Hiện nay, khoảng 10% khí thải nhà kính đến từ ngành may mặc hoặc từ việc vận chuyển quần áo. Mỗi năm, có khoảng 100 tỷ bộ quần áo được sản xuất, nhưng mỗi bộ chỉ được mặc trung bình 7 lần trước khi bị vứt bỏ. Thúc đẩy hành vi tiêu dùng thời trang nhanh cũng là cách để các hãng thời trang nhanh như H&M, Shein, Zara,... tồn tại và bùng nổ.
Để thể hiện thiện chí phát triển bền vững với môi trường, hãng thời trang nhanh H&M đã bắt đầu thực hiện chiến dịch quyên góp quần áo cũ và tái chế vào năm 2013. Những khách hàng đem quần áo cũ của hãng đến bỏ vào thùng sẽ nhận được phiếu giảm giá cho lần mua hàng sau. Chiến dịch này được H&M thực hiện khắp 40 thị trường kinh doanh của mình, trong đó có Việt Nam.
H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017. Chương trình Thu Gom Quần Áo cũ cũng được khởi xướng tại Việt Nam vào ngay năm sau đó. Mỗi lần khách hàng đến gửi một túi đồ cũ không còn sử dụng sẽ được tặng một phiếu giảm giá 15% trên một sản phẩm cho lần mua hàng tiếp theo.
"Tất cả các mặt hàng dệt may, bất kể tình trạng nào, tại tất cả các cửa hàng H&M. Hãy chung tay tái chế thời trang, vì một tương lai bền vững hơn!", H&M Việt Nam nói trong các bài viết truyền thông trên mạng xã hội của mình. Với tất cả mọi sản phẩm hàng dệt may cũ được gửi lại tại các cửa hàng H&M, hãng cam kết quần áo được xử lý tốt nhất, không gây lãng phí và đem cho chúng “cuộc sống mới”.
H&M đưa ra ba phương án xử lý đối với quần áo cũ. Theo đó, loại một là những trang phục vẫn có khả năng đáp ứng điều kiện sử dụng sẽ được bán trên thị trường như những sản phẩm second-hand. Loại kém hơn là quần áo và hàng dệt may bị rách hoặc hư hỏng nhưng chất liệu còn tốt, sẽ được biến thành các sản phẩm sử dụng cho mục đích khác. Và loại cuối cùng sẽ được tái chế và biến thành các vật liệu khác.
Tại mỗi cửa hàng H&M đều có hệ thống thùng Thu Gom Quần Áo Cũ. Bên cạnh đó, hằng năm H&M Việt Nam còn tổ chức những chuyến xe đi đến các trường học tại Hồ Chí Minh và Hà Nội như Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Tôn Đức Thắng thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học kinh tế Quốc Dân Hà Nội,... để trực tiếp thu gom quần áo.
Theo Dân trí, sau hơn 4 năm thực hiện tại Việt Nam, chương trình đã thu gom được hơn 100 tấn quần áo cũ. Con số này của Tập đoàn H&M toàn cầu là hơn 30.000 tấn chỉ trong hai năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của The Fast Company cho thấy, những sản phẩm cũ của H&M cũng như nhiều hàng thời trang nhanh khác đa phần bị bán lại sang Châu Phi hoặc những nước nghèo, để rồi phần lớn trong số đó bị vứt bỏ ra môi trường .
Một nhóm phóng viên Thụy Điển đã gắn thiết bị định vị theo dõi vào 10 sản phẩm quần áo còn sử dụng tốt và bỏ vào thùng thu gom của H&M. Dữ liệu cho thấy quần áo cũ được đưa tới ba cơ sở phân loại tại Đức và ba trong số 10 sản phẩm theo tàu biển cập bến ở một quốc gia Tây Phi. Phần lớn quần áo cũ bị bán sang những nước thứ ba như Ghana - thị trường quần áo cũ lớn nhất thế giới.
VTV trích dẫn tờ báo của Thủy Điển cho biết, từ đầu năm đến nay, ba công ty nhận quần áo cũ của H&M đã xuất khẩu tổng cộng 5.711 kiện quần áo sang châu Phi, tương đương khoảng 1 triệu sản phẩm may mặc. Khi tới châu Phi, một nửa số quần áo bị vứt bỏ.
Trên thực tế, chất liệu Polyester hầu như không thể tái chế được và chỉ 1% những bộ quần áo cũ của H&M là biến thành những tấm giẻ lau, khăn lau tồn tại trong thời gian ngắn trước khi bị vứt ra ngoài bãi rác. Khoảng 99% còn lại nếu không bị bán thành đồ cũ thì cũng bị cho vào lò đốt.
Năm 2022, H&M chi nhánh Thụy Điển đã bị tổ chức Chelsea Commodore đâm đơn kiện lên tòa án Mỹ về hành vi gian dối người dùng. Theo đó, H&M Thụy Điển bị cho là đã quảng cáo sai sự thật về chiến dịch bảo vệ môi trường của mình khiến khách hàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm “thân thiện môi trường” nhưng trên thực tế lại không phải như vậy.