Thế giới xe ngày càng rộng lớn. Khi bạn quan tâm đến một chiếc xe, ngoài vấn đề giá cả cùng các chính sách bán hàng, hậu mãi một cách kỹ lưỡng, mỗi người cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định. Chiếc xe đó có xuất phát điểm ra sao, công nghệ thế nào, và những ưu/nhược đặc trưng đã được đa số người dùng xe đánh giá so với những chiếc xe liên quan khác v.v.
Còn nhớ những năm cuối thập niên 1990, những chiếc xe Xì-po của Suzuki đã luôn là giấc mơ của nhiều tay lái. Suzuki Xì-po khiến bao người mê mệt với tiếng pô chói tai và làn khói mùi xăng pha nhớt. Rất tiếc, những chiếc xe này sau đó đã không còn nhiều cơ hội để lăn bánh trên đường. Lý do là bởi tới những năm đầu 2000, các tiêu chuẩn khí thải trở nên chặt chẽ và khắt khe hơn khiến những chiếc xe 2 thì này dần biến mất khỏi dây chuyền sản xuất.
Vắng bóng những những chiếc xe 2 thì, thị trường xe underbone (dòng xe có động cơ đặt dưới khung sườn xe, bình nhiên liệu bố trí dưới yên) dần trở nên kém thu hút với những người thích cảm giác lái thể thao. Một trong những lý do lớn nhất là những chiếc xe số thời đó đa phần sử dụng động cơ 4 thì với dung tích xi lanh thấp nên không đem lại cảm giác lái "bốc".
Tuy nhiên, các tay lái cuối cùng cũng có lại được cái cảm giác họ hằng mong ước, chỉ là nó không đến từ Suzuki mà đến từ Yamaha.
NHỮNG CUỘC LỘT XÁC ĐỂ ĐỜI
Nắm bắt được nhu cầu của một bộ phận khách hàng không nhỏ vào thời điểm đó, năm 2005 Yamaha đã lần đầu tiên cho ra mắt dòng xe Exciter với định hướng là dòng xe thể thao, động cơ có dung tích xy-lanh 135cc.
Có thể bạn chưa biết:
Phuộc (bắt nguồn từ tiếng Pháp: fourche) là hệ thống đảm nhận chức năng giảm chấn của xe.
Nhiệm vụ chính của phuộc thường là giảm tác động của điều kiện mặt đường lên xe và người điều khiển, nhất là khi đi qua những đoạn đường gồ ghề.
Tuy nhiên, những chiếc Exciter đời đầu này vẫn sử dụng cơ cấu sang số tự động 4 cấp thay vì là sang số qua hệ thông tay côn như hiện tại. Một điểm ấn tượng của Exciter 135 thời đó là sử dụng phuộc sau là phuộc đơn thay vì phuộc kép.
Khi mà phuộc đơn thường chỉ được sử dụng trên những dòng xe thể thao hiệu năng cao, chi tiết này dù nhỏ nhưng lại tạo được nhiều sự chú ý và có được sự yêu thích của người dùng.
Năm 2009, Yamaha cho ra mắt phiên bản Exciter sử dụng côn tay / 4 cấp số. Kể từ đây, một trang mới cho dòng xe nổi tiếng này được mở ra khi những gì người ta nhớ nhất về Exciter sau này là hai chữ "côn tay".
Năm 2011, vẫn giữ nguyên động cơ 135cc trên Exciter nhưng Yamaha đã có cải tiến ở hộp số, chuyển từ hộp số 4 cấp thành 5 cấp. Yamaha Exciter 135 được ưa chuộng đến nỗi sau này hãng vẫn cho ra những phiên bản sử dụng động cơ 135cc dành cho những người yêu thiết kế cũ.
Năm 2015, khi các dòng xe 150cc nhập khẩu đã dần phổ biến, động cơ 135cc trên Yamaha Exciter không còn trở nên quá đặc biệt nữa. Vì vậy Yamaha quyết định đưa ra 1 bước đột phá khi nâng cấp toàn diện từ ngoại hình đến dung tích xy-lanh động cơ (từ 135cc lên 150cc). Bên cạnh đó, động cơ xe cũng đã được trang bị công nghệ phun xăng điện tử thay vì chế hòa khí, giúp xe tối ưu nhiên liệu tốt hơn.
Yamaha Exciter tiếp tục có được thay đổi về mặt ngoại hình một lần nữa vào năm 2019.
Có thể bạn chưa biết:
Côn tay là hệ thống đóng ngắt ly hợp bằng tay, thường được tích hợp trên các mẫu xe thể thao. Hệ thống này gồm một cần côn được tích hợp bên phía tay trái tay lái được kết nối với bộ ly hợp.
Vì có thể can thiệp vào việc đóng / ngắt ly hợp nên hệ thống này có thể giúp người điều khiển chuyển số một cách mượt mà cũng như rất hữu ích trong việc tăng / giảm tốc độ của xe.
Với động cơ 150cc ở thế hệ này, Yamaha Exciter không chỉ thành công nhờ doanh số bán ra ấn tượng mà còn trở thành "ông vua đường đua" với việc đội đua UMA Racing Yamaha Philipine đã vô địch giải đua xe châu Á ARRC bằng chiếc xe được tùy chỉnh trên khối động cơ 150cc của Yamaha Exciter.
Tới tháng 12 năm 2020, Yamaha giới thiệu mẫu Yamaha Exciter 155 VVA hoàn toàn mới với nâng cấp toàn diện về thiết kế và động cơ. Vừa mới đây, Yamaha tiếp tục đưa ra cập nhật "trang phục" với 6 phiên bản tem xe mới.
