Khoảng nửa năm nay, bệnh nhân L.V.M. (sinh năm 1973, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh), thấy hay ho khan, tức ngực, khó thở. Tuy nhiên, bệnh nhân ăn ngủ vẫn bình thường, không gầy sút cân, không có biểu hiện của bệnh nhược cơ.
Tháng 11/2020, bệnh nhân đi khám bệnh tại Trung tâm Y tế Thị xã Đông Triều, được chụp cắt lớp vi tính cho kết quả u trung thất trước và được chuyển Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí điều trị.
Qua thăm khám và các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán u trung thất trước và có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến ức.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và Lồng ngực cho biết: Trường hợp bệnh nhân này khối u đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Khối u lớn lệch trái, dạng đặc, bờ chia thùy múi, xóa lớp mỡ ranh giới với các tổ chức xung quanh, đè đẩy nhẹ thân động mạch phổi, xâm lấn vào màng phổi trái khiến người bệnh ho khan, tức ngực, khó thở.
Bệnh nhân được lựa chọn đường mổ 1/2 giữa xương ức kết hợp mở ngực trái (đường mổ Hemiclamshell) để cắt u và tuyến ức. Với đường mổ này thì phẫu trường rộng rãi đảm bảo lấy được u và tuyến ức triệt để và an toàn đồng thời giảm thiểu tổn thương xương ức, giúp người bệnh hồi phục sớm sau mổ.
Sau 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy bỏ thành công khối u và tuyến ức kích thước 11x5cm cho người bệnh và gửi làm giải phẫu bệnh. Kết quả xác định u tuyến ức type B2 giai đoạn Masaoka II và được chỉ định điều trị xạ trị tiếp sau mổ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn ho, khó thở sức khỏe ổn định và đã được xuất viện. Dự kiến, người bệnh sẽ tiếp tục điều trị xạ trị theo phác đồ tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện.
Theo các bác sĩ, u tuyến ức là u biểu mô hiếm gặp của tuyến ức, trong đó, u trung thất trước là thường gặp nhất, chiếm 47%. Tùy theo biểu hiện trên lâm sàng giống như bệnh nhược cơ mà chia làm hai loại là u tuyến ức có nhược cơ và u tuyến ức không nhược cơ. U tuyến ức không nhược cơ có biểu hiện lâm sàng đa dạng.
Ở giai đoạn sớm, u có kích thước nhỏ thường không có triệu chứng. Đến giai đoạn muộn, u có kích thước lớn và ác tính hóa, gây tình trạng chèn ép và thâm nhiễm các tổ chức xung quanh như màng tim, màng phổi, khí quản và các động mạch lớn đi ra từ tim, phổi (quai động mạch chủ, động mạch phổi…) gây ra các triệu chứng lâm sàng như đau ngực, khó thở, ho, nấc, khàn giọng…Nếu thấy các triệu chứng tương tự như trên, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.