Vào đầu năm 1999, báo Tiền phong phối hợp cùng LĐBĐ Việt Nam lần đầu tổ chức trận Siêu Cúp Quốc gia, cuộc tranh tài giữa đội Vô địch quốc gia và đội giành Cúp Quốc gia. Năm đó với tư cách Quán quân giải VĐQG, Thể Công của HLV Vương Tiến Dũng đã đánh bại Công an TP.Hồ Chí Minh với tỷ số 3-0 trên sân Hàng Đẫy.
Nhiều năm sau, Thể Công hay sau này là Viettel đều không thể làm nên chiến tích tương tự. Vì vậy HLV Vương Tiến Dũng vẫn là người duy nhất cho đến nay giúp Thể Công/Viettel đoạt hai danh hiệu cao quý, VĐQG và Siêu Cúp chỉ trong vài tháng.
Bây giờ ở tuổi 74, vị tướng già đang chịu những di chứng của trận tai biến năm 2018. Như ông mô tả, “tưởng đã chết nhưng may mắn sống lại”. 5 năm qua là quãng thời gian dài HLV Vương Tiến Dũng chiến đấu với bệnh tật, và từ tình trạng liệt nửa người, nửa tỉnh nửa mê, nay ông đã có thể trò chuyện. Điều tuyệt vời nhất là “thầy Vương”, theo cách học trò gọi ông, vẫn giữ được sự minh mẫn. Và trong một buổi chiều cuối năm Nhâm Dần, HLV Vương Tiến Dũng đã dành cho tôi những phút quý báu để nói về chiến tích đoạt Siêu Cúp Quốc gia 1999 .
HLV Vương Tiến Dũng trong trận Siêu Cúp Quốc gia 1999. (Ảnh: BLV Quang Huy)
“Siêu Cúp năm 1999 có ý nghĩa rất quan trọng”, ông nhớ lại, “Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam có trận Siêu Cúp, đồng thời tái khẳng định sức mạnh của Thể Công sau những năm tháng bết bát. Chúng tôi đã vô địch quốc gia năm 1998 và đứng trước cơ hội giành thêm chiến Cúp nữa. Hơn nữa, thời điểm đó Công an TP.Hồ Chí Minh là một thế lực gần như không thể đánh bại”.
Để chuẩn bị thật tốt cho trận đấu trọng đại trên sân Hàng Đẫy vào ngày 7/3/1999, HLV Vương Tiến Dũng đã đi đến một quyết định: cả đội rời Nhổn và di chuyển lên Hòa Bình ngay mùng 4 Tết Kỷ Mão. “Để tập trung hoàn toàn cho chuyên môn, tránh bị phân tâm bởi các vấn đề gia đình và bối cảnh khách quan, tôi yêu cầu các học trò tập huấn ở Hòa Bình”, thầy Vương nói với báo Tiền Phong.
Cũng phải nhắc thêm rằng trước khi nắm đội một Thể Công, HLV Vương Tiến Dũng đã có nhiều năm nắm các đội trẻ của đội bóng áo lính và vun đắp nên nhiều thế hệ tài năng. Vì vậy trước trận Siêu Cúp 1999, trong tay ông là dàn hảo thủ gồm Nguyễn Hồng Sơn , Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Đỗ Mạnh Dũng cùng những lứa trẻ tài năng như Đặng Phương Nam, Thạch Bảo Khanh.
Các CĐV Hải Phòng tri ân HLV Vương Tiến Dũng vì 2 nhiệm kỳ dẫn dắt CLB. (Ảnh: QPVN)
“Công an TP.Hồ Chí Minh rất mạnh nhưng lợi thế của chúng tôi là một tập thể đang ở độ chín, thể lực sung mãn và tính gắn kết cao”, chiến lược gia sinh năm 1949 nói. Chuyến tập huấn ở Hòa Bình cũng khiến các cầu thủ nhận thức được tầm quan trọng của trận Siêu Cúp và quyết tâm giành chiến thắng của Ban lãnh đạo, vậy nên tinh thần cũng lên rất cao.
Trong hơn hai tuần ở Hòa Bình, HLV Vương Tiến Dũng cũng nghiên cứu rất kỹ đối thủ. “Công an TP.Hồ Chí Minh mạnh nhưng phong cách khá đơn giản. Họ chủ yếu đá phản công và dựa vào Huỳnh Đức”, ông nói, “Đó là lý do khi vào trận, lối chơi tập thể của Thể Công dễ dàng chia cắt, phong tỏa các mũi phản công khiến Huỳnh Đức không thể phát huy khả năng. Trong khi đó, chúng tôi cũng áp đảo ở hàng tiền vệ. Ngoài Bùi Đoàn Quang Huy, Hồng Sơn và Trương Việt Hoàng đều lập công”.
Có một chi tiết khá thú vị, thầy Vương tiết lộ rằng ông “không biết gì nhiều về tân binh Bùi Đoàn Quang Huy, chỉ nghe các học trò (như hậu vệ Nguyễn Đức Thắng) giới thiệu, rằng cậu này đá hay lắm”. Thế nhưng đến khi tiền đạo xuất thân từ lò đào tạo của Bình Định gia nhập và tham gia vào kỳ tập huấn, ông lập tức nhận thấy phẩm chất đặc biệt của “lính mới”.
“Tôi thấy Quang Huy có kèo trái rất khéo, vì vậy cậu ấy có thể lấp vào vị trí của Thạch Bảo Khanh khi tôi đẩy Bảo Khanh vào giữa”, ông kể, “Trận Siêu Cúp là trận đầu tiên khoác áo Thể Công nhưng Quang Huy đã chơi xuất sắc, ghi bàn mở ra chiến thắng 3-0”.
HLV Vương Tiến Dũng ngồi xe lăn đến sân Hàng Đẫy năm 2020. (Ảnh: Thể Công)
Điều đáng nói là tuy trận đấu quan trọng là thế và việc giành được Siêu Cúp đầu tiên của Việt Nam là dấu mốc đáng tự hào, song thầy trò HLV Vương Tiến Dũng không có thời gian để ăn mừng. “Ngay sau chiến thắng, cả đội lại di chuyển vào miền trung để đá Cúp Mùa Xuân 1999 cũng khai mạc vào ngày 7/3”, chiến lược gia kỳ cựu nhớ lại.
Vốn cũng là cựu danh thủ Thể Công trong nửa cuối thập niên 1960 và 1970, sau này lại đưa đội bóng áo lính trở lại đỉnh cao, vì thế HLV Vương Tiến Dũng “rất đau xót” khi cái tên Thể Công mất đi. Như ông chia sẻ, “để làm nên cái tên đó là công sức, xương máu của bao nhiêu thế hệ”.
Vậy nên thầy Vương vô cùng vui mừng khi Viettel đã tiếp nối Thể Công, thậm chí thành công ngoài mong đợi với chức vô địch V-League 2020. “Trong một thời gian dài tôi luôn nghĩ về việc đến bao giờ mới được sống lại những ngày tháng hào hùng của Thể Công xưa kia. Không ngờ ngày ấy đã tới, khiến tôi thực sự bất ngờ”, giọng ông sôi nổi hẳn lên.
HLV Vương Tiến Dũng ở lần xuất hiện trên sân Hàng Đẫy năm 2020. (Ảnh: Thể Công)
Điều đáng tiếc là Siêu Cúp Quốc gia - Cúp Thaco năm 2020, cũng là kỳ Siêu Cúp gần nhất (do năm 2021 bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19), Viettel lại không thể tái hiện chiến tích của Thể Công năm 1999. Cũng tại Hàng Đẫy, họ nhận thất bại 0-1 trước Hà Nội FC bằng bàn thắng duy nhất của Bùi Hoàng Việt Anh.
Với HLV Vương Tiến Dũng, tuy tiếc nuối nhưng ông tin rằng sớm muộn Viettel sẽ bổ sung chiếc Siêu Cúp thứ hai vào phòng truyền thống của CLB áo lính. “Năm 1998, Thể Công của tôi vô địch với những cầu thủ ở độ chín phong độ. Bây giờ các cháu đăng quang bằng lứa cầu thủ còn rất trẻ. Họ sẽ còn tiến rất xa và tiếp nối truyền thống đầy vinh quang của CLB”, ông nói đầy tin tưởng.
Vào lúc này, điều ông mong mỏi nhất là sự trở lại thực sự của Thể Công, trong trường hợp Viettel đổi tên, lấy lại phiên hiệu Thể Công trước đây. “Tôi rất khát khao tới ngày đó”, vị tướng già nhấn mạnh từng chữ, dù sau khi tai biến việc nói chuyện cũng rất khó khăn. Dù trong hoàn cảnh nào ông vẫn nguyên vẹn tình yêu với Thể Công, với bóng đá.