Điểm thay đổi dễ nhận thấy nhất ở phiên bản Yamaha Exciter 155 VVA nằm ở ngoại hình ấn tượng. Đầu tiên, đèn chiếu sáng được thay đổi vị trí với đèn cos phía trên, đèn pha được di chuyển xuống dưới; tiếp tới là rè chắn bùn phía sau cũng được thay đổi dựa theo thiết kế của mẫu xe thể thao đầu bảng Yamaha YZF-R1. Yên xe được thiết kế theo dạng yên solo thể thao.
Không dừng lại ở đó, Yamaha Exciter 155 VVA còn được nâng cấp với những trang bị nhỏ nhưng rất hữu ích như công tắc ngắt động cơ, giúp ngắt động cơ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần dùng đến chìa khóa hay công tắc đèn pha xin vượt. Yamaha Exciter 155 VVA cũng trang bị một ổ cắm điện 12V tích hợp trên xe, cho phép sạc điện thoại và các thiết bị khác.
Một điều khá đáng tiếc là Exciter 155 VVA vẫn chưa dược tích hợp phanh ABS
Cũng tại phiên bản này, Yamaha đã chứng tỏ rằng ý kiến người dùng luôn được trân trọng khi có những nâng cấp về hệ thống phuộc trước của xe.
Nếu như ở thế hệ tiền nhiệm, phuộc trước của Yamaha Exciter thường được ghi nhận rằng không có khả năng xử lý mặt đường tốt, đặc biệt là khi đi qua những đoạn đường mấp mô thì tới phiên bản Yamaha Exciter 155 VVA, giảm xóc trước được Yamaha tinh chỉnh hành trình với phuộc dài hơn từ 90mm lên 100mm. Với thay đổi này, Yamaha Exciter 155 VVA được kỳ vọng sẽ mang tới cảm giác lái đầm chắc hơn.
TRÁI TIM ĐẦY CÔNG NGHỆ
Trên Yamaha Exciter 155 VVA, Yamaha đã trang bị cho xe một động cơ hoàn toàn mới. Vẫn là một khối động cơ SOHC, nhưng đã được nâng cấp rất nhiều về công nghệ. Mặc dù chỉ tăng dung tích động cơ thêm 5cc (~3,3%) nhưng Yamaha Exciter VVA lại cho công suất đầu ra lớn hơn phiên bản cũ tới 17%. Nhờ vậy, cỗ máy SOHC 4 thì 155cc của Exciter có công suất lên tới 17,7 mã lực và mô-men xoắn cực đại 14,4 Nm.
Để có được sức mạnh động cơ ấn tượng như vậy, Yamaha đã mang rất nhiều tinh hoa công nghệ lên cỗ máy 155cc này.
Sơ đồ đánh lửa giống với Yamaha YZF – R1
Có thể kể tới như hệ thống đánh lửa kiểm soát bằng công tắc bán dẫn T.C.I (Transistor Controlled Ignition), động cơ với thiết kế 4 sơ đồ đánh lửa tùy theo các dải cấp số thay vì 1 như các thế hệ cũ. Thời điểm đánh lửa và lượng phun nhiên liệu được thiết lập theo tốc độ của động cơ và độ mở của bướm ga.
Bên cạnh đó, một nâng cấp được xem là đáng chú ý mà Yamaha đã đặt tên công nghệ này kèm theo tên xe: Công nghệ VVA.
Hệ thống van biến thiên VVA (Variable Valve Actuation) trên Yamaha Exciter 155 VVA hoạt động trên cơ chế chuyển đổi giữa hai gối cam thấp và cao, qua đó thay đổi độ mở của van nạp tùy theo tốc độ của động cơ. Khi ở dải vòng tua cao, hệ thống van điện tử sẽ kích hoạt gối cam cao giúp cho van nạp mở sâu hơn. Nhờ vậy mà hỗn hợp khí nạp vào buồng đốt tăng lên, giúp động cơ phát huy tối đa công suất.
Động cơ SOHC trên Yamaha Exciter luôn được đánh giá cao ở khoản đề-pa khi cho ra mô-men xoắn lớn ngay từ những vòng tua máy thấp, nhưng lại tồn tại điểm yếu cố hữu so với động cơ DOHC có trên các mẫu xe của đối thủ cùng phân khúc. Điểm yếu này nằm ở "nước hậu" khi mà ở vòng tua máy cao, động cơ DOHC thường cho ra công suất và mô-men xoắn lớn hơn. Với công nghệ van biến thiên VVA, Yamaha Exciter 155 VVA gần như đã khắc phục được điểm yếu cố hữu này và giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa lớn hơn.
Sau gần 10 năm, Yamaha một lần nữa lại có nâng cấp lớn về hộp số. Hộp số 5 cấp trên những mẫu cũ đã được thay thế bằng hộp số 6 cấp hoàn toàn mới. Lợi ích đầu tiên mà chúng ta có thể nghĩ đến là việc sở hữu một hộp số nhiều cấp hơn sẽ giúp Yamaha Exciter 155 VVA vận hành mượt mà hơn khi hộp số nhiều cấp sẽ có sự chênh lệch tỉ số truyền giữa các cấp số thấp hơn hộp số ít cấp.
Điều này khiến cho việc sang số của xe sẽ trở lên mượt mà hơn, ít giật hơn và cho khả năng tăng tốc tốt hơn. Ngoài ra với hộp số 6 cấp hoàn toàn mới, khả năng tiết kiệm xăng trong quá trình vận hành trên đường của động cơ 155 VVA trên Yamaha Exciter cũng rất ấn tượng với mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ khoảng 2,09L/100km theo thông số của nhà sản xuất.