Tối 16-9, AP đưa tin ngọn lửa bùng lên tại toà nhà 42 tầng của China Telecom đã được dập tắt. China Telecom tuyên bố chưa có báo cáo về thương vong (nếu có). Tập đoàn này nói rằng dịch vụ điện thoại di động "không bị gián đoạn" nhưng nhiều cư dân mạng xã hội phàn nàn việc họ không thể sử dụng điện thoại của mình để liên lạc.
"Đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 16-9, ngọn lửa tại tháp truyền thông số 2 của chúng tôi ở Trường Sa đã được dập tắt. Chưa ghi nhận thương vong và thông tin liên lạc vẫn chưa bị cắt" - China Telecom xác nhận.
Vụ hoả hoạn xảy ra ở TP Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Sở cứu hoả thành phố này cho biết họ đã huy động 36 xe và 280 lính cứu hỏa để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa tại tòa nhà cao 218 m.
Ngọn lửa bùng lên tại toà nhà 42 tầng của China Telecom đã được dập tắt. Ảnh: Daily Mail
Những đoạn video về vụ hoả hoạn cho thấy một mặt của tòa nhà 42 tầng bị cháy đen và các mảnh vỡ rơi lả tả xuống đất. Một số đoạn video khác từ truyền thông địa phương ghi lại cảnh các công nhân bên trong tìm cách sơ tán khỏi hiện trường.
Nguyên nhân gây ra vụ hoả hoạn đang được điều tra. TP Trường Sa có dân số khoảng 10 triệu người.
Theo Sở cứu hỏa tỉnh Hồ Nam, điều tra sơ bộ chỉ ra rằng bức tường bên ngoài của tòa nhà 42 tầng đã bắt lửa.
Tòa nhà 42 tầng kể trên cao 218 m, được hoàn thành vào năm 2000 và nằm gần đường vành đai chính, theo đài truyền hình CCTV.
Một mặt của toà nhà bị cháy đen. Ảnh: CCTV
Các vụ hỏa hoạn chết người xảy ra ở Trung Quốc do việc thực thi quy chuẩn xây dựng lỏng lẻo và tình trạng xây dựng không phép tràn lan.
Vào tháng 7 năm ngoái, một kho hàng ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc bốc cháy khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Một tháng trước đó, vụ hỏa hoạn tại một võ đường ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc làm ít nhất 18 người thiệt mạng - chủ yếu là trẻ em.