Đối với Việt Nam, đây là sự kiện chính trị, đối ngoại hàng đầu trong năm 2019, thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Để có thêm những đánh giá, kiến giải sâu sắc về “dư âm” của Hội nghị Thượng đỉnh lần này, chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
PV: Thưa Giáo sư, là một nhà khoa học nghiên cứu sâu về lịch sử, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 mang lại cho ông những cảm xúc gì?
Giáo sư Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng, khi nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế, phải dựa vào những gì đã qua, nghĩa là dựa vào lịch sử. Lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, yếu tố lịch sử có ý nghĩa quyết định. Ví dụ, việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam lần này cũng là tiếp bước con đường của Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành (ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un) thăm Việt Nam cũng bằng con đường bộ như thế.
Đó là một sự tiếp nối về mặt truyền thống trong lịch sử. Chúng ta thấy trong quá khứ, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên là quan hệ đối đầu, từ cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953, khi đó hai nước mới có một tuyên bố đình chiến.
Giờ hai nhà lãnh đạo hầu như không có liên quan gì đến quá khứ lịch sử đó nhưng phải đứng ra giải quyết câu chuyện từ thế kỷ trước.
Điều đó càng cho thấy, giữa lịch sử và hiện tại có mối quan hệ chặt chẽ. Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên thông qua hội nghị Bàn Môn Điếm, một dân tộc đứng ở hai chiến tuyến, là điều rất đau lòng. Người dân có khát vọng hòa bình và đoàn tụ, hòa giải, nhưng 60 năm trôi qua rồi, vết thương đó chưa được hàn gắn.
Trên thế giới, những cuộc chia ly như vậy, ở nhiều quốc gia đã được hàn gắn, nhưng bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chia cắt, gợi cho chúng ta nỗi đau của cuộc chiến tranh ly tán, và càng mong muốn một nền hòa bình, sum họp cho bán đảo Triều Tiên trong tương lai gần. Tôi và rất nhiều người sẽ thật sự chưa yên lòng khi nghĩ đến tình cảnh bán đảo Triều Tiên.
PV: Giáo sư có bất ngờ về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này không? Giáo sư có đánh giá gì về việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều chưa thể đạt được những thỏa thuận mà cả thế giới đang quan tâm?
Giáo sư Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng, đó là kết quả hơi bất ngờ nhưng phù hợp. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới thiết lập quan hệ trong hơn 1 năm qua. Trước cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 1 tại Singapore, hai nước còn đứng trước bờ vực của cuộc chiến tranh và họ đã vượt qua cuộc khủng hoảng đó.
Từ cuộc gặp Thượng đỉnh lần 1 đến cuộc gặp Thượng đỉnh lần này là 261 ngày, cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, đây là thời gian vô cùng khó khăn. Tôi cho rằng, cái được của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là hai bên đã gặp nhau, tăng thêm sự hiểu biết và lòng tin. Họ chia tay trong sự hiểu biết hơn, thân thiện và vẫn sẽ tiếp tục giữ liên lạc, quan chức hai Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc. Đây là tiến trình rất dài.
Chương trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề rất khó khăn, chuyện bình thường hóa quan hệ hai nước từng là “kẻ thù” trong cuộc chiến tranh lạnh, hay giải quyết cấm vận đều là những câu chuyện đòi hỏi một tiến trình dài, chưa nói vấn đề trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là quan hệ song phương giữa Mỹ và Triều Tiên, mà còn liên quan đến Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc, do đó cần phải có thời gian.
Tôi cũng xin nói thêm rằng, bối cảnh Mỹ, Triều Tiên và quốc tế đã tác động không nhỏ đến quá trình đàm phán lần này. Tại Mỹ, nội bộ vẫn có những cuộc tranh luận, phản bác về đường lối của Tổng thống Donald Trump; rồi mâu thuẫn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ. Mỹ và Trung Quốc có chiến tranh thương mại kéo dài hơn nửa năm nay, sau chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ sẽ có đàm phán với Trung Quốc để giải quyết dứt điểm cuộc chiến tranh thương mại.
Từ phía Chủ tịch Kim Jong-un, ông cũng có áp lực rất lớn, đó là đảm bảo hòa bình – vấn đề quan trọng nhất với nhân dân Triều Tiên; hơn nữa, việc phát triển kinh tế, mở cửa kinh tế Triều Tiên là vô cùng khó khăn.
Còn một yếu tố “cá nhân” ảnh hưởng tới kết quả đàm phán, đó là hai nhà lãnh đạo đều có cá tính mạnh mẽ, họ ít khi thỏa hiệp. Do đó cần phải trải qua thêm những thử thách để trao đổi và cần phải có lòng tin hơn nữa, vì đây mới là lần gặp gỡ thứ 2 giữa họ.
Chúng ta vẫn hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ có những lần gặp gỡ sau nữa, để hiểu biết hơn nữa, xây dựng lòng tin hơn nữa, mở ra quan hệ mới không chỉ cho hai nước mà còn cho cả thế giới.
PV: Vậy những cuộc đàm phán mang tính quốc tế muốn thành công cần phải thỏa mãn những nguyên tắc nào, thưa ông?
