Ngày 21/8/1986, một trong những thảm họa thiên nhiên kỳ lạ nhất và bí ẩn nhất lịch sử Trái đất đã xảy ra ở hồ Lake Nyos – hồ nước được hình thành trên đỉnh của một ngọn núi lửa nằm ở phía Tây Bắc của Cameroon, đất nước thuộc mảnh đất Châu Phi hoang dã.
Theo đa phần các ghi chép lịch sử, được biết vào khoảng thời gian đó, hồ Lake Nyos bỗng nhiên phát tán ra một khối lượng rất lớn khí carbon dioxide, ước tính lên đến 16 triệu tấn.
Do không được dự đoán trước, "đám mây" khí độc hại được người ta gọi là "tử thần" này đã nhanh chóng lan ra những khu vực làng quê xung quanh với tốc độ bao phủ 100 km/h và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.746 người dân vô tội cùng hơn 3.500 vật nuôi trong làng chỉ trong vài phút.
Người ta miêu tả mức độ tàn phá của thảm họa này còn nhanh chóng và mạnh mẽ hơn cả những bệnh dịch nguy hiểm. Trong vòng bán kính 25km xung quanh hồ nước, đa phần người dân sống tại những ngôi làng Cha, Nyos và Subum đã qua đời mà không rõ nguyên nhân.
Một số người còn được phát hiện chết trong tình trạng máu chảy ở xung quanh mũi và miệng.
Hàng ngàn gia súc cũng bị giết chết - Ảnh minh họa.
Chỉ một số ít người may mắn sống sót trong thảm họa này, họ kể lại rằng, khi tỉnh dậy, họ không nhìn thấy bất cứ cảnh bạo lực hỗn loạn nào nhưng xác người nằm la liệt, yên tĩnh và u ám đến mức đáng sợ, ngay cả những con ruồi cũng không thể sống.
"Tôi không thể nói được, cơ thể tôi như trở nên vô thức, tôi ngửi thấy một mùi gì đó vô cùng khủng khiếp.
Tôi quay lại nhìn con gái tôi nằm trên giường, tôi cứ nghĩ con bé chỉ đang ngủ, nhưng khi tiến sát lại gần giường của con bé, tôi đã bàng hoàng rồi ngã xuống, con bé đã ra đi mãi mãi", Joseph Nkwain, một người đàn ông may mắn sống sót trong thảm họa đã cho biết trong lần nói chuyện với nhà nghiên cứu Arnold H. Taylor tại trường Đại học Plymouth University.
Thảm họa năm đó được coi là một trong những thảm họa dai dẳng nhất trong lịch sử khi mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn còn bỏ ngỏ một lời giải thích xác đáng và các nhà khoa học vẫn phải "đau đầu" trong việc tìm kiếm nguyên nhân nào đã gây ra hiện tượng này.
Sau nhiều năm trôi qua, người ta vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp về thảm họa năm đó.
"Đây là một trong những thiên tai kỳ lạ nhất mà khoa học thế giới đã từng đối mặt", George Kling, nhà sinh thái học tại trường Đại học Michigan nói với tờ The Guardian trong một cuộc phỏng vấn.
Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc lý giải chất hóa học trong đám mây là gì. Theo đó, vào khoảng 9 giờ tối 21/8, hồ Lake Nyos đã thải ra một lượng lớn khí CO2.
Do lượng CO2 này nặng hơn không khí, do đó nó đã rơi xuống thung lũng phía dưới. Toàn bộ "tấm lưới" khí CO2 dày tới 50m đã bao phủ một khu vực rộng, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và gia súc.
Theo các nhà khoa học, thông thường, hàng trăm triệu tấn CO2 này sẽ được "gói kín" trong lòng hồ nước, tuy nhiên, lần đó, không biết nguyên do tại sao nó lại bị "đánh thức" như vậy.
David Bressan, một nhà khoa học tại Mỹ, đã đưa ra phỏng đoán ban đầu rằng, theo cơ chế, khí gas từ núi lửa phía dưới hồ sẽ không hòa tan vào nước hồ mà tập trung ở tầng nước sâu nhất, do đó tầng nước này có nhiệt độ khá thấp.
Tầng nước bên trên, với nhiệt độ ở vùng nhiệt đới sẽ ấm hơn, tạo thành một "chiếc nắp" đậy "cất giấu" tầng nước lạnh phía dưới. Không rõ điều gì đã tác động đến hồ nước nhưng có thể là một dư trấn, một trận sạt lở đất, hay thậm chí là một vụ phun trào núi lửa,… đã khiến tầng nước bị xáo trộn.
Để ngăn chặn hiện tượng phun trào CO2 có thể xảy ra một lần nữa, năm 2001, các kỹ sư của nước này đã thực hiện lắp đặt một hệ thống ống hút nhằm hút lượng CO2 trong hồ và thải nó dần ra không khí.
Một khoảng thời gian sau đó, năm 2011, các chuyên gia dự đoán có thể hồ Lake Nyos sẽ "nổi giận" với cường độ lớn hơn rất nhiều so với lần trước đó, vì vậy, người ta lại bắc thêm một ống hút khác nhằm giảm thiểu lượng khí CO2 trong hồ.
Hai năm trước thời điểm hồ Lake Nyos "nổi giận", lịch sử cũng đã từng ghi nhận một sự kiện tương tự xảy ra tại hồ Monoun gần đó. Sự kiện mây CO2 tử thần này đã lấy mạng 37 người và cũng chưa tìm ra được nguyên nhân.
Nguồn: Sciencealert