Nhìn từ chấn thương của Văn Thanh, Tuấn Anh, có nên dồn hết trách nhiệm cho đội ngũ y tế?

Đoàn Dự |

Những ngày qua, câu chuyện liên quan tới chấn thương của Văn Thanh gây ra không ít tranh cãi về công tác y tế ở bóng đá Việt Nam.

Bác sỹ Việt Nam chưa thật sự tốt song cầu thủ cũng còn thiếu chuyên nghiệp

Văn Thanh bị chấn thương đã lâu nhưng phải gần 1 tháng sau HAGL mới xác định cầu thủ này bị rách dây chằng đầu gối. Cầu thủ HAGL sẽ cần phẫu thuật và vắng mặt 6 tháng để phục hồi.

Nhiều ý kiến đang đổ lỗi cho đội ngũ y tế của HAGL, đồng thời chê trách sự yếu kém nói chung về công tác y tế của bóng đá Việt Nam. Trước vấn đề này, HLV Lê Thụy Hải nhận định:

"Trong thể thao, dính chấn thương là bình thường. Tuy nhiên, công tác y tế của chúng ta kém, nên không phát hiện ra được sớm, hoặc bản thân cầu thủ không biết tự chăm sóc bản thân.

Nhiều người bị đứt dây chằng thì rất dễ phát hiện, nhưng có người chỉ bị sơ rách, chưa đứt, có thể chơi được, rồi đến 1 lúc nhất định mới bị đứt…

Nếu anh phát hiện ra bị chấn thương, có bất ổn thì đề nghị khám sẽ khác. Nhưng bản thân anh không nắm được anh. Cầu thủ nếu thật sự thấy có vấn đề thì nên quyết liệt yêu cầu khám chữa cho mình. Điều đó là hết sức bình thường, không có vấn đề gì cả. Công tác y tế của chúng ta kém, và cầu thủ của chúng ta cũng chưa thật sự nhà nghề".

Nhìn từ chấn thương của Văn Thanh, Tuấn Anh, có nên dồn hết trách nhiệm cho đội ngũ y tế? - Ảnh 1.

Vũ Văn Thanh chấn thương dây chằng nặng đầy đáng tiếc.

"Theo tôi, bác sĩ ở các CLB, rồi các cấp đội tuyển, hay ở các trung tâm thể thao đều có học và kinh qua nhiều rồi. Khi đã bị chấn thương rồi thì họ chẩn đoán rất đúng.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là VĐV. Anh cũng phải tinh ý 1 chút. Hoặc là HLV cũng phải tinh ý 1 chút. Trách nhiệm không thể đổ dồn về mỗi công tác y tế. Họ cũng rất khó. Đang yên đang lành thì khó bỏ 1 cầu thủ ra khám.

Bác sĩ thường xuyên tập cùng VĐV, HLV trưởng, tất nhiên cũng phải lưu ý. Vì sao động tác này cậu ấy có vẻ không tốt, sức rướn chậm lại… thì phải hỏi han, có vấn đề gì không thì phải đi khám. Đó là cái kết hợp chung. Còn bây giờ đứt rồi, cũng khó đổ lỗi cho bác sĩ" - ông Hải tiếp.

"Các CLB, gặp chấn thương nặng thì đa số phải đi bệnh viện hết, vì chưa đủ khả năng, chưa đủ phương tiện. Song song với đó, cầu thủ chúng ta chữa trị không đến nơi đến chốn, rất ham được chơi. Đó là cái chúng ta cũng phải đề cập, chứ đừng đổ mãi cho bác sĩ" - HLV Lê Thụy Hải.

Là HLV kì cựu, từng kinh qua nhiều CLB tại Việt Nam, ông Lê Thụy Hải nêu rõ quan điểm của bản thân về công tác y tế:

"Tôi đi làm ở nhiều CLB, các cầu thủ của tôi, ai chớm phát hiện chấn thương là tôi yêu cầu đi khám ngay. Cầu thủ của tôi phải khỏe, tôi không thích cầu thủ yếu, không thích CLB của tôi là chỗ toàn thương binh. Các bạn ở với tôi đều hiểu đã chấn thương thì phải chữa trị, bao giờ bác sĩ ở CLB bảo khỏi thì mới được chơi".

Khi được hỏi thẳng về bác sĩ Đồng Xuân Lâm của HAGL, ông Hải "lơ" tiếp:

"Về anh Lâm, tôi đi làm ở nhiều CLB, nhiều cầu thủ lại thích anh Lâm, phải gọi điện hỏi nếu bị như thế thì chữa ra sao. Thực ra, nhiều người nói anh Lâm có cách chữa gấp, giúp khỏi nhanh. Nhưng thể trạng để như vậy lâu dài thì lại không tốt.

Anh ấy cũng làm lâu rồi chứ không mới. Ở chỗ anh Lâm làm, các cầu thủ hay đá được ngay, đá được sớm, tốt cho HLV nhưng lại cũng không tốt cho cầu thủ. Có thể cách chữa đó chưa đi vào tận gốc".

Nhìn từ chấn thương của Văn Thanh, Tuấn Anh, có nên dồn hết trách nhiệm cho đội ngũ y tế? - Ảnh 3.

Bác sỹ Đồng Xuân Lâm đang gây tranh cãi xung quanh chấn thương của Văn Thanh. Có người còn lật lại, đổ lỗi cho ông về trường hợp của Tuấn Anh.

Cải thiện công tác y tế không khó nhưng...

Nói về việc bóng đá Việt Nam cần phải làm gì để công tác y tế được tốt hơn, ông Hải kết lại vấn đề:

"Theo tôi, bao giờ chúng ta trở thành CLB nhà nghề, mỗi đội đều phải có một trung tâm gần như một bệnh viện nhỏ, để phát hiện và chữa trị chấn thương. Trong phương pháp huấn luyện cũng phải thường xuyên cho các cầu thủ được kiểm tra lại bằng máy móc, để chẩn đoán bệnh kịp thời. Chấn thương rồi mới phát hiện thì dễ quá. Đề phòng mới là quan trọng nhưng hiện chúng ta chưa có.

SEA Games hay Asiad… ngay cả bộ phận y tế của mình cũng đâu nhiều. Một bác sĩ kiêm nhiệm đội này đội kia. Vấn đề ở ngay đó, nói sâu sa vào cá nhân ai làm gì. Vấn đề tổ chức còn chưa ổn. Bác sĩ thì nhiều người giỏi chứ, ví dụ anh Tuấn của VFF giỏi, phát hiện ra nhanh… nhưng nói chung cũng phải ở cầu thủ đề nghị, rằng "tôi bị như thế này...", thì bác sĩ khám được ngay. Đó mới là cầu thủ nhà nghề.

Tôi nghĩ không cần thời gian, nếu các anh ấy (những người làm bóng đá Việt Nam) thật sự nghĩ tới cầu thủ thì làm trong tầm tay mà. Không có gì là khó cả. Vẫn những bác sĩ ấy ở VFF hay ở Tổng cục TDTT, lập ra 1 bệnh viện nhỏ, chuyên chữa chấn thương cho VĐV. Rồi các bác sĩ ấy phải thường xuyên quan hệ với các CLB. CLB thì phải thành tâm, chú trọng đến việc đó, thường xuyên khám.

Chất lượng bác sĩ Việt Nam, khẳng định chắc chắn quá thì không nên. Nhưng đa số các em mổ đều ra nước ngoài hết nên cũng phải xem xét lại các bác sĩ ở Việt Nam. Văn Thanh cũng sẽ đi nước ngoài. Trình độ chúng ta chưa thật cao, nên phải phòng hơn chữa.

Về phòng bệnh thì các CLB phải chú ý tổ chức, thường xuyên kiểm tra thì mới phát hiện ra được. Cả một cái dây chằng có khi đứt vài sợi, hoặc sơ vữa, vẫn chơi được nhưng đá cường độ lớn là chấn thương. Chúng ta phải nên phòng, vì khả năng chữa là chưa thật sự tốt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại