QUANG HẢI CHƯA NÊN SANG CHÂU ÂU
Hôm qua, chia sẻ trên VNEpress, GĐKT Gede đã có nhiều chia sẻ thú vị về bóng đá Việt Nam. Trong đó, nói đến chuyện xuất ngoại cầu thủ Việt Nam sang châu Âu, ông cho rằng hiện tại chỉ mình Văn Hậu đủ sức cạnh tranh tại lục địa già.
Từ nhận định về Văn Hậu của ông Gede lại nghĩ sang chuyện Quang Hải - cầu thủ bấy lâu nay được đồn có thể đến Tây Ban Nha, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nói:
"Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Gede. Chơi tại châu Âu thì khác lắm chứ không giống tại châu Á. Tại châu Á, về tầm vóc hay tốc độ… chúng ta còn có thể chơi được. Ví dụ Chanathip của Thái Lan vẫn chơi được ở Nhật Bản. Thì mình cũng có thể nghĩ Quang Hải chơi được tại đó. Nhưng ở châu Âu, dù anh có kĩ thuật và nhiều thứ khác nhưng nếu không thật nhanh, nhanh một cách bất thường ấy thì tầm vóc như Quang Hải là chưa chơi được.
Châu Âu chơi bóng tốc độ cao, xoay sở rất tốt còn châu Á chúng ta nếu có cao to thì thường lại không linh hoạt. Vì thế tôi rất đồng tình với ông Gede về chuyện hiện nay chúng ta mới chỉ có riêng Văn Hậu đủ sức cạnh tranh tại châu Âu.
Quang Hải chưa nên tới châu Âu mà cần thử sức tại châu Á?
Quang Hải khó chơi tại nước ngoài lắm. Nếu định thử sức thì thử tại châu Á đã. Nếu đá được ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì hãy sang châu Âu. Còn Văn Hậu ít ra có thể hình, sức nhanh, sức mạnh rất tốt. Mà Hậu cũng chỉ là có thể thôi, vẫn đang rất vất vả tại Hà Lan. Văn Hậu chưa chắc ăn, nhưng ở lại thì tất nhiên là rất tốt".
Chung quan điểm với ông Vũ Mạnh Hải, HLV Nguyễn Thành Vinh nhận định: "Quang Hải đã đủ đá châu Âu chưa? Văn Hậu có cái hơn Quang Hải là thể hình, sức mạnh, khả năng chịu va đập. Vì thế người ta nghĩ Văn Hậu trụ lại được châu Âu. Còn Quang Hải, tôi nghĩ cần có thời gian, bước đệm nào đấy trước khi đến châu Âu.
Hải có kĩ năng tuyệt mĩ, là cầu thủ hay rồi nhưng chưa đủ cạnh tranh tại châu Âu. Nếu có thể thì thử sức ở Hàn Quốc, Nhật Bản… tại châu Á cái đã. Ta cần thử từng bước một ở châu Á. Hoặc sang Thái Lan đã, tốt thì sang Hàn, Nhật… rồi đi dần lên. Chứ như Công Vinh đá hạng 2 BĐN còn chưa xong. Chúng ta cần thời gian, có sự kiểm chứng…
Ông Gede là người có tầm nhìn. Khi Văn Hậu đi, nhiều người hỏi thì tôi bảo cậu ấy sẽ trưởng thành thêm vì cao to, sức mạnh tốt, đá được nhiều vị trí tại hàng thủ. Tôi nghĩ vậy là được. Nhưng thực ra tại Heerenveen họ đã dùng đâu. Chúng ta nghĩ được nhưng họ vẫn chưa dùng".
ÔNG GEDE NÓI KHÔNG AI NGHE VÌ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHƯA TỐT?
Một vấn đề khác được GĐKT Gede chia sẻ là chuyện khó tác nghiệp tại Việt Nam. Ông nêu một ví dụ về chuyện từng tổ chức cuộc họp trao đổi, chia sẻ chuyên môn với các HLV tại Việt Nam, nhưng rồi chỉ mỗi vị GĐKT người Đức "độc thoại", trong khi bên dưới các chiến lược gia nội đều thờ ơ, có đến gần nửa số người... nghịch điện thoại.
Nói về trải nghiệm đáng buồn này của ông Gede, HLV Nguyễn Thành Vinh chia sẻ quan điểm:
"Tôi nghĩ vấn đề nằm ở công tác tổ chức thôi. Khi để ông ấy phát biểu, trao đổi với các HLV khác thì cần có chương trình rõ ràng. Ví dụ trước đây vào năm 2009 khi tôi dẫn dắt CLB Hòa Phát lên hạng, anh Hiển có mời tôi báo cáo về công tác huấn luyện giúp đội thành công. Khi ấy, rất nhiều người cảm thấy thích thú khi nghe. Mọi người vỗ tay rất lớn và trao đổi rất nhiều.
Trong các cuộc như thế này, cần có nội dung cụ thể, cần có người dẫn dắt trước khi có người phát biểu. Ở đây nếu để ông Gede lẻ loi, cứ nói một mình thì cũng khó...
Ông Gede cô đơn tại Việt Nam.
Hoặc có một lần khi tôi làm ở U23 Việt Nam, ông GĐKT thời điểm ấy (cũng là người Đức, giai đoạn 2002 – 2003) có tổ chức họp. Mọi người phát biểu nhiều lắm, bản thân tôi cũng phát biểu về việc dùng đội hình, chiến thuật thế nào… Mọi người đều phát biểu, đưa ra chính kiến.
Cũng có thể các HLV trẻ hiện giờ họ không quen chia sẻ chăng? Có thể họ còn ngại trong việc chia sẻ. Nhưng dù gì muốn làm tốt thì cần có sự chuẩn bị, đầu tư rất lớn. Đấy là trách nhiệm của Hội đồng HLV quốc gia. Chứ không thể để mỗi ông Gede nói, có khi người ta không hiểu hoặc ngại không dám phát biểu.
HLV của ta, lớp trẻ thời điểm này, tôi không chê nhưng cũng có thể các cháu còn muốn khép kín, không muốn bộc lộ quan điểm về phương pháp huấn luyện".
VẤN ĐỀ LỚN NHẤT CỦA CẦU THỦ TRẺ VIỆT NAM LÀ THIẾU Ý THỨC
Từ trước đến nay, chúng ta đều cho rằng vấn đề của cầu thủ Việt Nam là tầm vóc nhỏ bé, thiếu sức mạnh... nhưng theo GĐKT Gede, ông gộp chung lại vấn đề của cầu thủ trẻ Việt Nam là thiếu ý thức. Khi thiếu ý thức tự chăm sóc bản thân, rèn luyện... thì dĩ nhiên không thể cải thiện tầm vóc hay sức mạnh, chuyên môn...
HLV Nguyễn Thành Vinh hoàn toàn đồng ý với quan điểm này và cũng cho rằng dẫn đến điều ấy cũng vì một bộ phận HLV đào tạo trẻ không chuẩn mực.
"Không phải tôi chê, nhưng trong công tác huấn luyện hiện nay, một vài HLV không chú trọng việc đào tạo nhân cách cầu thủ đâu mà lại thả lỏng. Chứ như trước đây, chúng tôi huấn luyện lớp trẻ thôi cũng cùng ăn cùng ở luôn. HLV bây giờ họ chỉ mang tính chất quản lý trong buổi tập.
Còn ngoài giờ tập thì chỉ có một người quản lý, mà cũng chỉ điểm danh vài thứ giờ ăn, ngủ… chứ các em đi đâu, làm gì thì cũng không ai nói đâu. Trước buổi tập, lẽ ra các em đi đâu, làm gì, có biểu hiện gì… HLV cần phải biết hết, không ổn thì phải tra hỏi… Như trước đây là chúng tôi biết hết và đều nhắc nhở khi cần.
HLV Nguyễn Thành Vinh
Nguyên nhân là vì chúng ta dùng các HLV chưa ổn. Nhân cách HLV ra sao? Cần phải có nhận thức chính trị, phải là người nghiêm túc, mẫu mực. Ví dụ các HLV lớp chúng tôi, không bao giờ ngồi uống bia rượu say với cầu thủ, đỏ mặt tía tai ra.
Giờ nhiều HLV lại cứ ngang nhiên rượu chè trước mặt các cháu thì làm sao nhắc được. Rồi khi anh làm một cầu thủ, có gương mẫu không? Tôi không muốn nói gì quá lớn hay cào bằng tất cả. Nhiều cháu trẻ giờ làm HLV rất tốt, cũng giỏi, cầu thị… nhưng trong đấy cũng có người mà từ ngày xưa, khi họ làm cầu thủ, các HLV đã sớm biết cầu thủ ấy nếu làm thầy, khó lòng đào tạo ra học trò nhân cách tốt.
