Các bị cáo lần lượt được áp giải đến tòa.
Theo cáo trạng, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh bị dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ rồi tăng thành gần 20.000 tỷ tại thời điểm đầu năm 2022.
Để trả nợ và chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Tân Hoàng Minh không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Do đó, ông Dũng và đồng phạm sử dụng hành vi gian dối, dùng pháp nhân ba công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ.
Quá trình thực hiện, ông Dũng và đồng phạm thông đồng với các bị can, đối tượng tại Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc và Công ty CPA Hà Nội. Mục đích để hợp thức số liệu, làm đẹp báo cáo tài chính các năm 2020-2021 của các công ty để có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Sau khi mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng. Từ đó, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng số tiền gần 14.000 tỷ. Tuy nhiên, sau khi huy động tiền, các bị can tại Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt 8.600 tỷ của nhà đầu tư.
Tính đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng vừa nhận được đơn của hơn 1.400 bị hại đề nghị tòa sơ thẩm và Viện Kiểm sát xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho một số bị can.
Trong đó, Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) được bị hại đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Theo nhà đầu tư, hai người này đã khắc phục 100% số tiền của người mua trái phiếu vào Kho bạc Nhà nước, thể hiện sự ăn năn, hối cải, giúp nhà đầu tư giải tỏa được tâm lý lo lắng, tạo niềm tin cho xã hội.