Lãnh tụ Tôn Trung Sơn
Bằng giả từ xưa đến nay không chỉ là "vấn nạn" nan giải ở một số nước khu vực châu á mà ngay cả những nước có nền khoa học tiên tiến như Mỹ hàng năm cũng phát hiện ra rất nhiều bằng cấp giả. Gần đây, trong một cuốn sách mang tên "Vi Thành" được công bố tại Trung Quốc, người ta cũng đã nhắc đến "nghi án bằng giả" liên quan tới một số nhân vật "tai to mặt lớn" trong nền chính trị cũ của nước này. Và hai cái tên được nhắc tới đã khiến mọi người "không thể tưởng tượng nổi" chính là nhà cách mạng dân chủ nổi tiếng của Trung Quốc - lãnh tụ Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch - người kế nhiệm Tôn Trung Sơn lãnh đạo Quốc dân đảng.
Học "đại học chui"?
Sinh tại Quảng Đông trong một gia đình nông dân khá giả, năm 13 tuổi, Tôn Trung Sơn đến học ở Honolulu (Hawaii) vì có người anh buôn bán ở đây. Tại Honolulu ông đã theo học tiểu học và trung học nên chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hoá phương Tây. Năm 1883, Tôn Trung Sơn trở về nước, theo học trường Đại học Y khoa Hồng Kông và trở thành bác sĩ. Tuy nhiên sau đó thấy tình cảnh đất nước bị các đế quốc xâu xé, ông bỏ nghề y theo con đường chính trị.
Trong những cuốn hồi ký kể về cuộc đời của nhà lãnh tụ vĩ đại này, không chỉ những năm tháng theo học đại học về Tây y tại Đại học Y Hồng Kông, mà ngay cả những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Tôn Trung Sơn đã luôn là một học sinh rất xuất sắc. Tháng 7/1892, với thành tích học tập xuất sắc của mình, ông đã nhận được danh hiệu: "Sinh viên ưu tú nhất của trường Đại học Y Hồng Kông". Sở dĩ người ta còn nhắc tới sự kiện này vì đây là trường hợp sinh viên duy nhất được ngôi trường này vinh danh.
Tuy nhiên, vào tháng 11/1992, một số báo của tờ "Văn hoá truyền kỳ" xuất bản tại Đài Loan đưa tin: Sở dĩ Tôn Trung Sơn được vinh danh như vậy là cả lớp y học phương Tây của trường Đại học Y Hồng Kông khi đó chỉ có đúng... 2 học sinh. Do đó việc trở thành sinh viên xuất sắc cũng không phải là một kỳ tích... ghê gớm gì (!?).
Tưởng Giới Thạch khi còn là hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố
Cũng theo tờ báo này thì Đại học Y Hồng Kông khi đó thực chất được coi là "đại học chui" vì chưa được cấp phép hoạt động, và Tôn Trung Sơn chính là sinh viên khoá đầu tiên của trường “đại học chui” này. Năm 1911, trường đại học này đã được sát nhập vào Đại học Hồng Kông và trở thành một khoa riêng biệt, tuy nhiên đến năm 1915 thì khoa Tây y tự tuyên bố đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. Vì thế có thể nói sự ra đời và kết thúc của trường đại học này thực chất không được công nhận trên giấy tờ và bằng cấp của nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn quả thực cũng khó được chấp nhận nếu ông sống ở thời điểm... hiện tại.
Tuy nhiên, trong mọi lý lịch của nhà lãnh đạo này, người ta đều thấy có ghi: "Tiến sỹ y học". Vậy làm thế nào mà Tôn Trung Sơn lại lấy được bằng Tiến sỹ về y học? Thực chất là vào năm 1894, Tôn Trung Sơn đã "cầu cứu" người bạn đồng hương của mình là Trịnh Văn ứng - một người đã khá nổi tiếng trong giới y học của Hồng Kông khi đó viết giấy tiến cử để ông được vào học tại Tổng y viện Lý Hồng Chương. Trong thư tiến cử của mình, Trịnh Văn ứng đã viết: "Bác sỹTôn Trung Sơn là một học viên ưu tú, đã học y học phương Tây tại Hồng Kông...". Cũng trong lá thư này, Trịnh Văn ứng đã viết tắt từ bác sỹ bằng tiếng Anh là "Dr".. Tuy nhiên, trong tiếng Anh từ viết tắt này nếu không viết một cách rõ ràng thì cũng dễ bị hiểu nhầm thành Tiến sỹ. Và Tổng y viện của Lý Hồng Chương đã nhầm lẫn trường hợp này. Mặc dù biết như vậy, nhưng Tôn Trung Sơn cũng không phản ứng và giải thích gì thêm.
Ngày 1/1/1912, Tôn Trung Sơn chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc tại Nam Kinh. Trong buổi lễ này, người ta cũng gọi ông với chức danh "Tiến sỹ Tôn Dật Tiên". Và từ đó, mọi người dân Trung Quốc đều hiểu: "Tiến sỹ là học hàm cao nhất của nhà lãnh đạo tài ba này".