Làm sao những con người sống buông thả, giờ lại làm thầy mà đào tạo tốt được… Nhiều người giờ làm thầy cứ nghĩ quá khứ của mình buông thả thì không sao, nhưng khi mà mình cũng bia rượu, đi đêm hôm rồi dính tiêu cực này kia… thì giờ làm sao tốt được.
Liên đoàn không có chọn lọc, giờ làm HLV cứ nghĩ chuyên môn, chuyên môn… còn lý lịch, rồi những cái gì đó thì không hề đả động… Cứ nghĩ đá chuyên nghiệp thì có quyền học HLV bằng A, B… Đúng là họ có quyền ấy, nhưng để đi làm thầy, giảng dậy thì cần phải giỏi chuyên môn mà đạo đức cũng phải tốt.
Phải làm được, nói được, để cầu thủ trẻ họ nghe theo. Nhiều HLV trẻ bây giờ làm được, được học trò xem là tấm gương mẫu mực. Nhưng có nhiều người thì chưa được đâu. Đấy là vấn đề của VFF, là nơi quản lý con người. Phải làm sao để công tác giáo dục không tạo ra những người thành gánh nặng xã hội".
U21 Đồng Tháp dính tiêu cực bán độ.
"Ông Gede nhận xét mấu chốt của cầu thủ trẻ Việt Nam là ý thức kém rất chính xác. Nhớ ngày xưa tôi làm ở ACB Hà Nội, trước một mùa giải thì có kiểm tra sức khỏe cầu thủ. Tất cả các đội đều kiểm tra. Có một lớp trẻ của ACB Hà Nội bị vài cầu thủ dương tính với chất ma túy. Khi báo cáo với anh Kiên thì anh ấy bảo thôi cho các em về nhà vài tháng, rồi lại kéo lên đội.
Anh ấy nói rất đơn giản, xem như chuyện bình thường. Không biết anh nghĩ thế nào, có thể là yêu thương các cháu quá nhưng lại có quan điểm rất không đúng mức. Khi anh ấy nói như thế, cũng có những người phản đối, bảo phải cho về, không giữ lại nữa… nhưng anh ấy bảo mình hãy giúp các cháu… Vì thế mình lại bấm bụng giữ lại để giáo dục nhưng vẫn không được…
Lớp nhỏ hiện nay, ví dụ đọc bài nói về lứa trẻ Đồng Tháp bán độ, thì công tác đào tạo này, giáo dục này đang gặp báo động. Nếu không tốt, sau này chúng ta sẽ lại có những cầu thủ lợi dụng bóng đá làm bậy, tiêu cực.
Ông Gede nói chính xác, khi cầu thủ hút thuốc, uống rượu bia được thì sau này sẽ làm những thứ khác… Có những cầu thủ chuyên nghiệp đi sàn nhảy, bay lắc cả đêm… Cầu thủ của mình không chuyên nghiệp. Từ trẻ đến lớn chưa chuyên nghiệp.
Ngày xưa lương thấp nhưng nhiều người rất chuyên nghiệp. Có những cầu thủ SLNA đá đến 38, 39 tuổi. Họ không bia rượu mà sinh hoạt tốt. Còn bây giờ đá đến 30 tuổi có khi đã hết sức rồi.
Bây giờ nhiều nơi cho các cháu về nhà sống, nhưng các cháu tự sống có chuyên nghiệp không? Có khi lại rủ nhau đi chơi bời. Không phải cứ ào ào theo thời đại, cho tách ra về sống, rồi quản lý thoải mái… không phải đâu.
Dù theo cách nào thì cũng phải quản lý cực kì kĩ lưỡng, chặt chẽ. Ngày xưa có những nơi tôi quản lý, bị báo giới gọi là kỷ luật thép nhưng cũng chẳng phải. Chỉ đơn giản tôi muốn các cháu phải sinh hoạt thật nghiêm túc. Có nơi gọi đó là trại lính, nhưng mục tiêu chỉ là để các cháu giữ sức, thi đấu thật tốt.
Là cầu thủ, ăn lương tiền tỷ, phải có trách nhiệm với đội bóng. BHL giáo dục anh nhân cách tốt để anh thi đấu tốt và sau có làm HLV cũng phải tốt. Chứ thả lỏng để anh hư hỏng thì để làm gì nào? Hút hít, bar sàn rồi không ra người không ra ma…" - ông Nguyễn Thành Vinh kết lại câu chuyện.