Một đạo luật mới của Nga cho phép việc phá rừng và xây dựng gần khu vực hồ Baikal ở Siberia đã dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận nước này, sau khi nhiều nhà hoạt động môi trường cảnh báo rằng đạo luật này đe dọa các khu vực bảo tồn thiên nhiên, báo The Moscow Times đưa tin.
Với hệ sinh thái đa dạng và phong cảnh đẹp, hồ Baikal - hồ nước ngọt lớn nhất thế giới - còn được mệnh danh là "hòn ngọc của Siberia". Tuy nhiên, viên ngọc quý ấy đã phải chịu nhiều tác động bởi các vấn đề môi trường như ô nhiễm do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác mỏ và hoạt động canh tác nông nghiệp.
Thậm chí, nhà đầu tư Trung Quốc từng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất nước uống đóng chai gần hồ Baikal, nhưng dự án này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người dân địa phương, và cuối cùng giới chức Nga đã phải can thiệp để ngừng dự án này vào năm ngoái.
The Moscow Times cho biết, hôm thứ 6 tuần trước (31/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua đạo luật mới, cho phép việc chặt cây và xây dựng tại các khu vực bảo tồn thiên nhiên đặc biệt trong khoảng thời gian từ nay cho đến năm 2024, nhằm phục vụ mục đích xây mới hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
Đạo luật này cũng cho phép tạm thời bỏ qua các yêu cầu của nhà nước về việc thực hiện đánh giá các tác động đối với môi trường trước khi tiến hành xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
Các nhà môi trường học cảnh báo rằng đạo luật trên - đặc biệt là điều khoản liên quan đến việc đánh giá tác động đối với môi trường - là một tiền lệ nguy hiểm và có thể còn được mở rộng hơn nữa về quy mô trong tương lai, ảnh hưởng tiêu cực tới sự bảo vệ pháp lý đối với những khu vực dễ bị tác động xung quanh hồ Baikal.
"Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến riêng hồ Baikal, mà còn tác động đến tất cả những khu vực bảo tồn và công viên quốc gia trên toàn nước Nga", ông giám đốc phụ trách các khu vực bảo tồn thiên nhiên đặc biệt của tổ chức Greenpeace Russia, nói với The Moscow Times.
Bên cạnh đó, đạo luật vừa được chính phủ Nga thông qua cũng mâu thuẫn với các điều kiện để Hồ Baikal được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, theo ông Kreyndlin, và điều này có thể khiến UNESCO chuyển hồ Baikal vào danh sách Di sản Thế giới bị Đe dọa.
Nhiều cư dân mạng đã mạnh mẽ phản đối đạo luật mới của chính phủ Nga với hashtag #SaveBaikal (#CứuBaikal).
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Nga đã khẳng định rằng họ không có kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt mới dọc theo bờ hồ Baikal. Theo công ty này, đạo luật mới chỉ cho phép họ chặt một dải rừng dài khoảng 10-15 mét để xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghệ dọc theo đường ray hiện có, nếu như họ không có giải pháp thay thế nào khác.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: