Chia sẻ với VTC News, HLV Mai Đức Chung đề cập đến nguyên nhân thất bại của tuyển nữ Việt Nam tại AFF Cup 2022, kế hoạch cho World Cup 2023 cùng những vướng mắc trong việc tuyển mộ cầu thủ Việt kiều để phục vụ mục tiêu nâng tầm đội tuyển.
Tuyển nữ Việt Nam chủ quan
- Nguyên nhân thất bại của tuyển nữ Việt Nam tại AFF Cup 2022 là gì?
Sau trận đấu cuối cùng tại AFF Cup 2022, chúng tôi có họp sơ kết giải đấu, tìm ra những điểm mà đội tuyển nữ Việt Nam chưa làm được để cầu thủ hiểu rõ. Nếu để cầu thủ trở về CLB thi đấu Cúp Quốc gia, giải VĐQG rồi năm sau tập trung đội mới họp thì quá muộn, toàn đội sẽ quên hết.
Có những lý do khiến tuyển nữ không bảo vệ được ngôi hậu tại AFF Cup 2022. Thứ nhất, mật độ thi đấu của đội rất dày. Hồi tháng 2, đội đá Asian Cup 2022. Tháng 5 dự SEA Games, tháng 7 thi đấu tại AFF Cup 2022 tại Philippines. Nếu ASIAD không bị hoãn, tháng 9 chúng tôi sẽ lại lên đường thi đấu. Mật độ thi đấu dày, thể lực cầu thủ Việt Nam chưa đáp ứng được.
Độ tuổi trung bình của tuyển nữ Việt Nam cũng lớn hơn so với các đội. Đơn cử như Philippines, các cầu thủ rất trẻ, chủ yếu là nhập tịch (23 trong số 25 cầu thủ). Ở SEA Games, Philippines chỉ có khoảng 12 cầu thủ nhập tịch, đến AFF Cup thì con số tăng lên gần gấp đôi. Chất lượng cầu thủ Philippines rất tốt, nhiều người đang chơi tại Mỹ, Australia.
Đá với Philippines, tuyển nữ Việt Nam không thành công. Rõ ràng, chúng ta kém hơn họ rất nhiều. Đội nữ cần rút kinh nghiệm riêng. Nhưng không riêng Việt Nam, mà Thái Lan hay Myanmar khi phải đá với Philippines thì cũng vậy.
Tuyển nữ Việt Nam (áo đỏ) thua 0-4 trước Philippines tại AFF Cup 2022.
Tại AFF Cup 2022, tuyển nữ Việt Nam phải chơi trên mặt sân cỏ nhân tạo. Lịch thi đấu dày, sức lực hao mòn, việc mất nhiều sức ở mặt sân nhân tạo rất cứng khiến thể lực đội giảm sút.
Ở Philippines, tuyển nữ Việt Nam hầu như không được bố trí sân tập. Nếu có tập, toàn đội cũng phải di chuyển rất xa, đi xe ô tô 2, 3 tiếng, thường xuyên tắc đường nên việc di chuyển còn mệt hơn tập luyện. Vào mỗi buổi sáng, tuyển nữ phải tập ở trên tầng 4 khách sạn, khi người ta dẹp xe ô tô để chúng ta có không gian tập.
Do giải đấu áp dụng cơ chế bong bóng, nên chúng tôi không được ra ngoài để báo cáo với ban tổ chức tìm sân tập mới. Các cầu thủ không được ra ngoài tiếp xúc với nhiều người.
Một nguyên nhân nữa là có thể tuyển nữ Việt Nam đã no nê thành tích. Những giải đấu này không quan trọng, nên có thể các cầu thủ không tập trung lắm. Ban huấn luyện vẫn hò hét, yêu cầu toàn đội phải tập trung cao độ, song các cầu thủ chưa tập trung nên không đạt thành tích tốt.
