Được người Pháp thành lập năm 1905, vị trí đặt Nhà máy Hoả xa Gia Lâm, Hà Nội khi ấy được coi là trọng yếu, nằm tại giao điểm của 4 tuyến đường sắt phía Bắc: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long và từ Gia Lâm vào trung tâm thành phố, đi tuyến phía Nam.
Với diện tích 20 ha, nhà máy xe lửa nằm ở trung tâm quận Long Biên, gần bến xe Gia Lâm và gần nút giao lớn nhất quận Long Biên. Đây được coi là khu 'đất vàng' của thủ đô.
Nhìn từ trên cao tổng thể nhà máy là những khối nhà thấp tầng cũ kỹ.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm từng được coi là biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam khi sản xuất ra nhiều sản phẩm đáng tự hào như: Đầu máy hơi nước “Tự lực”; đoàn xe khách do công sức đóng góp “kế hoạch nhỏ” của đội thiếu niên tiền phong, nhà xưởng và thiết bị đóng mới, sửa chữa toa xe do Ba Lan viện trợ; đầu máy diesel “Đổi mới"...
Đây cũng được coi là công xưởng hiện đại có quy mô rộng nhất trong các cơ sở công nghiệp của Đường sắt Việt Nam, được thiết kế chuyên dụng cho mục đích đóng mới và sửa chữa các loại toa xe - có nhiều kinh nghiệm về công nghệ chế tạo toa xe, kết cấu thép.
Trải qua gần 120 năm, nhà máy xe lửa Gia Lâm là công trình công nghiệp có lịch sử lâu đời và tồn tại đến ngày nay. Nơi đây là cơ sở công nghiệp hàng đầu, sản xuất nhiều toa xe khách, toa xe hàng, các sản phẩm cơ khí phục vụ đóng mới toa xe và chế tạo lắp ráp đầu máy D8E, D19E.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Ba Lan đã từng viện trợ xây dựng nhà máy một cách đồng bộ, đạt được những tiến bộ kĩ thuật hoàn chỉnh, làm được cả đầu máy, toa xe hay những phân xưởng tạo phôi, rèn, đúc, gia công cơ khí chính xác...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi sự phát triển của ngành hàng không cũng như các loại hình vận tải khác khiến cho ngành đường sắt đi xuống, nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn khi các đơn đặt hàng thưa dần. Đến nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, đa số các phân xưởng đều thưa thớt người hoạt động.
Các công trình, vật liệu trong nhà máy đều đã hoen gỉ theo thời gian.
Những khẩu hiệu cảnh báo, khẩu hiệu lao động sản xuất cùng nét vẽ đặc trưng của tranh cổ động của thế kỷ trước.
Những phân xưởng sản xuất từng nhộn nhịp một thời nay rơi vào cảnh hoang tàn, vắng lặng.
Ngày 8/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Quyết định về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1). Theo quyết định này, 9 cơ sở nhà, đất sẽ phải di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND TP phê duyệt danh mục trong đó có tên nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô, nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo. Di sản được đánh thức để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô.