Hồ sơ thiên đường: Hé lộ công thức né thuế của Apple

Chu Lan Anh |

Hồ sơ thiên đường cho thấy công ty sinh lời nhiều nhất trên thế giới có một cách thức mới, bí mật cho phép Apple tiếp tục né hàng tỷ đô la tiền thuế.

Hồ sơ thiên đường là tên gọi của bộ tài liệu tài chính khổng lồ bị rò rỉ, đã soi chiếu ánh sáng vào thế giới tài chính hải ngoại. Và bộ hồ sơ này đã tiết lộ cách giúp Apple tránh được 1 lượng thuế lớn, bằng cách luân chuyển tiền qua các thiên đường thuế.

Sau đó, Apple chuyển công ty con nắm giữ hầu hết số tiền mặt ở hải ngoại không bị đánh thuế đến đảo Jersey trong quần đảo Channel. Số tiền này lên đến 252 tỷ USD.

Apple nói rằng cách thức mới không làm giảm tiền thuế mà hãng này phải nộp.

Apple cho biết Apple vẫn là công ty đóng thuế nhiều nhất trên thế giới, khoảng 35 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm qua; Apple tuân thủ đúng luật, những thay đổi của công ty "không làm giảm tiền thuế phải nộp ở bất cứ quốc gia nào".

Tuyên bố thêm, công ty nhấn mạnh rằng không có hoạt động nào và khoản đầu tư nào bị chuyển khỏi Ireland.

Hồ sơ thiên đường - Bí mật thuế của giới siêu giàu

Theo Hồ sơ thiên đường, tính đến năm 2014, công ty công nghệ này đã lợi dụng lỗ hổng trong luật thuế của Mỹ và Cộng hòa Ireland, được biết đến với tên gọi "Double Irish" (tạm dịch "2 người Ireland").

Lỗ hổng này cho phép Apple đưa doanh số bán hàng chảy ra khỏi nước Mỹ - hiện chiếm khoảng 55% doanh thu - thông qua các công ty con ở Ireland, những công ty này không chịu nghĩa vụ thuế với cả Mỹ và Ireland, vì vậy chúng hầu như không phải chịu một khoản thuế nào.

Thay vì đóng thuế thu nhập doanh nghiệp của Ireland 12.5%, hoặc 35% của Mỹ thì cách thức né tránh thuế của Apple giúp công ty giảm mức thuế suất tính trên lợi nhuận ngoài nước Mỹ, đến mức số tiền thuế phải nộp ở nước ngoài hiếm khi lên đến hơn 5% trên tổng lợi nhuận thu được từ nước ngoài, một vài năm con số này ít hơn 2%.

Ủy ban châu Âu tính toán thuế suất mà một trong các công ty của Apple ở Ireland trả trong 1 năm chỉ là 0,005%.

Apple chịu áp lực vào năm 2013 khi CEO Tim Cook bị buộc phải bào chữa cho hệ thống thuế của công ty.

Tức giận vì Mỹ mất một khoảng thuế khổng lồ, thượng nghị sĩ Carl Levin nói với Tim Cook: "Anh chuyển con ngỗng vàng đến Ireland. Anh đưa nó đến 3 công ty mà không đóng thuế ở Ireland. Đó là báu vật của tập đoàn Apple. Các bạn ạ, điều này không hề đúng đắn."

CEO Tim Cook đáp trả lại một cách ngang ngược: "Chúng tôi trả tất cả thuế mà chúng tôi nợ, từng đồng đô la một. Chúng tôi không phụ thuộc vào những mánh khóe tránh thuế không cần thiết. Chúng tôi không giấu tiền ở những hòn đảo Caribbean."

Bộ câu hỏi của Apple

Sau khi EU công bố vào năm 2013, rằng EU đang điều tra sự sắp đặt của Apple ở Ireland, chính quyền Ireland quyết định các hãng thành lập công ty ở nước này không thể tiếp tục không chịu thuế của quốc gia nào.

Để giữ thuế suất thấp, Apple cần tìm đến những trung tâm tài chính hải ngoại - cung cấp nơi ẩn thuế cho các công ty con ở Ireland.

Vào tháng 3 năm 2014, tư vấn pháp lý của Apple gửi một bộ câu hỏi cho Appleby, một công ty luật về tài chính hải ngoại - công ty bị rò rỉ hồ sơ thiên đường.

Tài liệu này hỏi về lợi ích khác nhau mà các thiên đường thuế - như quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Mauritius, Isle of Man, Jersey và Guernsey - mà Appleby có thể cung cấp cho Apple.

Văn bản này còn nhắc đến những câu hỏi quan trọng như liệu có thể "có được sự bảo đảm chính thức cho việc miễn thuế" và cách nào để một công ty ở Ireland có thể "thực hiện các hoạt động quản trị mà không trở thành đối tượng chịu thuế".

Apple cũng hỏi liệu có khả năng chính phủ thay đổi luật, thông tin nào sẽ công khai và việc lách luật có dễ dàng không.

 Hồ sơ thiên đường: Hé lộ công thức né thuế của Apple  - Ảnh 1.

Các email rò rỉ cũng cho thấy rõ hơn rằng Apple muốn giữ bí mật các bước đi của mình.

Một email trao đổi giữa các luật sư của Appleby có đoạn: "Với những người chưa biết trong các bạn, Apple thật sự nhạy cảm với việc công khai. Họ kì vọng công việc được hoàn thành và chỉ được thảo luận giữa những người cần biết."

Apple chọn Jersey, một lãnh thổ phụ thuộc của Hoàng gia Anh, nơi này có luật thuế riêng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 0% cho các công ty nước ngoài.

Hồ sơ thiên đường cho biết hai công ty con trọng yếu của Apple là Apple Operations International (AOI) - được cho rằng nắm giữ hầu hết số tiền khổng lồ ở nước ngoài của Apple, 252 tỷ USD và Apple Sales International (ASI) - được điều hành từ trụ sở của Appleby ở Jersey từ đầu năm 2015 đến đầu năm 2016.

Hai công ty con cho phép Apple tiếp tục tránh hàng tỷ USD tiền thuế trên toàn thế giới.

Tài khoản năm 2017 của Apple cho thấy họ thu được 44,7 tỷ USD bên ngoài nước Mỹ và chỉ đóng 1,65 tỷ USD cho các chính quyền ở nước ngoài, thuế suất vào khoảng 3,7%. Con số này ít hơn 1/6 thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trên thế giới.

Tháng 8 năm 2016, sau cuộc điều tra 3 năm, ủy ban châu Âu phát hiện Ireland trao cho Apple một khoản lợi thuế phi pháp.

Ủy ban châu Âu yêu cầu Apple trả lại số tiền thuế đó cho Ireland trong thời hạn được miễn thuế mà điều tra phát hiện ra, tức là từ 2003 đến 2013. Tổng số tiền là 13 tỉ euro (11,6 tỉ bảng Anh) cộng thêm 1 tỉ euro tiền lãi.

Ireland và Apple kháng án

Tim Cook của Apple gọi quyết định của ủy ban châu Âu là "rác rưởi chính trị" và "không có lý lẽ cho quyết định này kể cả trong luật và trong thực tế". Ireland nói EU đang xâm phạm đến hệ thống thuế có chủ quyền của nước này. Điều này sẽ gây hoảng sợ cho các công ty đa quốc gia ở những nơi khác.

Ireland đồng ý thu đủ 13 tỉ euro, số tiền này sẽ được giữ trong một tài khoản bảo chứng được quản lý trong lúc chờ bản án phúc thẩm.

Tháng 10 năm 2017, EU nói việc này sẽ dẫn Ireland ra tòa nếu nước này không thu đủ số tiền. Ireland cho rằng vấn đề này phức tạp và cần thêm thời gian giải quyết.

GDP của Ireland tăng vọt mạnh mẽ

Khi lỗ hổng "Double Irish" ("Hai người Ireland") được đóng lại, Ireland ban hành luật thuế mới mà các công ty như Apple vẫn có thể lợi dụng.

Một trong những công ty con mà Apple chuyển đến Jersey là ASI, nắm quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ có giá trị khổng lồ của Apple.

Nếu ASI bán quyền sở hữu tài sản trí tuệ lại cho một công ty Ireland, thì công ty ở Ireland có thể trừ đi khoản chi phí khổng lồ để làm giảm lợi nhuận trong tương lai. Và vì công ty nắm giữ tài sản trí tuệ ASI được đăng ký ở Jersey nên lợi nhuận từ việc mua bán này không bị đánh thuế.

Có vẻ như Apple đã thực hiện chiêu trò đó. GDP của Ireland năm 2015 tăng bất thường 26%, điều mà báo chí giải thích do quyền sở hữu tài sản trí tuệ được chuyển đến Ireland. Tài sản vô hình này làm tăng 250 tỷ euro ở Ireland năm đó.

Bộ tài chính của nước này phủ nhận rằng luật mới mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia.

Bộ cho rằng Ireland "không phải là nước duy nhất cho phép các công ty tuyên bố định mức vốn trên tài sản vô hình" và Ireland tuân thủ "các quy tắc quốc tế."

Apple từ chối trả lời các câu hỏi về hai công ty con được chuyển đến Jersey.

Công ty cũng từ chối bình luận khi được hỏi liệu các công ty con có giúp tạo ra khoản trừ thuế khổng lồ bằng cách bán quyền sở hữu tài sản trí tuệ không.

Apple nói: "Khi Ireland thay đổi luật thuế vào năm 2015, chúng tôi tuân thủ bằng cách thay đổi nơi cư trú của hai công ty con ở Ireland và chúng tôi đã thông báo với Ireland, Ủy ban châu Âu và Mỹ.

Những thay đổi của chúng tôi không làm giảm số thuế mà chúng tôi đóng ở bất cứ nước nào. Thực tế, thuế mà chúng tôi nộp cho Ireland tăng đáng kể và trong 3 năm qua chúng tôi đã đóng 1,5 tỷ USD tại đây".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại