Đại tân sinh Cenozoic bắt đầu ngay sau khi đại trung sinh kết thúc và kéo dài đến bây giờ. Chúng ta ra đời vào khoảng kỉ thứ 4 của đại này.
Các thông số cơ bản
Khoảng cách từ Mặt trời là 1 AU (149,6 triệu km). Chu kỳ quanh Mặt trời là 365,26 ngày. Chu kỳ tự quay là 24 giờ. Khối lượng của Trái đất là 5,98x10 mũ 24kg, đường kính 12.756km, nhiệt độ bề mặt là 260 - 310k (13 - 46 độ C), có một vệ tinh duy nhất là Mặt trăng.
Hàng năm, trên quỹ đạo elip của mình, Trái đất sẽ gần Mặt trời nhất vào đầu tháng 1, khi đó khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời sẽ vào khoảng 147,1 triệu km. Ngoài ra tốc độ quay của Trái đất cũng không phải chính xác 100% như đã nêu trên, hiện nay thì cứ khoảng 10 năm chu kỳ quay của Trái đất sẽ chậm lại khoảng 1 giây.
Trục Trái đất và 4 mùa
Trục quay của Trái đất không vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của nó mà lệch so với trục nghiêng này khoảng 23 độ. Vì lý do này nên trong một chu kỳ quỹ đạo của mình, hai bán cầu của Trái đất sẽ lần lượt hướng về phía Mặt trời trong khi nửa còn lại khi đó sẽ hướng ngược lại, điều này đã gây ra sự biến đổi thời tiết trên Trái đất mà ta đã biết là 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Chuyển động hàng ngày của chúng ta
Nơi chuyển động nhiều nhất hàng ngày trên mặt đất chính là các điểm trên đường xích đạo. Mỗi ngày mỗi điểm nằm trên xích đạo Trái đất di chuyển khoảng 40.000km do chuyển động tự quay của Trái đất. Càng xa xích đạo thì chuyển động này càng nhỏ và đúng ở 2 địa cực thì chuyển động này coi như không đáng kể do sự thay đổi khoảng cách đến trục quay.
Ngoài chuyển động do sự tự quay của Trái đất, hàng ngày chúng ta còn chuyển động với tốc độ lên đến 30 km/s quanh Mặt trời - một tốc độ rất lớn. Tuy nhiên, cả 2 chuyển động này chúng ta đều không cảm thấy do chúng ta có kích thước quá nhỏ và lực đáng kể hơn nhiều tác động lên chúng ta chính là lực hấp dẫn của Trái đất.
Nhiệt độ trên mặt Trái đất
Nhiệt độ trên mặt đất mà chúng ta biết tới đến nay chính là nhiệt độ hàng ngày chúng ta vẫn cảm thấy trong khí quyển. Đến nay, nơi lạnh nhất Trái đất chúng ta biết đến chính là Nam Cực, nhiệt độ thấp kỷ lục đo được ở đó là -88 độ C (185 độ K) trong khi nhiệt độ cao nhất từng đo được là 58 độ C (311K) tại châu Phi.
Khí quyển Trái đất
Khí quyển là một lớp khí mỏng bao quanh Trái đất của chúng ta, gồm những khí thoát ra từ chính các hoạt động địa chất bên trong của Trái đất. Khí quyển của hành tinh chúng ta bao gồm 78% khí ni-tơ, 21% oxy, 0,9% argon, 0,03% carbon dioxit và còn lại dành cho các chất khí khác.
Khí quyển không những là môi trường hô hấp cho các vi sinh vật như chúng ta đã biết, nó còn có một tác dụng hết sức quan trọng khác cho sự sống của chúng ta. Nó giữ nhiệt cho hành tinh, không để thoát ra không gian xung quanh và đồng thời nó ngăn chặn các bức xạ tử ngoại đến từ Mặt trời vốn có hại cho cơ thể sinh vật.
Sự dịch chuyển lục địa trên Trái đất
Ngay từ khi ra đời cho đến nay, dưới ảnh hưởng của trọng lực cùng với quán tính quay của Trái đất, các mảng lục địa trên Trái đất luôn di chuyển về các hướng.
Sự di chuyển các mảng lục địa trên thế giới không phải là sự di chuyển các phần vỏ Trái đất (vỏ Trái đất quá mỏng và giòn nên không thể tránh khỏi gãy, vỡ). Sự chuyển động diễn ra ở các mảng thạch quyển gồm vỏ Trái đất và một phần phía dưới ngay phía trên của cái ruột nóng chảy của Trái đất dày hàng trăm km (quyển mềm).
Các mảng quyển mềm không chuyển động hỗn loạn mà tương ứng với dạng cầu của Trái đất. Các lục địa khi di chuyển vẫn có mút nằm gần các cực Trái đất. Phần đại dương giữa hai lục địa được mở rộng nhanh ở vùng gần xích đạo và chậm hơn ở hai cực (điển hình nhất là Đại Tây Dương).
Bất kỳ cặp lục địa nào thì trục nối chúng luôn đi qua tâm hành tinh. Cùng với sự di chuyển, các mảng lục địa thường xuyên va chạm với nhau. Những mảng mỏng và rắn chắc hơn chui xuống dưới những mảng lớn và có tốc độ chậm hơn.
Việc này để lại những lớp trầm tích đùn lên thành từng dải hẹp ven đất liền. Một phần trầm tích tiếp tục theo hệ thống băng chuyền lục địa chìm sâu xuống và nóng chảy.
Trong trường hợp của Ấn Độ, giữa kỉ đệ tam, Ấn Độ trôi về phía lục địa Á - Âu và va chạm với lục địa này. Do có sự trùng khít dường như hoàn toàn về độ rắn của các mảng thạch quyển mà một khối lượng khổng lồ phần rìa các mảng thạch quyển bị vò nhau tạo thành các nếp uốn và kết quả là Hymalaya ra đời.
Các thời kỳ phát triển địa chất - sinh vật trên Trái đất
Trên đây ta vừa nói về sự dịch chuyển các lục địa để hình thành một bản đồ thế giới như ngày nay chúng ta đã biết. Sự dịch chuyển này kéo dài qua nhiều thời kỳ cùng với sự biến đổi và phát triển của cả địa chất, khí hậu và sinh vật.
Nó cũng chính là những yếu tố dẫn đến sự có mặt của con người chúng ta ngày nay. Toàn bộ quá trình địa chất tương ứng với sự phát triển sinh vật trên Trái đất được chia thành các giai đoạn lớn gọi là các đại và chia nhỏ ra là các kỉ. Xa xưa nhất là đại thái cổ Archeozoic bắt đầu cách đây 4,6 tỷ năm và kết thúc cách đây 2,6 tỷ năm. Đại này không chia kỉ.
Đại nguyên sinh
Proterozoic bắt đầu 2,6 tỷ năm trước và kết thúc cách đây 570 triệu năm. Đại này cũng không chia kỉ.
Trong hai đại này, sự sống đã bắt đầu hình thành từ đầu đại thái cỏ, khoảng trên 3 tỷ năm trước. Sự sống nảy sinh từ các phân tử hữu cơ và phát triển trong hai đại này ở mức độ sơ đẳng, sinh vật cấp thấp.
Đại cổ sinh Paleozoic bắt đầu 570 triệu năm trước và kết thúc cách đây 245 triệu năm. Đây là thời kỳ sự sống phát triển mạnh với sự có mặt của các loài động thực vật có cấu tạo bắt đầu tương đối phức tạp. Đại này chia thành 6 kỉ. Đại trung sinh Mesozoic bắt đầu cách đây 245 triệu năm và kết thúc cách đây 66,4 triệu năm, đại này chia thành 3 kỉ.
Như chúng ta biết, thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ của sinh vật trên mặt đất, đặc biệt là loài bò sát. Thời gian này kết thúc cùng với sự tuyệt diệt của bò sát khổng lồ vào đầu đại tân sinh sau đó.