Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, "hồ tử thần" Nyos đã xóa sổ hoàn toàn sinh mạng của hơn 1.700 người tại Cameroon (Tây Phi) do một vụ phun trào khí CO2 hiếm gặp trong lịch sử.
Ngày 21/8/1986 trở thành ngày kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử thế giới, hồ nước Nyos đột nhiên nổ tung, tạo cột nước cao 100m, đồng thời giải phóng 1,2 km3 khí CO2 nồng độ cao ra không khí.
20 giây ngắn ngủi sau khi bọc khí chết người thoát ra, đám mây "tử khí" bao trùm lên vùng không gian rộng lớn, giết chết cả những người sinh sống cách hồ 25km! Tổng 1.746 người sống tại 4 làng quanh hồ thiệt mạng! Chưa kể, hơn 3.500 gia súc cũng không nằm ngoài số phận thảm khốc vì ngạt khí và ngộ độc CO2 giống con người.
Nguyên nhân là gì? Hồ Nyos hình thành trên một miệng núi lửa cách đây 400 năm. Qua thời gian, lượng khí CO2 tích tụ (do hoạt động núi lửa ở bên dưới) và bị dồn nén tới cực hạn nên đã phát nổ như một quả bom hẹn giờ.
Đáng sợ là vậy nhưng trên Trái Đất vẫn có những chiếc hồ tử thần đe dọa xóa sổ hàng triệu sinh mạng vô tội khác, hồ Kivu ở biên giới Congo và Rwanda (Trung Phi) là ví dụ điển hình. Kivu cũng được xem là một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh.
Chủ đề kỳ 10 trong series Những Khu Vực Nguy Hiểm Nhất Hành Tinh chính là về Kivu - "sát thủ thầm lặng" đe dọa sự sống của 2 triệu con người!
Hồ Kivu nằm ở độ cao 1.460m so với mực nước biển và có nguy cơ phun trào khí CO2 trung bình 1000 năm một lần. Điểm sau nhất của hồ là 475m, độ sâu trung bình là 220m. Do đó, hồ Kivu chính là hồ sâu thứ 18 trên thế giới (tính tại điểm sâu nhất); và hồ sâu thứ 9 trên thế giới (tính ở độ sâu trung bình của hồ).
Hồ Kivu ở độ cao 1.460m so với mực nước biển, nằm trong hệ thống các hồ dọc Great Rift Valley.
Để hình dung mức độ nguy hiểm của hồ Kivu, giới khoa học đã so sánh nó với "hồ tử thần" Nyos từng cướp đi 1.700 người cách đây 32 năm: Hồ Kivu rộng gấp 3.000 lần hồ Nyos (Kivu dài 90km, rộng 50km, mặt hồ rộng 2.700km2) và chứa lượng khí bị dồn nén nhiều gấp 300 lần hồ Nyos.
Điều đáng nói là, khu vực dân cư gần hồ có số dân sinh sống nhiều hơn tại Nyos rất nhiều: Khoảng 2 triệu người đang sống tại đây, trong đó có 250.000 công dân thành phố Goma (Goma là thành phố trung tâm của tỉnh Bắc Kivu, miền Đông nước Congo).
Do nằm trên khu vực mảng địa chất dịch chuyển (gọi là Great Rift Valley - Thung lũng tách giãn Lớn, một quá trình chia tách mảng châu Phi thành hai mảng mới, đồng thời là trung tâm của hoạt động núi lửa của châu Phi) nên bên dưới hồ Kivu, núi lửa ngầm hoạt động rất mạnh mẽ. Chính vì thế, nước hồ đôi khi sôi lên sùng sục.
Ảnh minh họa.
Theo tính toán của các nhà khoa học, hồ Kivu đang chứa khoảng 300km3 khí CO2 và 60km3 khí mê-tan. Lượng khí dồn nén chết người này đang bị "nhốt" ở độ sâu khoảng 80m so với mực nước hồ.
Đáng báo động hơn, theo nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Thụy Sĩ, nồng độ khí CO2 và mê-tan đều tăng lên rõ rệt theo thời gian tại hồ Kivu. Cụ thể, nồng độ CO2 tăng lên 10% và mê-tan tăng 15-20% trong giai đoạn 1974 đến 2004.
Giới địa chất học cảnh báo mạnh mẽ rằng, hoạt động địa chất và núi lửa có thể gây ra một vụ nổ khí CO2/mê-tan tàn khốc khác, đe dọa trực tiếp và ngay lập tức đến sinh mệnh của 2 triệu người vùng xung quanh.
Nói cách khác, khoảng 2 triệu người dân quanh khu vực hồ Kivu đang sống cạnh quả bom hẹn giờ khổng lồ. Kịch bản thảm khốc mang tên "hồ tử thần Nyos" cách đây 3 thập kỷ liệu có lặp lại với hậu quả thảm khốc hơn rất nhiều? Và chính phủ hai quốc gia nên hành động gì để cứu người dân nước mình?
Trẻ em vô tư nô đùa trên hồ Kivu.
Chính phủ hành động
Chính phủ Rwanda đã lên kế hoạch hút nước tại những điểm sâu của hồ rồi tiến hành chiết xuất các khí bị giam dưới hồ.
Theo quan chức của Rwanda, khí mêtan sẽ được chuyển lên trên qua một ống dẫn, nơi nó sẽ được sử dụng để đốt nhiên liệu cho một nhà máy điện mới. Tuy nhiên, khí CO2 có thể sẽ được trả lại hồ, một phần để tránh thải ra khí nhà kính, và một phần vì ngay cả việc loại bỏ khí mêtan cũng đã làm cho hồ trở nên an toàn hơn.
Hệ thống xà lan sau khi được hoàn thành sẽ tiến đến những điểm hồ sâu để tiến hành hút khí.
Ngư dân sống quanh vùng hồ hy vọng, dự án sẽ thành công và những nguy cơ từ Kivu sẽ giảm để họ không phải di tản ra nơi khác sinh sống.
Bài viết sử dụng các nguồn: BBC, The Guardian, Technology Review