Giáo sư Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ, nguyên tắc đầu tiên là hai bên phải biết được mình muốn gì, nên có thỏa hiệp nào. Nguyên tắc quan trọng nhất là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, phải xác định tình huống có thể xảy ra để ứng phó với thay đổi của tình hình…
PV: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội đã góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam đổi mới, chuộng hòa bình và cũng cho cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chủ trương nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng ta. Đó là đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển…
Giáo sư Phạm Quang Minh: Tôi cũng rất tâm đắc với nhận định này. Những ngày vừa qua, gần 3.000 phóng viên quốc tế đến Việt Nam để đưa tin hội nghị. Chưa bao giờ Hà Nội, Việt Nam nằm trong tâm điểm của báo chí quốc tế như vậy.
Điều quan trọng họ tìm thấy ở đây như một địa chỉ của hòa bình, hòa giải, tình hữu nghị của một đất nước đang đổi mới, phát triển bền vững. Từ chiến tranh Việt Nam đã vươn lên xây dựng, phát triển bền vững. Chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
Như vậy thông điệp từ Hà Nội có ý nghĩa rất lớn cho cả Mỹ và Triều Tiên nếu như họ thực sự mong muốn có một nền hòa bình và hòa giải, cho sự thịnh vượng. Tôi còn cho rằng, từ Việt Nam, họ tìm thấy được nhiều kinh nghiệm, bài học sâu sắc cho việc phá lệnh cấm vận, bài học nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Và ông cũng kỳ vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên sẽ mở ra trang sử mới cho nhân dân Triều Tiên đúng không?
Giáo sư Phạm Quang Minh: Đúng vậy, cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Người ta thấy rằng, Việt Nam từng diễn ra chiến tranh, từng bị chia cắt, nhưng cũng chính tại nơi đây, hòa bình đã được lập lại, người dân Việt Nam đã sum họp, hạnh phúc.
Tôi cảm nhận, Triều Tiên có nguồn cảm hứng có thêm động lực khi nghĩ đến Việt Nam, thêm những ý tưởng để nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Đó là những thông điệp sâu sắc mà Việt Nam mong muốn mang đến cho Mỹ, Triều Tiên và nhiều nước trên thế giới.
Tôi hy vọng, hai nhà lãnh đạo đã có sự hiểu biết nhau thì sẽ thu hẹp được khoảng cách, giữ được tình hữu nghị và họ cần thêm thời gian để tiếp tục trao đổi, đàm phán.
PV: Thưa Giáo sư, chúng ta chỉ có 10 ngày chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chỉ bằng gần 1/10 thời gian chuẩn bị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC năm 2017. Công tác tổ chức đã hoàn tất ở tất cả các mặt. Cá nhân ông ấn tượng nhất ở khâu tổ chức nào?
Giáo sư Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã nỗ lực tuyệt vời cho công tác chuẩn bị. Tôi ấn tượng về một Trung tâm báo chí được trang bị hiện đại, chuyên nghiệp, tất cả các PV có thể tác nghiệp chuyên nghiệp nhất với hệ thống đường truyền, âm thanh ánh sáng tốt nhất. Trong tình hình chính trị hiện nay, họ cần thông tin nhanh nhất, thì chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu đó.
Đặc biệt, công tác an ninh, an toàn đã được đảm bảo ở mức cao nhất, cho thấy các lực lượng an ninh, cảnh sát, cơ động đã trách nhiệm hết mình. Hai nhà lãnh đạo đến bằng hai đường khác nhau, ở hai thời điểm khác nhau, nhưng chúng ta vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chúng ta đã làm tất cả trong khả năng của mình, giao thông những ngày trước, trong và sau Hội nghị được thông suốt, dù giao thông của chúng ta rất phức tạp.
Thành phố Hà Nội được trang hoàng đẹp hơn, cảm giác như Hà Nội lại vừa đón một cái Tết thứ hai. Những cái đó không chỉ đơn thuần là công tác tổ chức, mà còn phải xuất phát từ lòng người. Chính lòng người, sự cởi mở, thân thiện của người Việt Nam làm cho không khí của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được quan tâm hơn, thu hút hơn. Hà Nội cũng vì thế đẹp hơn trong mắt mọi người.
Cuộc sống người dân không xáo trộn, thậm chí nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán tốt hơn. Tôi biết, có người dân cung cấp thức ăn, nước uống miễn phí cho các phóng viên quốc tế. Có người tự dọn dẹp khu vực xung quanh nhà mình cho sạch đẹp hơn. Người dân đã ý thức “nhà có khách”, có ý thức giữ gìn bảo vệ thành phố đẹp hơn.
Giá mà chúng ta có thời gian sẽ tổ chức, quảng bá hình ảnh tốt hơn nữa, để sau sự kiện này, thành phố chúng ta văn minh hơn, người dân có ý thức hơn, có ứng xử văn hóa hơn. Đấy là điều chúng ta mong muốn. Tôi hy vọng tinh thần này, ý thức này cần được giữ gìn và phát huy, không chỉ ở các hội nghị thượng đỉnh. Bất kỳ có sự kiện tại Việt Nam là chúng ta sẵn sàng.