Hơn 11h trưa ngày 21-9 nhưng khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) rất đông bệnh nhân, chủ yếu là người lớn tuổi đứng xếp hàng và ngồi chờ đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống - Ảnh: XUÂN MAI
Ghi nhận cho thấy ở bệnh viện thì phải xếp hàng dài, trong khi trạm y tế vắng tanh.
Là hai địa điểm có chức năng phát thuốc bảo hiểm y tế cho người dân nhưng tại các bệnh viện lúc nào cũng quá tải, cảnh người dân chen chúc, chờ đợi lâu, mướt mồ hôi lãnh thuốc. Ngược lại tại các trạm y tế hiện nay vắng tanh người.
Đẩy mạnh quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính tại y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ được nêu rõ trong nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thế nhưng thực tế tồn tại lâu nay là người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính chỉ muốn lên tuyến trên dù phải chịu cảnh xếp hàng chờ trong thời gian dài.
Giải pháp nào để vừa giảm tải cho bệnh viện, đồng thời tăng chất lượng cho trạm y tế?
Nơi đông đúc, nơi vắng tanh
Ghi nhận lúc gần 11h ngày 20-9 tại khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) rất đông bệnh nhân (chủ yếu là người lớn tuổi) đứng xếp hàng và ngồi chờ đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống. Tại khu vực cấp phát thuốc, các nhân viên y tế làm việc không xuể.
Cho đến hơn 12h cùng ngày, lượng bệnh nhân ngồi chờ nhận thuốc vẫn còn đông.
Cầm trên tay phiếu số thứ tự cách 5 lượt so với bảng thông báo là lúc hơn 11h, bà Đ. (70 tuổi, ngụ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn kiên trì ngồi chờ đến lượt lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống.
Bà cho biết bản thân mắc rất nhiều bệnh: loãng xương, tăng huyết áp, suy giãn tĩnh mạch, thoái hóa hai khớp gối, thiếu vitamin B. Nhà cách xa bệnh viện, mỗi khi đến ngày nhận thuốc, bà Đ. phải đi từ lúc 6h30 bằng hai chuyến xe buýt để kịp có mặt tại bệnh viện lúc 8h30. Sau thăm khám thường đến trưa bà mới nhận được thuốc bảo hiểm y tế về uống.
"Tôi già rồi, nhiều bệnh, không con cái nên không muốn đi đường xa, chờ đợi vất vả như vầy. Nhưng trạm y tế, bệnh viện huyện thì cấp thuốc không hay, uống không khỏi, lại không đủ thuốc. Ở đây (Bệnh viện Nguyễn Trãi - PV) thì đầy đủ lắm, nhưng chịu khó đợi lâu", bà Đ. nói.
Hòa trong đám đông ngồi chờ đợi nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận 12 vào trưa 18-9, ông Đ.N.C. (68 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12) mướt mồ hôi khi đã 20 phút trôi qua nhưng vẫn chưa tới lượt mình. Ông C. bị cao huyết áp, đái tháo đường đã nhiều năm qua. Định kỳ cách 28 ngày mỗi tháng, ông sẽ đến bệnh viện lấy thuốc về uống.
Ông C. cho biết thêm dù nhà khá gần trạm y tế phường nhưng do ở đây không cấp đủ các loại thuốc để điều trị bệnh của ông nên gần một năm nay ông chỉ đến bệnh viện.
Đối lập với khung cảnh người bệnh mắc các bệnh không lây nhiễm xếp hàng chờ đợi lấy thuốc bảo hiểm y tế tại các quầy thuốc bảo hiểm y tế ở bệnh viện, ghi nhận tại các trạm y tế phường Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp (quận 12), phường 17 (quận Gò Vấp) trong suốt buổi sáng 22-9 không có hoặc chỉ có 1-2 bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đến trạm nhận thuốc bảo hiểm y tế.
Trạm y tế có đủ thuốc, bệnh nhân sẽ đến
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện còn rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm mỗi tháng phải đi đến bệnh viện tuyến trên xếp hàng, chờ đợi để lấy thuốc, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh ổn định.
"Khi các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây, ổn định, được theo dõi và nhận thuốc điều trị bảo hiểm y tế tại trạm y tế đầy đủ thì sẽ thuận lợi hơn thay vì phải đi đến các bệnh viện lớn của TP hằng tháng, bên cạnh đó góp phần giảm tải tuyến trên", bác sĩ Châu đánh giá.
Bác sĩ Nguyễn Văn Mót (trạm y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho hay nguồn thuốc bảo hiểm y tế tại trạm do bệnh viện quận đứng ra đấu thầu nhưng còn thiếu nhiều loại.
Nhiều bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh nền ổn định đến trạm khám và lấy thuốc bảo hiểm y tế nhưng trạm không có đủ thuốc nên họ phải lên bệnh viện tuyến huyện.
"Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Khi nào trạm có đủ thuốc thì mới kéo được bệnh nhân về đây", bác sĩ Mót chia sẻ và cho biết phường Đông Hưng Thuận có khoảng 50.000 dân, trong đó có khoảng 7.000 - 8.000 người cao tuổi nhưng số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đến trạm lấy thuốc bảo hiểm y tế chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Là bệnh viện hạng 1, mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và nhận thuốc bảo hiểm y tế. Bác sĩ Quách Thanh Hưng - giám đốc bệnh viện - cho biết năng lực khám bệnh nhân có bảo hiểm y tế tại bệnh viện là 2.000 - 2.500 người.
"Số lượt bệnh nhân khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện vẫn chưa đủ năng lực của bệnh viện. Bệnh nhân đăng ký bảo hiểm y tế tại bệnh viện thì đến đây tái khám, theo dõi và nhận thuốc", bác sĩ Hưng nói.
Một bệnh nhân sau nhiều giờ chờ đợi, 11h mới nhận được thuốc bảo hiểm y tế - Ảnh: XUÂN MAI
Cần mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế
Để khắc phục điều này, bác sĩ Vĩnh Châu cho biết ngành y tế đang định hướng lại mô hình quản lý, điều trị những bệnh nhân này bằng cách chuyển họ về y tế cơ sở quản lý. Thế nhưng thực tế hiện nay là tại trạm y tế không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết, nhất là thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản…
Tại thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó danh mục thuốc cho các bệnh mãn tính không lây có khoảng 50 loại. Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại thuốc được hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá là rất cần thiết.
Do trạm y tế thiếu thuốc nên khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế thì không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định điều trị của bệnh viện.
Điều này buộc người bệnh phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCM có khảo sát nhanh trong tháng 8 vừa qua, những người dân đến tái khám tại các bệnh viện để nhận thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cho thấy có đến 80% sẵn sàng đến trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện nếu các trạm y tế cung ứng đầy đủ thuốc như bệnh viện.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương với 308 thuốc (không bao gồm 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định tại thông tư 15 của Bộ Y tế).
"Địa phương không cần xin phép Bộ Y tế"
Đây là câu trả lời của ông Lê Thành Công - phó vụ trưởng Vụ kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) - khi Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương.
Ông Công cho biết trong thông tư 15 Bộ Y tế nêu rõ, ngoài 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định thì các địa phương đủ thẩm quyền bổ sung các loại thuốc khác mà không cần phải xin ý kiến Bộ Y tế.