranium: Con dao hai lưỡi
Các nhà khoa học Nhật Bản có kiến thức tốt về lý thuyết nguyên tử và họ biết rằng họ cần một lượng lớn uranium. Kế hoạch chế tạo bom nguyên tử bắt đầu một cách nghiêm túc và các nhà khoa học trên khắp đế chế Nhật Bản bắt đầu thực hiện dự án, đặc biệt là tại khu phức hợp Konan của CHDCND Triều Tiên khi ấy, nơi có rất nhiều năng lượng thủy điện và có thể là các mỏ uranium.
Do đó, Konan nghiễm nhiên trở thành “Los Alamos” trong “Dự án Manhattan” của Nhật Bản khi nước này bắt đầu tìm kiếm uranium trên toàn bộ đế chế của mình trước khi chuyển đến đồng minh Đức Quốc xã.
Trong Chiến tranh thế giới lần 2, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Los Alamos National Laboratory, viết tắt là LANL) là nơi thực hiện Dự án Manhattan (dự án bí mật nghiên cứu sản xuất vũ khí nguyên tử).
Ba trái bom nguyên tử đầu tiên được nghiên cứu sản xuất tại đây, trong đó một quả bom được cho nổ thử nghiệm trong sa mạc Alamogordo thuộc bang New Mexico ngày 16-7-1945, còn hai quả kia ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos là một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí nguyên tử (còn lại là Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, thành lập năm 1952).
Quả bom Little Boy trong Chiến tranh thế giới lần 2.
Có những khoảnh khắc đen tối trong cuốn sách khi mô tả những nỗ lực của Nhật Bản để có đủ uranium từ đồng minh Đức Quốc xã. Yasukazu Kigoshi, chuyên gia kỹ thuật và tùy viên đại sứ quán với đội ngũ Nhật Bản tại Berlin, cho biết ban đầu Bộ Kinh tế Đức không hợp tác.
Trong cuộc phỏng vấn với Wilcox, Kigoshi nhớ lại: “Vì vậy, tôi đã rất tức giận và đã tự mình gửi một bức điện tín cho chính phủ Đức. Tôi nói với họ rằng Lý do chúng tôi cần khoáng vật pitchblende (có chứa urani) để phát triển năng lượng nguyên tử. Chúng tôi hiện đang theo Hiệp ước ba bên [thỏa thuận Trục] và cả hai chúng ta đang chiến đấu chống lại Mỹ và Anh. Vì vậy, những gì đang xảy ra mà khiến các ông không muốn hợp tác?".
Cuối cùng, Hitler trả lời sẽ cho Nhật Bản 2 tấn khoáng vật pitchblende. Đến cuối cuộc chiến, khi Đức Quốc xã sụp đổ, một chiếc tàu ngầm Đức được phái đến Nhật Bản cùng với hai sĩ quan Nhật Bản trên tàu và khoảng 600kg uranium oxide cho quân đội Nhật Bản, nếu được làm giàu thành công sẽ đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử. Nhưng, Đức Quốc xã đã bị đánh bại và Hitler đã tự sát.
Chưa đầy một tuần sau đó con tàu đầu hàng lực lượng Đồng Minh vào ngày 14-5-1945, cách Cape Race, Newfoundland, khoảng hơn 800km. Việc phát hiện ra uranium đã gây hốt hoảng cho chính quyền Mỹ. J. Robert Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử Mỹ, được cho là đã đích thân đến kiểm tra hàng hóa. Sau đó, uranium đã được trưng dụng cho Dự án Manhattan.
Wilcox cho rằng một điều “trớ trêu” là uranium dùng để chế tạo bom nguyên tử của Nhật Bản “đã giúp Mỹ mang sự hủy diệt nguyên tử đến Nhật Bản”… với 3 quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945.
Cuốn sách là một lịch sử
Yoshiaki Yano - người đã dịch cuốn sách Wilcox, trước đây là một tướng lĩnh lớn trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và là chuyên gia nổi tiếng về răn đe hạt nhân - cũng bị thuyết phục rằng công trình mà các nhà khoa học Nhật Bản bỏ lại đã giúp tạo ra chương trình hạt nhân của một số nước khác.
Ông cũng có quan điểm rằng Nhật Bản nên có vũ khí hạt nhân riêng để phòng thủ. Rõ ràng rằng Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc đều phải biết sự thật về vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Do đó, Yano coi việc xuất bản cuốn sách là một điều tích cực.