Gần 7 năm về trước, bóng đá Việt Nam chứng kiến sự kết thúc của "triều đại" HLV Hữu Thắng bằng trận thua tan nát 0-3 trước U22 Thái Lan. Ngày ấy, sự kỳ vọng của bầu Đức vào lứa cầu thủ trẻ lẫy lừng của HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... là cực lớn. Rốt cuộc trận đấu cuối cùng ấy, Hữu Thắng đã không lựa chọn Quang Hải - một trong những ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam mọi thời đại, mà chỉ đưa tiền vệ này vào sân khi U22 Việt Nam với đậm đặc lứa U19 HAGL đã để thua 0-2.
Vừa vào sân, Quang Hải đã kiếm ngay về cho U22 Việt Nam một quả phạt đền, thắp lên hi vọng cứu vãn một kỳ SEA Games thảm họa. Song Công Phượng đã ném nó đi bằng cú sút "bắn chim", để rồi ghi danh Hữu Thắng vào danh sách "tội đồ" của bóng đá nước nhà.
Trận đấu cuối cùng của Asian Cup 2023 gặp đội tuyển Iraq, phút 90+1, lại là Quang Hải với pha dứt điểm xuất thần thổi bùng hi vọng gỡ gạc chút danh dự cho đội tuyển Việt Nam bằng bàn thắng cân bằng tỷ số 2-2. Nhưng chỉ vài phút sau, Minh Trọng đã ném đi nỗ lực của người đàn anh - như Công Phượng ngày nào, bằng pha phạm lỗi trong vòng cấm, tặng cho đối thủ một quả phạt đền.
Những gì diễn ra sau đấy là lịch sử - một lịch sử u buồn với bóng đá Việt Nam, khi thầy trò HLV Troussier để thua liền hai trận tiếp theo trước Indonesia, tự tay dập đi hi vọng đi tiếp ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Cả hai trận đấu ấy, Quang Hải đều bị ông thầy người Pháp đày trên băng ghế dự bị. Đấy cũng là hai trận đấu cuối cùng mà HLV này dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, sau khi đưa bóng đá nước nhà "chạm đáy".
Dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, ông thầy người Hàn Quốc không ít lần đưa ra những sự lựa chọn gây tranh cãi, như loại Văn Quyết ra khỏi kế hoạch của mình, hay không tin dùng các cầu thủ trẻ. Song ông cũng đặt niềm tin đúng chỗ vào Quang Hải - khi ấy còn rất trẻ, hay cựu binh Anh Đức - tưởng chừng như đã không còn cơ hội quay trở lại đội tuyển Việt Nam sau "sự cố" cùng Hữu Thắng. Xuyên suốt những quyết định ấy là lựa chọn mang tính triết lý khi áp đặt lối chơi đặt phòng ngự lên hàng đầu.
Sự ra đi của nhà cầm quân người Hàn Quốc nhận được sự đồng thuận từ cả hai bên. Ông Park không có niềm tin vào những nhân tố mới, được coi là tương lai của đội tuyển Việt Nam, thay thế đội ngủ trụ cột đã quá quen thuộc với ông. Trong khi đó, VFF cần một "cú hích" để hướng tới giấc mơ mang tên World Cup, cùng lời "tư vấn" từ giới chuyên môn và người hâm mộ rằng lối chơi HLV Park Hang-seo không đủ tốt để "nâng tầm" đội tuyển Việt Nam, để đối đầu "sòng phẳng" với các đối thủ mạnh châu Á.
Thất bại của HLV Troussier cho thấy dù cho những thành tích của HLV Park Hang-seo trong suốt triều đại của mình là bước tiến vượt bực cho bóng đá Việt Nam, song chỉ là thành công của một lứa cầu thủ xuất sắc hiếm hoi, để rồi khi "trở về mặt đất" bằng lứa cầu thủ tiếp theo, đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung cũng chỉ nằm lại ở "ao làng" Đông Nam Á.
Triết lý của HLV Troussier không sai, chỉ có điều ông thầy người Pháp đã thiếu khôn ngoan khi đặt niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ "chưa sẵn sàng", để bắt họ phải "khoác chiếc áo quá rộng" so với chính mình. Trong khi đó, ông Park cực kỳ khôn ngoan khi biết điểm dừng, để dừng lại khi bóng đá Việt Nam đã "cụt vốn" mà lại đòi "buôn lớn".
Bầu Đức đã thất bại với sự kỳ vọng quá lớn vào lứa cầu thủ trẻ, với toan tính "xuất khẩu", để vươn tầm châu Á, "đặt cả Đông Nam Á dưới chân mình". Kết quả là HAGL vốn sống cùng triết lý của ông bầu này suốt hơn chục năm qua đang đến hồi "đổi chủ". Hữu Thắng thất bại cũng đặt quá nhiều niềm tin vào sự kỳ vọng của bầu Đức. HLV Troussier thất bại toàn tập, ghi tên vào danh sách "tội đồ" của bóng đá Việt Nam. Chỉ có HLV Park Hang-seo là thắng lợi, chỉ bởi duy nhất một chữ: khôn ngoan.
Đã khôn ngoan đến thế, liệu ông thầy người Hàn Quốc có "tắm hai lần trên cùng một dòng sông"?
Hỏi, âu cũng đã là tự trả lời.