Đó là những yếu tố khiến thành tích của đội bị ảnh hưởng. Còn về chuyên môn, tôi vẫn chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi chỉ nhắc nhở các cầu thủ rằng ở giải tới, nếu chúng ta chỉ cần lơ là đôi chút, đối phương mà chơi quyết liệt thì họ sẽ hơn chúng ta.
- Ông đề cập đến yếu tố cầu thủ nữ Việt Nam đã "no" thành tích. Đó là lý do khiến đội chủ quan, để Myanmar ngược dòng ở trận đấu tranh hạng ba?
Tôi có nói với cầu thủ rằng có thể họ đã chủ quan. Tôi chỉ nói là "có thể", chứ không khẳng định. Trước giờ tuyển nữ Việt Nam thắng Myanmar rất nhiều, nên bước vào trận tranh hạng ba, có thể một số cầu thủ đã lơ là.
Tuyển nữ Việt Nam bị ngược dòng trong những phút cuối bởi thể lực đã xuống, tinh thần cầu thủ cũng không tốt. Ngoài ra, một số vị trí thiếu tập trung dẫn đến sai sót, để đội bạn vượt lên. Nhờ những trận thế này, đội nữ rút kinh nghiệm xương máu và có bài học.
Tuyển nữ Việt Nam có bài học đắt giá.
Ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam không chủ quan, vì càng cuối giải, đối thủ càng quyết tâm. Myanmar cũng muốn giành thành tích nên họ quyết tâm, còn tuyển nữ Việt Nam lại chủ quan vì đã có nhiều thành tích rồi. Các cầu thủ không đồng lòng, không quyết tâm đồng bộ nên một số vị trí rời rạc, cuối cùng thua trận đấu đó.
Trong bóng đá, không phải lúc nào cũng nắm tay được từ sáng đến tối. Có lúc chúng ta thắng, có lúc chúng ta phải thua. Đơn cử, Man Utd cũng có lúc tụt dốc không phanh.
Chúng ta phải ghìm, phải phanh lại. Những trận đấu thế này là bài học cho tuyển nữ. Ban huấn luyện phải lấy đó để giáo dục cầu thủ, để những trận sau chúng tôi chơi tốt hơn.
- Philippines đã tiến bộ vượt bậc. Đây là đối trọng lâu dài của Việt Nam và Thái Lan?
Theo tôi, có hai cách làm bóng đá nữ. Cách làm thứ nhất là như tuyển nữ Philippines, triệu tập các cầu thủ gốc gác Philippines ở nước ngoài về thi đấu. Cách thứ hai là đào tạo từ trong nước.
Hiện tại, chúng ta chưa thể triệu tập các cầu thủ Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới về nước, mà phải đào tạo. Chúng ta nên học các đội tuyển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ tự đào tạo cầu thủ và có thành quả, đơn cử như chức vô địch World Cup của Nhật Bản.
Chúng ta phải đào tạo cầu thủ trẻ từ trong nước, đó là giải pháp lâu dài hơn, cũng như động viên được phong trào bóng đá nữ trong cả nước.
Cầu thủ Việt kiều và vấn đề nhập tịch
- Đâu là nguyên nhân tuyển nữ Việt Nam chưa thể triệu tập các cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu?
Tôi đánh giá rất cao một số cầu thủ Việt kiều đã trở về Việt Nam "thử chân". Thứ nhất, các cầu thủ được tập luyện ở những nền bóng đá phát triển. Tầm vóc của họ rất tốt, thi đấu quốc tế không phải ngại đối thủ nào.
Những cầu thủ này khi được triệu tập về có thể thi đấu được ngay, không cần phải đào tạo. Họ chỉ cần làm quen lối đá và phối hợp với đồng đội. Gọi cầu thủ Việt kiều là giải pháp nhanh hơn so với đào tạo trẻ.
Chelsea Lê (phải) từng tập luyện với đội U19 nữ và được HLV Mai Đức Chung đánh giá cao. (Ảnh: Hồng Nam)
Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta là các cầu thủ này không có quốc tịch Việt Nam. Trở về Việt Nam, họ phải mất thời gian chờ nhập tịch, mà không biết liệu có được hay không. Tôi chỉ hy vọng các cầu thủ làm thủ tục nhập tịch Việt Nam ở nước ngoài, đôi khi có thể nhanh hơn là về Việt Nam làm.
VFF không phải lúc nào cũng có thể hỗ trợ cầu thủ làm thủ tục nhập tịch. Có lúc cầu thủ này về, đến 2, 3 tháng sau mới có những cầu thủ khác về. Các cầu thủ Việt kiều về rất rải rác, không thể tập trung được.
VFF cũng chưa nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài bao giờ. Các cầu thủ nhập tịch Việt Nam chủ yếu do CLB, gia đình hỗ trợ làm. Khi ấy chúng tôi triệu tập họ lên thì nhanh hơn.
Tôi luôn khuyến khích cầu thủ Việt kiều về nước. Họ mang dòng máu Việt Nam và cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở. Song gia đình các cầu thủ cần có cách làm cụ thể, tự lo được vấn đề quốc tịch. Sau khi có quốc tịch, chúng tôi sẽ tập trung các cầu thủ Việt kiều tại VFF để kiểm tra chuyên môn, thể lực và phong cách chơi bóng, rồi gọi họ lên đội tuyển.
Tuyển nữ Việt Nam không nhập tịch kiểu như Philippines, nhưng một số vị trí nếu được bổ sung cầu thủ Việt kiều thì rất ổn.
Kyah Lê là một trong số ít cầu thủ Việt kiều từng thử sức ở một đội tuyển trẻ Việt Nam. (Ảnh: Hồng Nam)
- Tình hình đào tạo trẻ ở bóng đá nữ Việt Nam hiện nay dường như đang thiếu đồng bộ, khi ông khẳng định nhiều cầu thủ trẻ lên tuyển phải được đào tạo lại?
Bóng đá nữ cần được đầu tư, quan tâm nhiều hơn ở cấp độ CLB, địa phương. Chúng ta cần thêm trung tâm đào tạo trẻ để phát triển cầu thủ, đầu tư cho bóng đá học đường. Tuyển nữ Việt Nam đã dự World Cup, đó là nguồn động viên rất lớn với bóng đá nữ Việt Nam. Chúng ta cần phát triển bóng đá học đường hơn, đó là lực lượng quan trọng.
Tôi đã đề cập vấn đề nêu trên trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Thủ tướng rất hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến này. Ví dụ, chúng ta có thể giao cho các CLB bóng đá nam, mỗi CLB phải có thêm một đội nữ để cùng thi đấu. Khi toàn xã hội, địa phương quan tâm đến từng CLB thì bóng đá nữ sẽ phát triển mạnh.
Ngoài ra, thu nhập của các HLV bóng đá nữ cần được nâng cao. Do thu nhập chưa tốt, nên các HLV chưa tập trung vào khâu huấn luyện, đào tạo.
Bóng đá nữ cũng cần giám đốc kỹ thuật đi xuống từng địa phương nắm tình hình, rồi mới vạch ra phương hướng. Hiện tại, mỗi CLB có một cách huấn luyện. Đội này chuyên về sức mạnh, đội kia chỉ tập trung kỹ thuật,... nên cầu thủ chưa đồng bộ. Chúng tôi có lúc phải dạy cầu thủ lại từ đầu, từ lối chơi, kỹ năng, chiến thuật, các bạn ấy đều chưa nắm vững.
Tất nhiên, cũng nhờ đóng góp của CLB mà đội tuyển mới có thành tích này. Song bóng đá nữ cần đầu tư nhất quán hơn nữa.
Hướng tới World Cup
- Tuyển nữ Việt Nam sẽ dự World Cup 2023. Chuyến tập huấn tại Pháp hay thất bại trước Philippines đã giúp chúng ta hình dung khó khăn sẽ gặp ở sân chơi này?
So với nhiều đội châu Á, tuyển nữ Việt Nam còn có khoảng cách về trình độ thì huống chi đây là World Cup - giải đấu ở tầm thế giới. Tuyển nữ đang ở vùng trũng Đông Nam Á, còn kém họ rất nhiều.
Lần đầu góp mặt ở World Cup là vinh dự của đội nữ Việt Nam, cầu thủ cũng như người hâm mộ. Dù vậy, tuyển nữ sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ mong khán giả luôn ủng hộ đội tuyển.
Tuyển nữ có thể thua đối phương về thể lực, chuyên môn, tầm vóc, nhưng về tinh thần và ý chí chiến đấu, toàn đội phải chơi hết sức để hạn chế khoảng cách chuyên môn.
Tuyển nữ Việt Nam có trận giao hữu quý giá với Pháp.
- Chúng ta chờ đợi điều gì ở lần đầu đá World Cup?
Được góp mặt ở World Cup, đồng nghĩa tuyển nữ Việt Nam được tiếp cận trình độ cao của bóng đá thế giới. Để mời một đội nữ đẳng cấp giao hữu, chúng ta phải trả tiền, mà có khi họ không đồng ý đá với đội còn non yếu như Việt Nam. Nhưng ở World Cup, đối thủ phải đá với chúng ta.
Tuyển nữ Việt Nam được trực tiếp thi đấu, học hỏi từ đối phương, từ ấy đội tuyển sẽ tốt hơn. Vừa qua, chúng ta được đá với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi giao hữu với Pháp hay một số CLB tại Đức, Tây Ban Nha. Tuyển nữ Việt Nam sẽ tiến bộ nhờ World Cup 2023.
- Ông sẽ tiếp tục dẫn dắt đội tại World Cup dù không ít lần đề cập đến chuyện nghỉ hưu sau năm nay. Điều gì khiến ông quyết tâm gắn bó với bóng đá nữ?
Tôi luôn trăn trở và đã từng đề nghị VFF để rút lui. Đó là đề xuất trực tiếp, chứ không phải sự lưỡng lự. Tôi cũng không tham quyền cố vị. Nhưng bóng đá nữ Việt Nam hiện nay rất khó tìm người dẫn dắt đội tuyển.
Hồi tuyển nam Việt Nam đá với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019 (năm 2017), chúng ta cũng không có HLV ngồi ghế tạm quyền, nên tôi phải xắn tay vào việc.
Tuyển nữ Việt Nam cũng vậy. Tôi nỗ lực vì phong trào bóng đá nữ trong cả nước, vì cái chung của thể thao nước nhà. Tổng cục TDTT, lãnh đạo VFF, lãnh đạo nhà nước cũng động viên tôi tiếp tục quay lại làm thêm năm 2023. Sau khi dẫn dắt đội dự các giải thế giới và châu Á, tôi sẽ nghỉ để người khác huấn luyện.
- Kế hoạch của đội để hướng tới World Cup 2023 là gì?
Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã có kế hoạch, đề xuất triệu tập các cầu thủ trẻ, từ 18 đến 21 tuổi để rèn kỹ năng, lối chơi, qua đó giảm cách biệt trình độ với các cầu thủ kinh nghiệm. Đợt tập trung này diễn ra vào cuối năm, kéo dài khoảng 2 tuần.
Sang năm 2023, tuyển nữ Việt Nam sẽ tập trung sớm để chuẩn bị kỹ càng cho World Cup. Ngày 22/10 tới, tôi sẽ cùng một số cán bộ VFF sang Australia và New Zealand dự lễ bốc thăm World Cup và khảo sát sân bãi. Tuyển nữ Việt Nam sau đó tập trung cho SEA Games, ASIAD cũng như World Cup. Đó là những giải đấu quan trọng trong năm 2023.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!