Họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ

Trần Siêu |

Họ Nguyễn làng Viềng vốn là dòng họ trâm anh thế phiệt nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa,… đã đóng góp 10 vị tiến sĩ, 2 võ quan, 30 cử nhân, tú tài.

Lịch sử khoa bảng nước ta (1075 - 1919) với 845 năm thì Kinh Bắc chiếm đến 1/4 số người đỗ đại khoa. Điều đặc biệt trong nhiều gia đình Kinh Bắc xưa là “cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ - đỗ cả nhà”.

Bởi vậy, cũng tạo nên những dòng họ danh gia tiếng tăm lẫy lừng với những giai thoại còn sáng rỡ cho đến ngày nay.

Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh: Vĩnh Kiều vào thời Nguyễn, là 1 trong 8 xã thuộc tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Vùng quê có truyền thống khoa bảng vẻ vang, tiêu biểu là họ Nguyễn có 10 người đỗ đại khoa.

Giai thoại Tả Ao chọn đất

Họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ - Ảnh 1.

Cùng hệ thống bia “Kim bảng lưu phương”, bia “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký” tôn vinh những bậc hiền tài Kinh Bắc.

Gia phả của họ Nguyễn làng Viềng ghi rằng: Họ Nguyễn vốn là một dòng họ trâm anh thế phiệt nổi tiếng ở đất Đông Ngàn thuộc trấn Kinh Bắc xưa,… đã đóng góp 10 vị tiến sĩ và 2 võ quan, 30 cử nhân, tú tài.

Các nguồn sử sách và gia phả cho biết, họ Nguyễn làng Viềng vốn gốc là dòng dõi Lý Thái Tổ - người lập ra Vương triều Lý. Thám hoa Nguyễn Văn Huy được coi là thủy tổ lập ra dòng họ Nguyễn làng Viềng, cũng người đặt nền móng cho truyền thống khoa bảng của dòng họ.

Giai thoại kể rằng, thầy địa lý Tả Ao trong những lần đi tầm long thường hay trú nhờ tại một gia đình ở làng Tiêu Thượng. Gia đình này có cô con gái 14 tuổi, khi Tả Ao tiên sinh xin cáo ra về, cô gái mới ngỏ lời xin cho một huyệt đất tốt.

Dù gia đình phục vụ rất chu đáo nhưng Tả Ao không trả lời, cô gái cũng không dám hỏi lại. Lần sau, Tả Ao lại ghé vào gia đình này để nghỉ ngơi, nhân nói với cô gái rằng: Bên làng Vĩnh Kiều có một danh sĩ, sau này ắt thành người tài, cháu có muốn kết thân không?

Cô gái cho rằng, phận gái đặt đâu là quyền cha mẹ. Bởi vậy, Tả Ao đứng ra làm người mai mối, đến đặt vấn đề với thân mẫu người học trò Nguyễn Văn Huy. Tả Ao nói với cha cô gái rằng: “Ông có hoang thổ một khu lại là đất tốt, nên bảo chàng rể sang ở đấy sớm tối được nương nhờ, mà con gái ông cũng tiện đường chăm sóc”.

Được ưng thuận, Tả Ao chọn ngày tốt đặt hướng dựng ngôi dương cơ. Nguyễn Văn Huy cũng chuyển sang ngôi dương cơ đêm ngày đèn sách. Sau này, ông đỗ thám hoa năm 1529 đời Mạc Thái Tổ.

Theo TS Lê Viết Nga, tên tuổi khoa danh của Thám hoa Nguyễn Văn Huy được ghi khắc ở Văn miếu Bắc Ninh. Bia “Kim bảng lưu phương” ghi như sau: “Khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức (1529) có Nguyễn Văn Huy, quê huyện Đông Ngàn, xã Vĩnh Kiều, giữ chức Thượng thư, sau về trí sĩ”.

Theo gia phả, Nguyễn Văn Huy tự là Cúc Đàm, sinh năm Bính Ngọ (1466), thuở thiếu thời làm con nuôi Phạm Đôn Tích ở xã Yên Lạc, huyện Thanh Lâm, sau đó ông lại trở về nguyên quán. Năm 44 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung (1529).

Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, kiêm Đông các đại học sĩ, Chính tự khanh, Thượng chế. Ông từng đi sứ phương Bắc, năm 67 tuổi về trí sĩ.

Họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ - Ảnh 3.

Đền thờ Thám hoa Nguyễn Văn Huy tại Tiêu Thượng (Từ Sơn - Bắc Ninh).

3 đời có 5 tiến sĩ

“Đền thờ các nhà khoa bảng họ Nguyễn làng Viềng (Vĩnh Kiều) khởi dựng từ thời Lê - đến nay đã qua mấy lần tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được giá trị bảo tồn với nhiều tư liệu hiện vật có giá trị, đặc biệt là sắc phong của các triều đại. Với những giá trị to lớn đó, đền thờ các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều được Nhà nước xếp hạng theo Quyết định số 295/VH-QĐ, ngày 12/2/1994”, TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Thám hoa Nguyễn Văn Huy có 3 người con đều đỗ tiến sĩ: Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Đạt Thiện, Nguyễn Hiển Tích và một cháu nội là Nguyễn Giáo Phường cũng đỗ đại khoa.

Nguyễn Trọng Quýnh tự Trạch Thiên, sinh năm 1527 đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân năm 21 tuổi. Ông làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, chức Thượng thư bộ Lễ, Tri Chiêu văn quán, kiêm Tú lâm cục, Chính tự khanh thượng chế, đi sứ phương Bắc.

Nguyễn Đạt Thiện đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh (hoàng giáp), khoa Kỷ Mùi (1599) đời Mạc Mậu Hợp. Nguyễn Đạt Thiện thi ứng chế đỗ thứ nhất, làm quan đến chức Binh khoa đô cấp sự trung.

Nguyễn Hiển Tích sinh năm 1524, xuất thân Thị hầu. Ông đỗ Hương cống sớm, nhưng vì loạn lạc nên đỗ tiến sĩ muộn. Năm 48 tuổi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1565) đời Mạc Mậu Hợp.

Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Binh, tước Nghi Khê bá. Khi nhà Mạc thất thủ, Mạc Kính Chỉ cát cứ huyện Thanh Lâm (Hải Dương). Ông đi theo, sau bị thất bại chạy lên chùa Âm Sơn (Quảng Ninh), bị quân nhà Lê bắt được, sau bị Trịnh Tùng hành quyết ở bãi Thảo Tân, trên sông Nhị Hà.

Nguyễn Hiển Tích là chú của Tiến sĩ Nguyễn Giáo Phường. Theo tư liệu gia phả, Nguyễn Giáo Phường sinh năm 1549, xuất thân Nho sinh trúng thức. Năm 38 tuổi ông đỗ Hội nguyên, kỳ thi Đình đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (thám hoa) khoa Bính Tuất (1586) đời Mạc Mậu Hợp.

Gia phả ghi rằng, Giáo Phường thông minh hiếu học. Trong kỳ thi Đình khi đọc bài phú của ông, vua phê rằng: “Văn của Giáo Phường như sông Giang, sông Hán càng chảy càng lạ”. Kỳ thi ứng chế ông lại đỗ đầu, làm quan nhà Mạc hơn 6 năm, khi nhà Mạc thất thế, ông theo Mạc kính Cung lên giữ đất Thái Nguyên, Cao Bằng.

Sau ông thu tàn binh nhà Mạc về giữ vùng Vũ Ninh, Thị Cầu rồi tiến đánh Thăng Long. Thất bại, ông về tử thủ ở Thái Nguyên rồi bị phản, mất năm 1592 khi mới 44 tuổi.

Dòng họ Nguyễn làng Viềng vào thời nhà Mạc chữ nghĩa hiển hách. Chỉ trong 3 đời đã có 5 người đỗ đại khoa, ghi danh bảng vàng ở hàng cao nhất - với 2 thám hoa, 2 hoàng giáp và 1 tiến sĩ. Thế nhưng thời cuộc chuyển vần, mấy đời sau chìm lắng - phải đến đời thứ 7 mới lại nổi lên với tên tuổi Nguyễn Danh Nho.

