Một hình ảnh, cả trăm người bị lừa
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi một ngày biết được rằng gương mặt của mình được mang đi lừa đảo?
Trong hơn 10 năm qua, những hình ảnh bị đánh cắp của Vanessa - một cựu ngôi sao giải trí - đã được sử dụng để lừa các nạn nhân số tiền lên tới hàng nghìn USD.
Hầu như ngày nào Vanessa cũng nhận được tin nhắn từ những người đàn ông nói rằng họ đang có quan hệ tình cảm với cô - thậm chí còn nhận cô là vợ. Họ thể hiện sự tức giận, bối rối và một số muốn lấy lại số tiền mà họ nói rằng đã gửi cho cô để thanh toán chi phí hàng ngày, viện phí hoặc giúp đỡ người thân.
Nhưng tất cả đều không đúng sự thật. Vanessa không biết những người đàn ông này. Hóa ra, những bức ảnh và video của cô - lấy từ thời còn làm trong ngành giải trí dành cho người lớn - đã được sử dụng làm mồi nhử trong các vụ lừa đảo hẹn hò trực tuyến từ giữa những năm 2000.
Các nạn nhân đã bị tống tiền thông qua các hồ sơ trực tuyến giả mạo sử dụng tên và chân dung của Vanessa.
Trong khoảng 8 năm, Vanessa làm việc với tư cách "camgirl" - phát trực tiếp hình ảnh cá nhân trên internet qua webcam với cái nghệ danh Janessa Brazil. Ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, Vanessa kiếm được khoảng một triệu USD mỗi năm. Nhưng vào năm 2016, danh tiếng của cô chìm trong bóng tối.
Lần đầu tiên Vanessa biết những kẻ lừa đảo giả dạng mình là khi một người đàn ông đăng đoạn trò chuyện trong một chương trình trực tiếp, khẳng định rằng anh ta là chồng cô và cô đã hứa với anh ta sẽ ngừng làm "camgirl".
Khi ấy, cô nghĩ đó là một trò đùa. Nhưng ngày càng có nhiều nạn nhân đưa ra những câu chuyện tương tự, đăng bình luận trong các buổi phát và yêu cầu Vanessa chứng minh danh tính. Những bình luận, email liên tục gửi về và bầu không khí căng thẳng bắt đầu ảnh hưởng đến công việc.
"Đó là một cơn ác mộng," Vanessa nói. "Nhưng tôi cảm thấy thật tệ đối với họ. Tôi phải làm gì đây?"
Lúc đầu, cô và chồng mình cố gắng trả lời mọi email, đồng thời tuyên bố không chịu trách nhiệm về số tiền mà những người đàn ông kia bị lừa.
"Nếu tôi nhận được tất cả số tiền lừa đảo này, tôi sẽ là một tỷ phú chứ không phải ngồi đây trong căn hộ nhỏ của mình", cô nói.
Tình yêu ảo
Roberto Marini, một người Ý ngoài 30 tuổi, đã bị lừa bởi Vanessa giả. Câu chuyện bắt đầu với một tin nhắn trên Facebook từ một phụ nữ trẻ nổi bật tự xưng là Hannah, người đã ca tụng về công việc kinh doanh mới bắt đầu của anh tại một trang trại trên đảo Sardinia.
Sau ba tháng trao đổi hình ảnh và tin nhắn yêu thương, người phụ nữ bắt đầu vòi tiền. Lúc đầu, số tiền chỉ dành cho những thứ nhỏ nhặt, chẳng hạn như thay thế chiếc điện thoại bị hỏng, nhưng chẳng bao lâu cô cần nhiều hơn nữa.
Cô nói với anh rằng mình có cuộc sống khó khăn, vì phải chăm sóc cho những người thân bị bệnh nên mới kiếm sống bằng nghề giải trí dành cho người lớn.
Roberto muốn cứu vớt người tình, nhưng anh thất vọng vì không bao giờ nói chuyện trực tiếp được với cô, mỗi khi sắp xếp một cuộc gọi, lại có sự cố gì đó xảy ra.
Sau đó, anh phát hiện ra hàng nghìn bức ảnh và video của người tình trên mạng, nhưng thực tế lại thuộc về ngôi sao giải trí dành cho người lớn Janessa Brazil.
Tình yêu của họ rất chân thật, vì vậy anh tự hỏi liệu có phải cô chỉ đang muốn giấu danh tính để tránh lời ra tiếng vào hay không.
Bối rối, Roberto tham gia một trong những chương trình phát trực tiếp của Janessa Brazil. "Có phải là em đó không?", anh gõ vào cuộc trò chuyện nhưng không nhận lại câu trả lời. Trong hành trình tìm ra sự thật, Roberto cũng đã gửi email cho Janessa Brazil nhưng không nhận được sự trấn an thỏa đáng.
Trong suốt khoảng thời gian đó, Roberto vẫn bị gài bẫy bởi những kẻ lừa đảo. Anh đã gửi cho chúng tổng cộng 250.000 USD (gần 6 tỷ đồng) trong bốn năm, rút hết tiền tiết kiệm và vay tiền từ bạn bè, gia đình.
Sau này, khi mọi chuyện vỡ lở, Roberto đăng các bài viết cảnh báo về việc tài khoản giả mạo đang lừa mọi người sử dụng các hình ảnh bị đánh cắp của Janessa. Nhưng, ngay cả sau khi mọi chuyện tồi tệ xảy ra, một phần trong anh vẫn tin rằng mình có mối liên hệ sâu sắc với Janessa thật.
Tiến sĩ Aunshul Rege, một chuyên gia tư pháp hình sự từ Philadelphia, cho biết các mạng lưới tội phạm làm việc theo nhóm thường gửi các tin nhắn, hình ảnh, để dụ dỗ nạn nhân.
Các vụ lừa đảo thường theo một khuôn mẫu – bùng nổ tình yêu, đe dọa chia tay và sau đó yêu cầu hỗ trợ tài chính, điều kiện để cặp đôi cuối cùng được bên nhau. Công thức quen thuộc đến mức phát chán đối với bất kỳ ai, nhưng hóa ra vẫn hiệu quả.
"Là con người, chúng ta được kết nối để giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là cách tạo nên mối quan hệ", Tiến sĩ Rege nói.