Hổ phách được khai thác ở đâu và khai thác thế nào?

Thế giới hôm nay/VTV |

Hổ phách chính là nhựa thông hóa thạch có niên đại hàng chục triệu năm, có giá trị kinh tế lớn. Vùng Kaliningrad được xem là ‘thủ đô hổ phách’ của nước Nga.

Kaliningrad nằm bên bờ biển Baltic, 90% hổ phách trên thế giới bắt nguồn từ khu vực này, có tuổi đời hơn 50 triệu năm. Mỏ đá Primorsky là nơi duy nhất trên thế giới khai thác hổ phách ở quy mô công nghiệp bằng mỏ lộ thiên, được đưa vào hoạt động từ năm 1976. Mỏ đá này có chiều dài khoảng 2km, với độ sâu trung bình là 50-60m. Ở độ sâu này chính là lớp đất sét xanh, nơi mà người ta ước tính trung bình 1m3 đất đá có thể chứa gần 2kg hổ phách.

Hổ phách không phải là một loại đá quý được hình thành trong lòng đất, mà thực chất là hóa thạch của nhựa cây lá kim cổ đại, được tích tụ sau hàng chục triệu năm. Phương pháp khai thác hổ phách an toàn và hiệu quả đến nay vẫn là cơ giới hóa thủy lực. Mùa khai thác bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, khi nước chưa đóng băng.

Hổ phách được khai thác ở đâu và khai thác thế nào? - Ảnh 1.

Ông Aleksei Korkin - Chuyên gia địa chất Nhà máy hổ phách Kaliningrad, LB Nga cho biết: "Hiện nhà máy chúng tôi đang khai thác khoảng 500 tấn nguyên liệu mỗi năm, trữ lượng của mỏ này ước tính hơn 50 nghìn tấn hổ phách, có khả năng khai thác trong 100 năm tới".

Nước được sử dụng để khai thác hổ phách đến từ biển Baltic, đi qua các đường ống và bộ lọc của nhà máy rồi quay trở lại. Đá chứa hổ phách tự động theo dòng chảy vào khu vực sơ chế và các tạp chất sẽ được làm sạch tại đây.

Ông Mikhail Kozlov - Quản lý Khu sơ chế Nhà máy hổ phách Kaliningrad cho rằng: "Giá trị của hổ phách không chỉ phụ thuộc vào kích cỡ mà còn ở hình dạng, màu sắc. Rất nhiều sắc độ, từ trong suốt đến trắng đục, từ nâu đỏ đến đen. Có cả hổ phách chứa côn trùng, đó là những viên độc đáo được chúng tôi phân loại riêng".

Hổ phách được khai thác ở đâu và khai thác thế nào? - Ảnh 3.

Hàng trăm tấn hổ phách được khai thác tại Kaliningrad mỗi năm, nhưng những viên hổ phách lớn, có trọng lượng hơn 1kg được xem là hiếm. Các mẫu hổ phách tới 3-4 kg càng đặc biệt hơn và được lưu giữ tại bảo tàng khu vực.

Bà Irina Maslova - Hướng dẫn viên Bảo tàng hổ phách Kaliningrad, LB Nga nói: "Hổ phách được gọi là đá mặt trời, bởi sinh ra từ cây, được sưởi ấm bởi năng lượng mặt trời và nằm sâu trong lòng đất. Gọi là đá nhưng không phải là đá. Theo nghiên cứu khoa học, hổ phách Baltic có chứa loại axit đặc biệt, có tác động tích cực đến cơ thể con người".

Ở Nga cũng như ở nhiều nước trên thế giới, hổ phách được sử dụng trong lĩnh vực trang trí, thẩm mỹ và cả mục đích y học. Từ hổ phách thô được khai thác, qua bàn tay chế tác của các nghệ nhân, có thể trở thành đồ lưu niệm, đồ trang sức vô cùng tinh xảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại