Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: Thần chết giữa bầu trời

Vũ Cao |

11 giờ 30 phút ngày 13-10-1977, chiếc Boeing 737 số hiệu LH 181 của Hãng Hàng không Lufthansa, Tây Đức, khi bay từ Palma de Mallorca, Tây Ban Nha đến Frankfurt, Đức, với 86 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đã bị cướp bởi 4 tay súng thuộc tổ chức Đạo quân Đỏ.

5 ngày sau, Lực lượng đặc nhiệm GSG 9 - Tây Đức thành công trong cuộc giải cứu con tin tại sân bay Mogadishu, Somali. Tuy nhiên phải mất 40 năm - ngày 23-9-2017- chiếc Boeing LH 181 mới trở về Đức…

Chân dung bọn không tặc

“…Lúc ấy là 11 giờ 30 phút, tôi cùng nữ tiếp viên Anna Maria Staringer chuẩn bị dọn thức uống cho hành khách khi chiếc Boeing 737 số hiệu LH 181 đang ở trên không phận thành phố Marseilles, Pháp, thì một thanh niên ngồi ở hàng ghế số 27 bất ngờ đứng dậy, tay cầm khẩu súng ngắn…”, Gabriele Dillmann, nữ tiếp viên trưởng của chuyến bay LH 181 nhớ lại:

“Anh ta hét lớn: “Tôi là Zohair Youssif Akache, Đạo quân Đỏ, tuyên bố cướp máy bay. Kể từ giờ phút này, tất cả phải làm theo lệnh tôi. Ai chống cự sẽ bị bắn…”.

Liền ngay sau đó, lại có thêm 3 đồng bọn của Akache gồm 1 nam, 2 nữ rời khỏi ghế. Vũ trang bằng súng ngắn và lựu đạn, họ lùa hết hành khách ở khoang hạng nhất xuống khoang phổ thông trong lúc Akache bắt tiếp viên trưởng Gabriele Dillmann đưa hắn vào buồng lái.

Cơ phó Vietor kể: “Nghe tiếng gõ cửa đúng quy định, tôi vừa mở ra thì Akache chĩa súng vào đầu tôi, ra lệnh cho tôi xuống khoang phổ thông”. Cơ trưởng Schumann kể tiếp: “Akache bắt tôi chuyển hướng bay đến Larnaca, Cộng hòa Cyprus nhưng tôi nói không đủ nhiên liệu. Muốn đến Cyprus, cần phải hạ cánh ở Roma, Italy”.

Nhận được tin máy bay của Lufthansa bị cướp qua hệ thống báo động bí mật do cơ trưởng Schumann gửi đi, nhân viên kiểm soát không lưu ở sân bay Leonardo da Vinci, Roma, vội vã xin lệnh từ Cục Hàng không dân dụng Italy, cho phép chiếc LH 181 đáp khẩn cấp.

Cùng lúc ấy, “Đạo quân Đỏ - Red Army Faction - viết tắt là RAF” - một tổ chức cực đoan nằm trong liên minh Mặt trận nhân dân giải phóng Palestine (PFLP) đứng ra nhận trách nhiệm về vụ không tặc.

Để đổi lấy chiếc máy bay cùng phi hành đoàn và 86 hành khách, RAF yêu cầu Chính phủ Tây Đức phải phóng thích 10 thành viên RAF đang bị giam ở nhà tù Stuttgart Stammheim, 2 thành viên khác bị giam ở Thổ Nhĩ Kỳ kèm theo 15 triệu USD tiền chuộc.

Sinh năm 1954 tại làng Burj al-Barajneh, Palestine, Zohair Youssif Akache lớn lên trong một trại tị nạn ở phía nam Beirut, Liban, và đã tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật Hàng không Chelsea, Anh. Năm 1972, Akache gia nhập PFLP. Trong Đạo quân Đỏ, Akache nổi tiếng là kẻ liều lĩnh, hiếu chiến.

Năm 1976, Akache bị tù 6 tháng vì tấn công cảnh sát Anh và bị trục xuất khỏi nước Anh. Đầu tháng 4-1977, Akache quay lại London bằng hộ chiếu giả rồi tiến hành ám sát Kadhi Abdullah al-Hagri, một nhà ngoại giao Yemen tại London vì ông này phản đối việc Đạo quân Đỏ lập căn cứ tại Yemen trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Đến ngày 13-10-1977, Akache cầm đầu vụ cướp chiếc Boeing LH 181 của Hãng Lufthansa với sự tham gia của Suhaila Sayeh, người Palestine, Wabil Harb và Hind Alameh, cả hai đều là người Liban.

Suhaila Sayeh sinh năm 1955 tại Beirut, là thành viên của PFLP. Khi bị bắt, cô khai mình tham gia nhóm không tặc là do Hind Alameh rủ rê vì Alameh là nhân tình của Akache. Với Wabil Harb, sinh năm 1954, gia nhập “Đạo quân Đỏ” chỉ 10 tháng trước ngày xảy ra vụ cướp chiếc Boeing LH 181.

Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: Thần chết giữa bầu trời - Ảnh 1.

Akache chĩa súng vào đầu cơ phó Vietor dọa bắn nếu quân đội Bahrain không cho máy bay cất cánh.

Theo lời hành khách, Wabil Harb là kẻ ít nói nhất và cũng “hiền” nhất. Lúc biết ngày 14-10 là sinh nhật của nữ tiếp viên Anna Maria Staringer, hắn đã đề xuất với Akache, lấy rượu champagne và một chiếc bánh ngọt ở tủ thức ăn trên máy bay tặng cô.

Nhân vật cuối cùng trong nhóm không tặc là Hind Alameh, gốc Liban, sinh năm 1955, thành viên của “Đạo quân Đỏ” và đồng thời cũng là người tình của Akache.

Tháng 8-1977, Akache, Alameh, Sayeh và Harb gặp nhau ở Baghdad, Iraq để tham gia khóa huấn luyện cướp máy bay do Đạo quân Đỏ tổ chức dưới sự đồng ý của Saddam Husein, lúc ấy là Tổng tham mưu trưởng quân đội Iraq và đồng thời cũng là một trong những người lãnh đạo tối cao của đảng Baath. Khóa huấn luyện gồm 90 học viên nhưng cuối cùng, chỉ 4 kẻ nêu trên được chọn.

Những giờ phút thót tim

Tin tức về chiếc LH 181 bị cướp cùng yêu sách của bọn không tặc lập tức được báo cho ông Werner Maihofer, Bộ trưởng Nội vụ Tây Đức. Qua điện thoại, ông Maihofer đề xuất với người đồng cấp là ông Francesco Cossiga, Bộ trưởng Nội vụ Italy rằng phía Italy nên bắn thủng lốp máy bay để nó không thể cất cánh trong lúc chờ đợi đặc nhiệm Đức tiến hành giải cứu con tin.

Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: Thần chết giữa bầu trời - Ảnh 2.

Akache và người tình Hind Alameh, cũng là đồng phạm trong vụ cướp máy bay.

Tuy nhiên, ý thức được sự nguy hiểm của những người trên chiếc LH 181 bởi lẽ theo tuyên bố của bọn không tặc, chúng có 3 khẩu súng lục, 6 quả lựu đạn và 2,5kg chất nổ nên sau khi tham vấn Hội đồng An ninh quốc gia Italy, ông Cossiga từ chối yêu cầu của ông Maihofer.

17 giờ 45 phút ngày 13-10, lúc đã nạp đầy nhiên liệu, Akache cho phép cơ phó Vietor trở lại buồng lái. Chiếc Boeing 737 LH 181 cất cánh mà không cần phải làm thủ tục thông quan. Đến 20 giờ 28 phút, nó hạ cánh xuống sân bay Larnaca, Cộng hòa Cyprus (hay còn gọi là quốc đảo Síp).

Vài phút sau khi chiếc LH 181 tiếp đất, một đại diện của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) đến sân bay. Qua hệ thống thông tin liên lạc giữa mặt đất và máy bay, ông này đề nghị nhóm không tặc thả hết hành khách và phi hành đoàn vì:

“Cướp máy bay để gây áp lực buộc Tây Đức phải trả tự do cho các chiến binh của Đạo quân Đỏ có thể sẽ khiến thế giới hiểu lầm về đường hướng hoạt động của PLO bởi lẽ PLO và Mặt trận nhân dân giải phóng Palestine (PFLP) là hai tổ chức khác nhau”.

Cơ phó Vietor kể: “Lời đề nghị đã khiến Akache, kẻ cầm đầu nhóm không tặc phản ứng dữ dội. Hắn liên tục la hét vào micro bằng tiếng Arab. Cuối cùng, người đại diện PLO phải rút lui…”.

Một tiếng sau, chiếc máy bay theo lệnh Akache lại lăn bánh ra đường băng để đến Beirut, Liban. 23 giờ 50 phút ngày 13-10, cơ trưởng Schumann gọi đài kiểm soát không lưu sân bay Beirut xin phép hạ cánh nhưng bị từ chối với lý do “đã đóng cửa”.

Khi báo tin này cho tên cầm đầu Akache, hắn ra lệnh cho Schumann chuyển hướng đi Damascus, Syria. Theo cơ phó Vietor, rõ ràng là bọn cướp máy bay không có kế hoạch cụ thể vì dự định ban đầu của chúng chỉ đến Larnaca, Cộng hòa Cyprus, nơi đồng bọn của chúng đã chờ sẵn nhưng kế hoạch ấy bỗng nhiên tan vỡ vì sự xuất hiện bất ngờ của người đại diện PLO.

Vietor nói: “Sân bay Damascus - rồi cả sân bay Baghdad, Iraq cũng không cho phép chúng tôi đáp xuống. Trước khi hết nhiên liệu, nơi gần nhất mà chúng tôi có thể đến là Bahrain”. Tuy nhiên trên đường đến Bahrain, một máy bay của Hãng Hàng không Quantas, Australia - cũng dự định hạ cánh ở Bahrain cho cơ trưởng Schumann biết “sân bay Bahrain được lệnh đóng cửa”.

Lúc này, Akache, tên cầm đầu nhóm không tặc liên tục thúc ép cơ trưởng Schumann phải bằng mọi cách đáp xuống Bahrain. 1 giờ 28 phút sáng ngày 14-10, Schumann liên lạc với đài kiểm soát không lưu Bahrain.

Ông nói chiếc Boeing LH 181 chỉ còn đủ nhiên liệu để bay trong 30 phút nên ông xin phép hạ cánh khẩn cấp. Đáp lại, đài kiểm soát vẫn nhất mực khẳng định sân bay đã đóng cửa nhưng trên màn hình hiển thị đường bay bỗng xuất hiện một loạt các thông số hướng dẫn cho việc đáp xuống.

Cơ phó Vietor nói: “Chúng tôi hiểu rằng Bahrain đã ngầm ý “bật đèn xanh” cho máy bay”.

Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: Thần chết giữa bầu trời - Ảnh 3.

Suhaila Sayeh và Wabil Harb, 2 trong số 4 tên không tặc.

1 giờ 52 phút sáng, bộ bánh xe của chiếc Boeing LH 181 chạm đường băng sân bay Bahrain. Qua khung cửa kính và dưới những ánh đèn pha sáng rực, mọi người trên máy bay nhìn thấy hàng chục xe quân sự với cả trăm người lính, súng ống trên tay vây kín xung quanh bãi đỗ.

Qua loa phóng thanh, quân đội Bahrain yêu cầu nhóm không tặc đầu hàng. Đáp lại, Akache lôi cơ phó Vietor ra cửa, súng lục chĩa vào đầu, hét lớn: “5 phút nữa nếu các người không rút lui, tôi sẽ bắn chết thằng này”.

Chỉ khoảng 3 phút, lính tráng lặng lẽ leo lên những chiếc xe. Máy bay lại được đổ đầy nhiên liệu. Lần này, theo lệnh Akache, nó hướng đến Dubai, Tiểu Vương quốc Arab thống nhất.

Ngay khi chiếc máy bay của Hãng Luftahnsa với 86 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn bị cướp bởi Đạo quân Đỏ, Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt đã lập tức triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để tìm cách đối phó.

Sau hơn 6 tiếng thảo luận, cuối cùng Bộ trưởng Nội vụ Tây Đức chỉ định đại tá Ulrich Wegener làm trưởng nhóm giải cứu con tin, và cái tên “Feuerzauber” được dùng làm mật danh cho chiến dịch giải cứu.

Xuất thân là sĩ quan biên phòng, trong vụ thảm sát các vận động viên Tây Đức ở Munich lúc Thế vận hội Olympic 1972 đang diễn ra, đại tá Ulrich Wegener được chỉ định điều phối các hoạt động truy tìm hung thủ.

Đến ngày 17-4-1973, theo yêu cầu của Bộ Nội vụ Tây Đức, Ulrich Wegener thành lập một đơn vị chống khủng bố đặc biệt, gọi là GSG-9 (Grenzschutzgruppe 9 - Đội Biên phòng số 9).

Được các chuyên gia thuộc Lực lượng đặc nhiệm SAS, Anh và biệt kích Sayeret Mat'kal của Israel đào tạo, các thành viên GSG-9 là “những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất của Biên phòng Tây Đức”.

Nhận lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Tây Đức, rất nhanh chóng Ulrich Wegener cùng cấp phó của mình là thiếu tá Klaus Blatte chọn 30 tay súng trong tổng số hơn 200 người thuộc GSG-9. Với một chiếc Boeing 737 đã hết niên hạn sử dụng, nhóm giải cứu con tin thực tập các phương án tấn công.

Theo thiết kế, máy bay Boeing 737 ngoài 2 cửa lên xuống bình thường, nó còn có 3 cửa - tuy khá nhỏ hẹp nhưng vẫn có thể vào được bên trong khoang hành khách gồm 2 cửa nằm dưới cánh, sát thân máy bay và 1 cửa nằm gần đuôi.

Về nguyên tắc, cả 3 cửa ấy chỉ dành riêng cho bộ phận kiểm tra kỹ thuật nhưng trong trường hợp này, nó là con đường duy nhất để nhóm GSG-9 tiếp cận và tiêu diệt bọn không tặc, giải cứu hành khách.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại