Hồ sơ FBI nêu chi tiết cách Nga tuyển dụng người Mỹ làm gián điệp

Thiện Trí |

Ghi nhận của đài CNN cho thấy, phía Nga đã tổ chức các hoạt động rất bài bản để gián điệp người Nga thu thập các thông tin tình báo Mỹ.

Trong thế giới thực thật khó có thể xảy ra tình huống mà hàng xóm, đồng nghiệp của bạn hoặc bưu tá đưa thư là một điệp viên Nga đang hoạt động bằng một lý lịch giả mạo rất hoàn hảo.

Trong số những cáo buộc và suy đoán đổ dồn vào quá trình điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhiều quan chức tình báo cho rằng tình báo nước ngoài đang sử dụng chiến thuật cũ và đích thân tuyển dụng từng cá nhân để khai thác thông tin nhạy cảm, CNN cho biết.

Chiến tranh thông tin và hoạt động gián điệp mạng đã thay đổi cục diện mặt trận tình báo trong nhiều năm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, sách lược về mục tiêu, tuyển dụng và nguồn lực như thế nào vẫn giữ nguyên như trước đây, CNN kết luận.

Chiến thuật tuyển dụng tình báo

Trong các bản cáo trạng của FBI từ một vụ điều tra năm 2015 có nêu tên một cá nhân là "Nam giới 1". Người này đã liệt kê chi tiết từng bước mọi phương thức gián điệp.

Trong khi chính quyền Mỹ chưa bao giờ tiết lộ danh tính nhân vật này, thì người đàn ông có tên Carter Page thừa nhận với CNN rằng ông chính là một mục tiêu tuyển dụng bởi 3 cơ quan tình báo Nga được nhắc đến trong các tư liệu.

Hồ sơ FBI nêu chi tiết cách Nga tuyển dụng người Mỹ làm gián điệp - Ảnh 1.

Ông Carter Page (Ảnh: CNN)

FBI chưa bao giờ buộc tội ông Page, người sau này trở thành cố vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú bất động sản Donald Trump, là "một gián điệp". Page luôn khẳng định không hề biết bị tình báo Nga tiếp cận, và một số cáo trạng đã được dàn dựng để hạ thấp uy tín của ông.

Page còn chỉ trích một lệnh tạm giam theo Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA) liên quan đến các trao đổi bí mật của ông là "vô căn cứ", đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng ông hoạt động tình báo cho nước ngoài.

Tuy nhiên, những gì mà FBI phác thảo trong hồ sơ điều tra các chiến thuật đằng sau các cơ quan tình báo Nga "đánh dấu" ông Page như một mục tiêu "cần quan tâm đặc biệt". Kỹ thuật được sử dụng nhằm tuyển dụng Page tương tự như hoạt động các đặc vụ KGB thời Liên xô triển khai trong thời Chiến tranh Lạnh, một cựu quan chức phản gián Mỹ chia sẻ với CNN.

Bước 1: Xây dựng mối quan hệ

Giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng được xây dựng dựa trên quan hệ tương tác tích cực giữa người với người, chẳng hạn như kết bạn hoặc hẹn hò yêu đương.

Bước đầu tiên của quy trình này bao gồm việc xác định liệu một cá nhân có thể trở thành mục tiêu tiềm năng dựa trên cá tính, nghề nghiệp hoặc các mối quan hệ của người đó, và sau đó bắt đầu mối quan hệ, theo cựu quan chức phản gián.

Trong trường hợp của Carter Page, tư liệu FBI ghi nhận các điệp viên Nga liên lạc thông qua email sau khi tiếp xúc với ông tại một hội nghị chuyên đề về năng lượng năm 2013.

Cựu quan chức trên cho hay, một gián điệp nước ngoài sẽ phải cố gắng phát triển mối quan hệ đáng tin cậy với mục tiêu, tìm hiểu kỹ lý lịch của người đó và điều tra xem họ có sẵn lòng chia sẻ thông tin hay không, thậm chí ngay cả khi thông tin có thể được công khai.

Trong thế giới tình báo, các điệp viên sẽ tìm cách xác minh bất kỳ lỗ hổng mà họ có thể lợi dụng để gây áp lực hoặc lôi kéo một cá nhân làm điều họ yêu cầu, chẳng hạn như đe dọa phơi bày bí mật hoặc đề nghị khoản thù lao rất hấp dẫn.

Trong vụ việc năm 2015, hồ sơ tố tụng của tòa án Mỹ đưa ra thảo luận về một nhân viên tình báo Nga tổ chức một cuộc gặp mặt trực tiếp với Page và ông thường xuyên bay đến Moscow để hoạt động kinh doanh.

"Ông ấy viết thư cho tôi bằng tiếng Nga để chứng minh mình thông thạo ngôn ngữ này. Ông ấy bay đến Moscow nhiều hơn tôi. Rõ ràng, ông ấy muốn kiếm nhiều tiền", 2 điệp viên Nga nói về Page, theo hồ sơ FBI trích dẫn tư liệu giám sát điện thoại.

Bước 2: Mục tiêu phù hợp

Theo CNN, các cơ quan tình báo Nga xác nhận, tham vọng nghề nghiệp của Page, các mối quan hệ với Nga và sự nhiệt tình sẵn lòng chia sẻ thông tin cho thấy ông là một mục tiêu thích hợp để khai thác như một nguồn thông tin tình báo, theo đánh giá trong hồ sơ FBI.

Cuộc thảo luận sau đó chuyển sang phương pháp dụ dỗ Page chia sẻ thông tin với họ. Mặc dù việc chia sẻ các tư liệu công khai là hợp pháp, vẫn có người sẵn lòng chia sẻ thông tin bí mật để hợp tác và công khai tiến hành các mối quan hệ với tình báo nước ngoài.

Hồ sơ FBI nêu chi tiết cách Nga tuyển dụng người Mỹ làm gián điệp - Ảnh 2.

Evgeny Buryakov, người bị cáo buộc là gián điệp Nga, tại một phiên tòa ở Mỹ (Ảnh: Reuters)

"Hứa với ông ta là có đi có lại, đến lúc hắn đưa tài liệu cho anh thì hãy bảo hắn biến đi", đoạn văn bản giải mật về một cuộc trao đổi giữa 2 đặc vụ Nga mà FBI thu được tiết lộ.

Theo hồ sơ FBI, các nhà điều tra Mỹ kết luận cuộc trao đổi cho thấy "phương pháp tuyển dụng, bao gồm lừa đảo, hứa hẹn và sau đó loại bỏ nguồn tin tình báo khi Cơ quan Tình báo Ngoại quốc Liên bang Nga (SVR) thu được thông tin liên quan".

Kết quả thu được

Theo cựu quan chức tình báo Mỹ, một cuộc tuyển dụng nguồn tin tình báo thành công phụ thuộc vào bước cuối cùng, tức là cách điệp viên thuyết phục mục tiêu chia sẻ thông tin nhạy cảm.

Ở giai đoạn này, một gián điệp nước ngoài sẽ sử dụng thông tin thu thập được về lý lịch mục tiêu, hoặc thả mồi bằng quan hệ tình cảm cá nhân, tặng quà hoặc tiền hoặc dùng thủ đoạn tống tiền.

Trong vụ việc năm 2015 liên quan đến Carter Page, FBI cho biết các cuộc giao tiếp qua email, điện thoại của ông với nhiều cá nhân đang bị điều tra không nghiêm trọng đến mức FBI cảm thấy ông được tuyển dụng làm một điệp viên hoặc nguồn tin tình báo.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã không biết về trường hợp 3 bị cáo người Nga (như đã nêu ở trên) trong vụ án bị kết tội tham gia âm mưu hoạt động tình báo cho nước ngoài tại Mỹ, CNN cho biết.

2 người đàn ông rời khỏi Mỹ trước khi tòa án tiến hành thủ tục tố tụng và cả 2 đều được miễn trừ ngoại giao vì làm việc cho Chính phủ Nga. Đối tượng thứ 3 bị các quan chức Mỹ bắt và sau đó trục xuất về Moscow vào đầu tháng 4 này, sau khi thừa nhận phạm tội hình sự vào năm 2015.

Page giữ quan điểm trong tuyên bố gửi đến CNN rằng ông chỉ "chia sẻ thông tin không nhạy cảm và tư liệu nghiên cứu công khai", cung cấp "không có gì nhiều hơn ngoài vài dòng trong các bài giảng" mà ông chuẩn bị cho sinh viên của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại