Từng có giai đoạn Việt Nam không đặt Thái Lan vào mắt, bóng đá xứ Chùa vàng phải e ngại chúng ta!
Cựu danh thủ Hồng Sơn mới đây tiết lộ việc gặp Thái Lan căng thẳng đến mức mất ngủ. Kiatisak thì từng ngạo nghễ thừa nhận mỗi khi gặp Việt Nam, Voi chiến chỉ cần thảnh thơi chờ đối thủ tự sụp đổ và thua. Thế nhưng, giai đoạn HLV Lê Thụy Hải thi đấu (thập niên 60 - 80) thậm chí Việt Nam còn không thèm để bóng đá Thái Lan vào trong mắt.
"Thời tôi thi đấu (1966-1980) cũng gặp Thái Lan. Khi đó Thái Lan, Myanmar, Indonesia… chúng ta không có để ý. Các đội chúng ta để ý là Triều Tiên, Trung Quốc… là những nền bóng đá hơn hẳn khu vực ĐNÁ.
Sau đó chúng ta mới bắt đầu lùi đi. Chứ thế hệ chúng tôi gặp Thái Lan thì dễ lắm, không vấn đề gì cả. Chính Thái Lan phải e ngại chúng ta. Nhưng thực ra giai đoạn ấy, chúng ta cũng ít tham dự các giải có mặt họ lắm vì chúng ta dự các giải lớn hơn. Đến thế hệ sau này của anh Lê Khắc Chính (thập niên 70 – 90) gặp Thái Lan mới bắt đầu khó khăn...".
HLV Lê Thụy Hải
Không phải đợi đến thời thầy Park, nỗi e ngại Thái Lan thực ra đã chấm dứt từ AFF Cup 2008?
Nói về giai đoạn bóng đá Việt Nam bắt đầu e ngại Thái Lan có lẽ bắt đầu từ thập niên 80. Cựu HLV ĐTQG Phan Thanh Hùng (1980-1992) thừa nhận:
"Thời tôi còn thi đấu, Thái Lan hơn chúng ta một bậc. Họ gặp chúng ta thì đá thoải mái nhẹ nhàng lắm. Khi đó chúng tôi thua họ thì buộc phải chấp nhận thôi vì họ mạnh hơn. Nhưng bây giờ ngược lại, họ thua mình thì cay cú lắm".
Theo HLV Phan Thanh Hùng, nỗi sợ hãi bóng đá Thái Lan của Việt Nam kéo dài đến năm 2008, nhưng đã kết thúc khi chúng ta vô địch AFF Cup. Sau đấy, bóng đá Việt Nam gặp Thái Lan vẫn thua nhiều nhưng thuần túy vì chuyên môn hơn là do tâm lý.
"Thực ra vấn đề với Thái Lan, sau khi chúng ta vô địch AFF Cup 2008 thì cầu thủ đã tự tin hơn. Sau đó thì Việt Nam – Thái Lan hay cạnh tranh, so kè vị trí thôi chứ yếu tố tâm lý đã không còn e ngại nữa. Đến lứa cầu thủ của ông Park, càng em đá càng thoải mái, tự tin, không e ngại gì cả.
Hiện giờ yếu tố tâm lý ngược lại đang xuất hiện bên Thái Lan. Các vị trí ở khu vực lẽ ra của họ thì giờ thuộc về Việt Nam. Họ chịu áp lực phải chứng minh được bản thân, dẫn tới tâm lý nặng nề.
HLV Phan Thanh Hùng
Nói về vòng bảng AFF Cup 2012, ĐTVN dưới thời tôi thua Thái Lan 1-3 và bị loại. Nhưng trước đó chúng ta không có kết quả tốt nên khó đá (hòa Myanmar, thua Philippines). Còn Thái Lan dễ đá hơn hẳn.
Đó cũng chỉ là một thất bại bình thường thôi, chứ không phải chúng ta e ngại gì họ. Lẽ ra chúng ta đá tốt với Myanmar và Philippines thì trận cuối gặp Thái Lan hòa hay thua đều đi tiếp. Nhưng không được như vậy mà phải căng ra chơi.
Sau này chúng ta thua Thái Lan đơn thuần do vấn đề chuyên môn thôi. Còn nói do tâm lý căng thẳng, do sợ hãi thì tôi nghĩ hoàn toàn không phải. Nhất là bây giờ đá với họ, tâm lý chúng ta rất thoải mái. Trước năm 2008, trình độ Thái Lan hơn chúng ta một bậc, làm chúng ta mất tự tin khi gặp họ. Nhưng khi ta chứng minh được là có khả năng thắng họ thì không sợ hãi nữa".
Cần thắng để "ném" Thái Lan lại phía sau, hướng về những đối thủ hùng mạnh hơn
HLV Lê Thụy Hải nêu quan điểm Việt Nam cần nhân lúc đang có phong độ cao, triệt để đánh bại Thái Lan, qua đó xóa đi tâm lý so kè với họ, mà hướng tới những cái đích cao hơn.
"Chuyện Thái Lan luôn tranh giành với chúng ta thì tại sao? Trong 10 - 15 năm gần đây, chúng ta là một bại tướng mà Thái Lan thắng rất dễ. Nhưng từ ngày ông Park sang đây, chúng ta gặp Thái Lan thì chưa thua trận nào. Chúng ta đừng nhìn quá khứ. Quá khứ thì hầu hết chúng ta thua họ, ít khi thắng lắm ví dụ như lần hiếm hoi là ta vượt qua Thái Lan để vô địch AFF Cup 2008.
Tôi vẫn nói với các bạn truyền thông là không thích việc cứ phải so kè cùng Thái Lan. Chúng ta cần nhìn lên, so sánh với Iran, Iraq, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chúng ta cần tranh chấp với các bạn tầm châu lục để đi xa hơn nữa. Chứ nếu ta cứ nghĩ đến Thái Lan thôi thì rất buồn cười".
Nhiệm vụ thắng Thái Lan không dễ, cần tự tin nhưng cũng phải thận trọng. Nhưng ông Hải cho rằng nếu chúng ta thắng có thể đẩy Thái Lan vào vũng bùn sợ hại ngược lại Việt Nam.
"Dưới thời ông Park, Thái Lan rất kiêng kị ta. Ông Nishino rất thận trọng. Nhưng dù vậy ông Park vẫn nói cầu thủ Việt Nam không được hưng phấn quá mức. Tại sao ông Park nói thế? Vì chúng ta không hơn hẳn Thái Lan. Dù chúng ta có thiên thời địa lợi nhân hòa, nhưng Thái Lan không quá kém đâu. Vì thế chúng ta không thể tự tin quá mức. Nếu hơi mất tập trung, hay quyết tâm quá thì rất nguy hiểm.
Tôi rất mong chúng ta phải thắng Thái Lan, để đừng bao giờ phải so sánh với Thái Lan nữa. Ở giai đoạn này, chúng ta đang rất tốt. ĐTQG dưới thời ông Park rất đáng khen. Các cầu thủ đều hay, chiến thuật thì mạch lạc, lại tự tin… Tiến Linh dám đua với cầu thủ UAE về kĩ thuật, sức mạnh, sự thông minh… Nên tôi mong ở giai đoạn chúng ta đang tốt thì hãy thắng Thái Lan, để "quên" họ đi. Nhưng nói vậy thôi chứ không dễ dàng.
Tôi tin là nếu hôm nay chúng ta thắng Thái Lan, họ sẽ lâm vào trạng thái sợ hãi chúng ta, như chính Việt Nam từng sợ họ vậy. Từ trước đến nay họ đánh giá chúng ta không cao, nhưng nếu thua chúng ta thì họ sẽ liên hệ với thời gian qua. Rằng "à, thì ra họ vô địch AFF Cup khi không gặp chúng ta nhưng họ hơn chúng ta thật", rồi "họ Á quân U23 châu Á thì tại Thường Châu họ cũng hơn mình bị loại. Bây giờ chúng ta thua họ thì phải chấp nhận thôi"…".
Tâm lý là một phần, nhưng mấu chốt quyết định thắng thua vẫn là chuyên môn, chiến thuật
Nhận xét về trận đấu tối nay tại Mỹ Đình, HLV Phan Thanh Hùng cho biết:
"Vấn đề tâm lý thì nằm ở Thái Lan thôi. Nhưng điểm quyết định trận đấu vẫn sẽ là chuyên môn, là chiến thuật của hai đội. Với Việt Nam, chúng ta đá chặt chẽ, thoải mái. Thái Lan có thể sẽ nôn nóng, thể hiện vội vàng, làm giảm chất lượng thi đấu. Nhưng chưa đá thì ta không thể nói vấn đề tâm lý chính xác sẽ ảnh hưởng thế nào đến họ.
Về cơ bản, Thái Lan có áp lực buộc phải thắng nên khó đá hơn. Khi họ muốn tấn công thì lại vào thế của ông Park. Khi ta đá phản công thì rất lợi hại. Khả năng của chúng ta sẽ là hòa hoặc thắng. Với tình thế hiện tại, nếu không thể thắng, ít nhất chúng ta phải thủ hòa Thái Lan thì sẽ rất lợi thế.
Tất nhiên Thái Lan càng nôn nóng thì khả năng chúng ta thắng càng cao. Nhưng thời điểm này tôi chỉ có thể dự đoán chúng ta hoặc hòa hoặc thắng thôi".
Nói thêm về tác hại của việc chịu áp lực tâm lý, ông Phan Thanh Hùng phân tích kèm đưa ra giải pháp khắc phục mà bản thân thường vẫn làm.
"Yếu tố tâm lý khiến cầu thủ mất tập trung, sự căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thể lực. Khi mình gặp đối thủ mạnh, tâm lý nặng nề thì không thoải mái, dẫn tới không thể hiện được khả năng. Khi mang nặng tư tưởng sẽ thua thì mất cảm giác thi đấu.
Mỗi cầu thủ trên sân khác nhau, nhưng để khắc phục vấn đề tâm lý thì HLV đã chuẩn bị cả tuần rồi. Khi gặp đối thủ mạnh, cần nắm bắt các vấn đề mạnh yếu của họ, tập luyện trong cả tuần. Như tôi làm thì chuẩn bị kĩ cho họ, cầu thủ có nhiệm vụ riêng, không mơ hồ. Nếu mơ hồ mà vào đá thì sẽ mất tự tin, sẽ bị tâm lý. Nhưng khi biết rõ nhiệm vụ thì cầu thủ sẽ yên tâm thi đấu.
Với ông Park, tôi tin ông ấy đã phân tích mạnh yếu của Thái Lan rồi, đã giao nhiệm vụ cho các cầu thủ tập luyện suốt thời gian qua. Cầu thủ ra sân có nhiệm vụ thì không còn tâm lý mà tập trung chuyên môn thôi.
Vấn đề tâm lý có thể xuất hiện ở mọi vị trí, nhưng thông thường trong cả đội thì bị một vài người thôi và thường ở các cá nhân ít thi đấu. Cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ ít bị, nhưng thi thoảng vấn có người gặp vấn đề. Có thể là do cá nhân thôi, như mất ngủ, có chuyện gia đình… HLV cần phải nhìn ra được, có các biện pháp động viên họ tập trung.
Trong trận đấu thì điều chỉnh bằng việc nhắc nhở, có thể là trong thời gian nghỉ giữa giờ. Còn sau trận đấu, ta cần cho họ xem lại video, phân tích kĩ sai sót ở đâu do vấn đề tâm lý, để họ nhận thức đúng và cải thiện".
Trận đấu giữa Việt Nam vs Thái Lan sẽ diễn ra lúc 20h00 hôm nay tại SVĐ Mỹ Đình.