Mua bằng giả
Nếu nói bằng "Tiến sỹ" của Tôn Trung Sơn là do hiểu nhầm thì bằng cấp của Tưởng Giới Thạch lại do chính ông ta "thổi phồng" lên. Năm 1928 sau khi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, trong lý lịch của Tưởng Giới Thạch có ghi rõ: "Học lực: Bằng xuất sắc của Học viện sỹ quan lục quân Nhật Bản", tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy.
Năm 1907, khi đang theo học pháo binh tại trường lục quân Bảo Định thì Trung Quốc xảy ra binh biến. Khi đó, ở lứa tuổi 20, Tưởng Giới Thạch đã được triều đình nhà Mãn Thanh lựa chọn làm học sinh dự bị để theo học tại một trường lục quân ở Nhật Bản. Lúc đầu, khóa học này dự định chỉ kéo dài 16 tháng, nhưng vì một số lý do nên nó đã kéo dài thành 18 tháng, 2 năm rồi tới tận... 3 năm. Tưởng Giới Thạch cũng nằm trong số học sinh được đào tạo kéo dài...quá thời hạn này.
Ảnh chụp chung của Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch khi ở trường quân sự Hoàng Phố
Tháng 1/1924, Quốc dân Đảng thành lập trường quân sự Hoàng Phố và tìm chọn một vị Hiệu trưởng có đủ tài đủ lực để đảm nhận cương vị quan trọng này. Một số người trong Quốc dân Đảng khi đó cũng biết chuyện Tôn Trung Sơn không có bằng cấp nên đã rất coi trọng tấm bằng của Tưởng Giới Thạch, tuy nhiên không ai biết đó là bằng giả. Vì thế Tưởng Giới Thạch đã rất "điềm nhiên" leo lên vị trí hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố với tấm bằng mua được của mình. Và khi đã có trong tay chức vụ quan trọng này, Tưởng Giới Thạch đã nổi lên như một "ngôi sao sáng" trong giới hoạt động chính trị của Trung Quốc khi đó. Sau khi sự kiện này được tiết lộ, nhiều nhà sử học cho rằng, nếu không có tấm bằng giả này, có thể Tưởng Giới Thạch cũng chỉ là một cái tên mờ nhạt nào đó trong lịch sử đầy sóng gió của Trung Quốc chứ không thể leo tới tận chức vụ Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) cho đến khi qua đời.
Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, thực chất chương trình học về pháo binh rất ít, chỉ chiếm 20% chương trình học tập. Còn lại là những chương trình học thông thường của học sinh bậc... tiểu học. Sau 3 năm học tại đất nước mặt trời mọc, với học lực của mình, Tưởng Giới Thạch cũng khá khó khăn để thi được... tốt nghiệp. Tuy nhiên khi quay trở về Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch đã "thổi phồng" rằng mình đã tốt nghiệp trường sĩ quan chỉ huy về lục quân tại Nhật. Trong khi đó thực tế là trình độ của ông nếu ở Nhật thì cũng chỉ xếp ở mức độ... tốt nghiệp tiểu học. Nhưng khi tham gia chính trường, không ai lại mất thời gian để kiểm tra bằng tốt nghiệp của Tưởng Giới Thạch thực hư thế nào?
Một điều đặc biệt nữa là sợ một ngày nào đó sự thật về bằng cấp bị phơi bày, Tưởng Giới Thạch đã dựa vào việc quyên góp tiền cho Trung Quốc Đồng minh Hội - một tổ chức cách mạng của Tôn Trung Sơn mà ông có tham gia để mua bằng giả cho mình. Sau khi phát hiện ra việc làm của Tưởng Giới Thạch, một số người trong tổ chức Đồng minh Hội đã rất tức giận và phẫn nộ, tuy nhiên một số người ưa Tưởng Giới Thạch lại biện hộ rằng: "Quyên góp tiền cho tổ chức thì có gì không tốt, bằng giả hay bằng thật thì có quan trọng gì?. Tốt nhất không nên làm ầm ĩ việc này lên, không có lợi gì cho tổ chức". Và sự việc này sau đó cũng đã bị rơi vào quên lãng.
Sau khi "tậu" cho mình được một tấm bằng giả của Học viện lục quân Nhật Bản, Tưởng Giới Thạch đã rất tích cực tham gia vào "Hội lưu học sinh Học viện lục quân Nhật Bản tại Trung Quốc". Mọi hoạt động của Hội lưu học sinh này, Tưởng Giới Thạch đã tham gia rất nhiệt tình, không những thế còn đóng góp khá nhiều vào quỹ hoạt động của Hội. Chính vì vậy, với cái tên Tưởng Giới Thạch, những lưu học sinh trong Hội ai cũng nghĩ Tưởng Giới Thạch đã tốt nghiệp lớp sĩ quan chỉ huy cao cấp nhất của Học viện này.
Tuy nhiên, sự thật chỉ bị bại lộ khi danh sách những lưu học sinh Trung Quốc đã từng theo học tại Học viện này được một lưu học sinh mang về không hề có tên Tưởng Giới Thạch. Trong bản danh sách này từ lớp sĩ quan cao cấp, trung cấp, thậm chí cả sơ cấp cũng không có ai mang họ Tưởng. Sau đó, mọi người mới phát hiện ra, Tưởng Giới Thạch chỉ là một học sinh... dự bị.
Theo ĐS&PL