Tiếng thơm lẫy lừng

Họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ - Ảnh 4.

'Kiều Sơn Nguyễn tộc bi ký' khắc năm 1823, ghi công lao của Thám hoa Nguyễn Văn Huy.

Tương truyền, cha của Nguyễn Danh Nho là cụ Phả Uyên (cụ Phả Uyên chỉ đỗ trung khoa). Khi hộ tống đoàn sứ sang Trung Hoa, Phả Uyên gặp một thầy địa lý giỏi và ngỏ ý phục táng tổ tiên mong tiếp nối đường phát khoa bảng. Về nước, Phả Uyên làm như lời chỉ bảo của thầy địa lý. Quả nhiên, sau đó con của cụ là Nguyễn Danh Nho đã đỗ đại khoa.

Nguyễn Danh Nho sinh năm 1641, năm 24 tuổi đỗ kì thi Hội, năm 30 tuổi thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Gia phả dòng họ cũng ghi ông đỗ năm 24 tuổi, đỗ thứ 2.

Vị tiến sĩ thứ 7 của dòng họ là Nguyễn Công Vọng thi khoa Quý Sửu thời Lê Dương Đức (1673), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Gia phả chép là: Nguyễn Đức Vọng, sinh năm 1644. Ông đi sứ hai lần vào năm 1676 và 1679. Hiện, dòng họ còn lưu giữ 8 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng cho ông.

Tiến sĩ thứ 8 là Nguyễn Công Viên xuất thân Nho sinh trúng thức, năm 28 tuổi đỗ thứ 5 kỳ thi Hội, khi vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc đồng Cao Bằng. Theo gia phả, ông mất ngày 30 tháng 8, được phong sắc Đại nguyên soái, Thống quốc chính, giám sát Ngự sử.

Anh trai ông là Tiến sĩ Nguyễn Đức Đôn đỗ thứ hai kỳ thi Hội, vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan trải qua các chức: Lại khoa đô cấp sự trung, thăng Ngự sử đạo Thanh Hoa, rồi nhận chức Hàn lâm thị chế, Tổng đốc Tuyên Quang, Đông các hiệu thư, Đông các đại học sĩ, Tổng đốc Hải Dương, Quán lộc thị khanh, Lễ bộ hữu thị lang.

Vị tiến sĩ cuối cùng là Nguyễn Quốc Ích sinh năm 1686. Năm 42 tuổi ông đỗ thứ 3 kỳ thi Hội, vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1727). Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc trấn Cao Bằng, Mậu lâm lang. Ông là anh Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đôn và Nguyễn Công Viên.

Họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ - Ảnh 5.

Mộ Thám hoa Nguyễn Văn Huy.

Theo tổng kết gia phả, trong vòng hơn 300 năm từ khoảng gần giữa thế kỷ thứ 16 đến cuối thế kỷ 19, dòng họ Nguyễn làng Viềng có 10 tiến sĩ. Trong đó có 7 người được phong Hầu, 1 người được tặng phong Thái Bảo, 1 người được phong tước Bá cùng 30 cử nhân và 60 tú tài.

Bởi thế mà ở Kinh Bắc xưa truyền tụng câu ca về họ Nguyễn Vĩnh Kiều: Có lúc bảy ông con một cụ/Bốn đỗ Hương cống, ba đại khoa/ Người làm Thượng thư, người Tổng đốc/Tiếng thơm lừng lẫy khắp gần xa…

Sách “Kinh Bắc phong thổ ký” cũng ghi đầy đủ tên tuổi các vị tiến sĩ họ Nguyễn Vĩnh Kiều với 2 câu mở đầu: Vĩnh Kiều ấy bảng vàng rờ rỡ/ Mười hai tên ngựa ngựa, xe xe.

Với 10 vị đại khoa và với những công lao mà các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều đã cống hiến cho đất nước, được các triều ban tặng đạo sắc phong ghi nhận - đã đưa họ Nguyễn làng Viềng vào danh sách “Tứ gia vọng tộc” của đất Kinh Bắc. Điều này không chỉ niềm tự hào của hậu thế mà còn là tấm gương để người sau noi theo trên con đường chinh phục tri thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại