Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), được thành lập từ tháng 1 năm 2020, nhằm trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa để phòng chống tội phạm và chăm sóc, nhân giống, phát triển đàn ngựa. Đoàn hiện đóng tạm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Đoàn trưởng Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ Binh, cho biết sau gần 2 năm đoàn đã thuần phục được 71/71 con ngựa đực. Hơn 30 ngựa cái đã sinh thêm được 10 ngựa con. Ban đầu, đoàn tập trung thuần hoá và tập các bài đơn giản như đi, đứng, diễu hành. Gần đây, đoàn chuyển sang các bài tập phức tạp, có độ khó cao hơn để đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến đấu như tuần tra, truy bắt tội phạm trong rừng, núi, sông suối...
Những "chiến binh " đặc biệt phát huy tác dụng ở khu vực biên giới, tại các địa hình phức tạp. Đoàn nhiều lần diễn tập truy bắt tội phạm trong rừng. Tình huống giả định là một tổ tuần tra phát hiện nhóm người mang theo ba lô với nhiều nghi vấn, cầm theo gậy gộc, 'vũ khí nóng' nên đã dùng ngựa truy đuổi...
2 chiến sĩ cưỡi ngựa cảnh giới, một chiến sĩ xuống đấu tay đôi với tội phạm. Thượng sĩ Nguyễn Vĩnh Kha (phải) cho biết, mỗi người lính đều được học võ đối kháng với các tình huống khác nhau. Vì thế, khi đối mặt với tội phạm, anh có thể phản xạ theo một cách tự nhiên. Với địch mang vũ khí, anh sẽ tránh né rồi gạt đỡ và cuối cùng là tung một cú cước khiến 'tội phạm' ngã xuống đất rồi khống chế.
Tội phạm sau khi bị khống chế sẽ được dẫn giải về bằng cách đưa lên lưng ngựa. 2 chiến sĩ còn lại sẽ cảnh giới, bảo vệ, đề phòng các tình huống bất trắc diễn ra.
Mỗi ngày, một con ngựa tiêu thụ lượng thức ăn bằng 1/10 khối lượng cơ thể bao gồm: cỏ tươi, cỏ khô, cỏ dinh dưỡng, cám ngựa. Máng nước được cọ rửa 2 lần một ngày để đảm bảo vệ sinh. Vì thế chúng đều béo tốt, có con tăng gần 100 kg.
Để thực hiện nhiệm vụ trên các địa hình phức tạp, ngựa được huấn luyện đi trên đá, vượt dốc, leo bậc thang.
Kể cả khi phải lội nước ngập ngang bụng, những chú ngựa vẫn ngoan ngoãn đi theo đội hình.
Sau gần 2 năm, những chú ngựa đã có thể nhảy cao 90 cm. Ban đầu, nếu gặp chướng ngại vật lạ, ngựa sẽ không dám đi qua. Vì thế, các chiến sĩ phải cho ngựa làm quen bằng cách kéo dây cương, dắt đi. Dần dần, các chiến sĩ mới có thể cưỡi và bắt ngựa nhảy từ thấp đến cao.
Do ngựa có lợi thế cơ động, dẻo dai, sức chịu tải lớn, có thể tiếp cận các địa bàn mà phương tiện cơ giới không thể đến được, cảnh sát cơ động kỵ binh đã huấn luyện ngựa thồ hàng lội nước, leo núi. Chúng sẽ rất hữu dụng trong các tình huống cứu hộ, cứu nạn, thiên tai, bão lũ.
Để phục vụ chiến đấu, các chiến sĩ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh tập luyện các bài cưỡi ngựa bắn súng. Thượng sĩ Nguyễn Bửu Pháp cho biết đây là một động tác khó, khi nằm xuống sẽ đau lưng và không điều khiển được ngựa. Lúc đầu, ngựa mất phương hướng, lao vào hàng rào khiến anh ngã mấy lần. Nhưng sau đó, ý thức được việc nằm bắn sẽ hạ độ cao, giúp né đạn trong chiến đấu, anh đã tập luyện thành thục sau một tháng.
Một kỹ thuật khó khác mà Thượng sĩ Pháp đã chinh phục là điều khiển ngựa nằm né đạn và tấn công tội phạm bằng súng tiểu liên. Để làm được việc này, Thượng sĩ Pháp phải hiểu được tính ngựa, thường xuyên nói chuyện, vỗ về và "nịnh nọt" chú ngựa mang tên "Cà phê".
Khi "Cà phê" ốm, Thượng sĩ Pháp phải theo dõi, báo cho thú y và quan tâm đến ngựa hơn cả vợ mình. Ăn hỏi 5 tháng thì nhập đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, anh Pháp xa nhà, xa vợ để gắn bó với ngựa. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, đã lâu rồi anh không được về Bến Tre thăm nhà. Anh dành nhiều sự quan tâm cho người bạn 4 chân của mình.
Để nhanh chóng thu hồi súng, tang vật, các chiến sĩ phải học cách nhặt đồ khi ngựa đang phi nước đại. Khi tập bài này, Trung sĩ Nguyễn Trọng Hiếu không ít lần mất thăng bằng, ngã ngựa.
Tập các bài có độ khó cao đồng nghĩa với rủi ro, nguy hiểm. Tuy vậy, các chiến sĩ đã dần thành thục các bài tập để có thể chuyển sang chiến đấu thực tế.
Để khống chế tội phạm, các chiến sĩ Đoàn Cảnh sát Cơ động kỵ binh tập các bài tấn công từ trên lưng ngựa, tấn công nhiều đối tượng với những thế đánh khác nhau.
Thượng sĩ Phan Anh Kiệt cho biết việc tắm cho ngựa cũng có bài bản. Ban đầu, anh sẽ xịt nước từ dưới lên trên để ngựa làm quen. Sau đó, anh mới dùng bàn chải kỳ cọ, chải lông.
Bên cạnh ngựa, lực lượng cảnh sát cơ động còn sử dụng chó nghiệp vụ. Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, trong thời gian tới, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nếu cần thiết phải bổ sung thêm loại động vật nghiệp vụ mới thì Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẽ nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an quyết định.
Vừa qua, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được đưa ra quốc hội để thảo luận. Nếu được thông qua, Cảnh sát cơ động sẽ có 6 lực lượng. 4 lực lượng gồm: tác chiến đặc biệt; đặc nhiệm; bảo vệ mục tiêu; huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ đã được kế thừa từ pháp lệnh năm 2013. Ngoài ra, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm 2 lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm: lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu.
Phát biểu trong buổi kiểm tra vào tháng 5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm yêu cầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động sớm đề xuất phương án, triển khai lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự tại một số địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị thể thao quan trọng cũng như phát triển về du lịch vào thời gian tới. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an đã có chủ trương xây dựng doanh trại Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, với diện tích khoảng 50ha.
Cảnh sát cơ động kỵ binh truy bắt tội phạm trong rừng. Video: Anh Hùng