Hình ảnh trên tiết lộ một hố đen ở trung tâm Messier 87 – một thiên hà khổng lồ trong cụm thiên hà Virgo gần đó. Hố đen này nằm cách Trái đất khoảng 54 triệu năm ánh sáng.
Hình ảnh đầu tiên về hố đen
Nghiên cứu do dự án Kính viễn vọng Event Horizon (EHT) thực hiện – một sự hợp tác quốc tế từ năm 2012 nhằm quan sát trực tiếp môi trường tức thời của một hố đen bằng việc sử dụng mạng lưới kính viễn vọng trên Trái đất. Tuyên bố trên được đưa ra trong các cuộc họp báo ở Washington, Brussels, Santiago, Thượng Hải, Đài Bắc và Tokyo.
Những hố đen là các thực thể dày đặc lạ thường, chúng rất khó quan sát mặc dù có khối lượng rất lớn. Chân trời của hố đen là điểm không thể quay trở lại, tất cả các hành tinh, ngôi sao, khí, bụi, mọi dạng bức xạ đều bị nuốt vào.
Nhà vật lý thiên văn Shepert Doeleman là Giám đốc dự án Kính viễn vọng Event Horizon. Ông nói rằng “chúng tôi vừa nhìn thấy được thứ mà chúng tôi nghĩ là không thể”.
Do các hố đen không cho ánh sáng thoát ra nên việc nhìn chúng rất khó khăn. Các nhà khoa học tìm kiếm một vòng ánh sáng – là vật chất bị phá vỡ và bức xạ xoay xung quanh với vận tốc khủng khiếp ở rìa chân trời – quanh một khu vực bóng tối thể hiện hố đen thực sự. Khu vực này được gọi là bóng của hố đen.
Các nhà nghiên cứu của dự án trên đã có được dữ liệu ban đầu hồi tháng 4/2017 khi sử dụng các kính viễn vọng ở Arizona và Hawaii của Mỹ cũng như ở Mexico, Chile, Tây Ban Nha, Antarctica. Kể từ đó, những kính viễn vọng ở Pháp và Greenland đã được đưa vào mạng lưới toàn cầu những kính viễn vọng.
Theo Press TV/Reuters