Daily Mail mới đây đăng tải những bức hình về loài chim hải âu do nhà làm phim - nhiếp ảnh gia người Mỹ Chris Jordan ghi lại.
Tuy nhiên, trong các bức ảnh, loài chim biển này không phải đang sải cánh bay liệng trên bầu trời hay vui đùa trong làn nước xanh trong, mà chỉ còn là cái xác thảm thương, trong bụng nó đầy rác thải nhựa.
Hình ảnh là một phần trong bộ phim tài liệu của Jordan, được chụp tại một hòn đảo ở Thái Bình Dương, cách bờ 3.200 km.
Hình ảnh khiến nhiều người giật mình.
Mỗi năm, nạn ô nhiễm rác thải nhựa giết chết 10.000 con chim trên hòn đảo này.
Chris Jordan hy vọng, những hình ảnh sẽ khiến mọi người quan tâm hơn đến vấn đề rác thải nhựa đang ở mức báo động trên toàn cầu.
Xác một chú chim khác.
Jordan nói với the Guardian: “Loại vật liệu này không thể phân hủy, nhưng chúng ta luôn ném rác nhựa đi sau một lần sử dụng”.
Jordan nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, một vài cá nhân sẽ không thể làm được gì. Nhưng nếu cả 100 triệu người cùng quyết định phải làm gì đó khác đi, đó là lúc mọi chuyện thực sự thay đổi”.
Rebecca Hosking, một người có dịp đến thăm hòn đảo trong lúc đoàn làm phim ghi hình tại đây cho biết, những con chim hải âu bố mẹ nhầm lẫn rác thải là những con mực nhiều màu sắc ngon lành và vô tư mớm mồi cho đàn con ăn thứ thức ăn oan nghiệt.
Hòn đảo toàn rác là rác.
Những con chim phải sống trong một môi trường ô nhiễm do con người gây ra.
Hosking đã nhìn thấy các nhà khoa học thu thập những chiếc bàn chải, bật lửa, đồ chơi, chai nước, thậm chí là những chai nước tương. Thật khó tin là những con chim phải ăn những thứ này. Một con chim còn có cả một hộp mực trong bụng.
Jordan lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này vào tháng 9/2009 và nhìn thấy hàng chục nghìn con chim hải âu Laysan nằm chết la liệt. Anh cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì trên đảo không có loài vật nào săn mồi loài chim này và những con hải âu cũng tỏ ra không sợ hãi con người.
Khi tiến lại gần kiểm tra, anh mới phát hiện ra trong ruột của tất cả những con chim đã chết là rác. Không chỉ vậy, mọi rác thải đều là đồ dùng quen thuộc hàng ngày của con người.
Jordan viết trên website của bộ phim rằng, đây là bằng chứng cho thấy văn hóa tiêu dùng của con người đang phá hủy môi trường sống như thế nào.