Hồ nước ngọt lớn nhất TQ "chết khô": Ngư dân nổi giận nói thẳng đập Tam Hiệp là "hung thủ"

Tất Đạt |

Từ hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Poyang đã trở thành nơi khô cạn tới mức người dân có thể đi lại dưới đáy hồ.

Lòng hồ cạn đáy

Sau khi lội qua bãi bồi, ngư dân 36 tuổi Fan Xinde bắt đầu nhặt những đồng xu gần 100 năm tuổi từ lòng hồ Poyang. Theo sử sách, khi những người dân ở đây trốn chạy khỏi quân đội Nhật Bản 80 năm trước, họ đã gom những đồng xu để vào trong các hộp nhỏ và để lên những chiếc bè chảy xuôi dòng nước. Rất nhiều hộp tiền xu đã chìm và mất tích trong hàng chục thập kỉ.

Hồ Poyang thuộc tỉnh Giang Tây, thông ra sông Dương Tử và từng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Có chiều dài 173km, chiều rộng 74km, hồ có diện tích mặt hồ lên tới 4.000km2 vào mùa mưa và 1.000km2 vào mùa khô. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm trước.

Hiện tại, hồ Poyang đã cạn tới mức thấp nhất và có nguy cơ trở thành đồng cỏ nếu hạn hán kéo dài. Những người dân sống xung quanh có thể sử dụng các phương tiện như xe đạp, xe máy di chuyển tự do ở đáy hồ. Nhiều người đi thu gom những đồng xu cổ đại để bán, kiếm thêm chút thu nhập vào thời kì khó khăn và không khỏi lo lắng cho tương lai bất định.

Hồ nước ngọt lớn nhất TQ chết khô: Ngư dân nổi giận nói thẳng đập Tam Hiệp là hung thủ - Ảnh 1.

Fan Xinde vớt những đồng xu cổ ở nơi từng là đáy của hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực môi trường không ổn định ở sông Trường Giang, con sông dài nhất của Trung Quốc. Tới đầu năm 2021, việc đánh bắt cá xung quanh khu vực hồ Poyang sẽ bị nghiêm cấm trong ít nhất 10 năm.

Ông Fan, người dành nửa cuộc đời sống nhờ vào hồ Poyang, nói ông và khoảng 100.000 ngư dân khác đã bị cáo buộc một cách bất công dù họ không gây ra những vấn đề môi trường xung quanh hồ. Hiện tại, những người này buộc phải tìm kế sinh nhai khác vì hồ đã cạn đáy.

"Những nguồn thu nhập chính của chúng tôi đã biến mất. Chúng tôi không còn gì cả. Thành thực mà nói, chúng tôi không được phép thu thập những đồng xu cổ bởi đó là tài sản của nhà nước. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ," ông nói.

Hồ nước ngọt lớn nhất TQ chết khô: Ngư dân nổi giận nói thẳng đập Tam Hiệp là hung thủ - Ảnh 2.

Hòn đảo 1.000 năm tuổi Luoxingdun giữa "cánh đồng cỏ" ở hồ Poyang. Trước đây, để tới được đảo, người dân phải đi bằng thuyền. Ảnh: Reuters

Chính phủ cho biết việc đánh bắt cá quá đà đã khiến số lượng cá trong hồ giảm xuống mức báo động và khiến những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng - bao gồm loài cá heo không vây sông Trường Giang - gặp thêm nhiều nguy hiểm.

Hồ Poyang đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ví như "quả thận" lọc nguồn nước cho 40% dân số Trung Quốc. Tuy vậy, hồ Poyang đã bị tổn hại nghiêm trọng vì hoạt động khai thác cát, xả trực tiếp nước thải không qua xử lí và chịu ảnh hưởng từ Đập Tam Hiệp nằm cách 560km trên thượng nguồn.

Nước trong hồ Poyang thường giảm mạnh trong mùa đông. Tuy nhiên, hiện tại hồ đã cạn ở mức thấp kỉ lục trong 60 năm trở lại đây.

Đập Tam Hiệp là nguyên nhân?

Người dân trong khu vực đã lên án dự án Đập Tam Hiệp và cho rằng con đập này đã gây ra những vấn đề cho hồ Poyang. Đập Tam Hiệp đã tích trữ một lượng nước khổng lồ để phục vụ cho thủy điện.

Zheng Yingsheng, một ngư dân 59 tuổi, phàn nàn: "Đập Tam Hiệp đang chặn đứng mọi nguồn nước. Mùa đông nào cũng cạn nước, nhưng năm nay hạn hán đã nghiêm trọng tới mức kỉ lục".

Tuy nhiên, David Shankman, một giáo sư tại Đại học Alabama, đã nghiên cứu vấn đề và cho rằng nạn khai thác cát mới là nguyên nhân chính đằng sau những vấn đề ở Poyang.

Hồ nước ngọt lớn nhất TQ chết khô: Ngư dân nổi giận nói thẳng đập Tam Hiệp là hung thủ - Ảnh 3.
Hồ nước ngọt lớn nhất TQ chết khô: Ngư dân nổi giận nói thẳng đập Tam Hiệp là hung thủ - Ảnh 4.

Bức ảnh ám ảnh về lòng hồ khô cạn. Ảnh: Reuters

"Việc khai thác cát đã khiến nước thoát đi nhanh hơn, nhiều hơn ở vùng phía bắc của hồ," ông nhận xét.

Zhang cho biết việc khai thác bằng tàu nạo vét lớn đã làm tổn hại ngành đánh bắt cá rất nhiều. Khi lòng hồ sâu hơn, ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn khi đánh cá bằng lưới. Khai thác cát cũng đã làm nguy hại tới hệ sinh thái hồ.

Theo Reuters, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách để hạn chế tình trạng này.

Lượng cát được khai thác hàng năm sẽ chỉ được giới hạn còn 39.9 triệu tấn trong giai đoạn 2019-2024, giảm 26,9% so với giai đoạn 2014-2018. Tàu nạo vét sẽ chỉ được hoạt động trong khu vực rộng 65km, bằng 1/4 so với mức trước đó.

Chính sách mới cho thấy chính quyền đã nhận thức được rằng việc khai thác cát là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường. Tuy nhiên, hạn chế hoạt động này không thể giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Trung Quốc hiện đang nỗ lực chấm dứt những hệ quả môi trường "kinh hoàng" trên sông Trường Giang. Ông Tập nói hồi sinh hồ Poyang là một bước quan trọng trong việc khôi phục các vùng dọc bờ sông.

Nhưng các chuyên gia cho biết không thể đảo ngược tình trạng xung quanh hồ.

Thậm chí trước khi Đập Tam Hiệp và nạn khai thác cát bùng nổ, nước trong hồ đã sụt giảm nhiều vì tình trạng đòi đất nông nghiệp và chống lũ thông qua hệ thống đê điều.

"Mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Lượng nước trong hồ, trong sông Trường Giang đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người," ông Shankman nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại