Tháng 2, các thầy cô trường Marie Curie nhận lương vào hôm 17. Hôm nay, đúng tròn 1 tháng, toàn bộ CBNV nhà trường sẽ lại nhận lương tháng 3. Không chậm trễ, dù chỉ một ngày.
Biết được điều ấy, nhiều giáo viên vừa vui, vừa áy náy. Nhiều người nói với tôi, họ chỉ cần nhận 50-70% lương để duy trì cuộc sống, số còn lại dùng để chia sẻ khó khăn với nhà trường. Hai tháng nay, số thu về của trường bằng 0 còn con số chi ra, trả đủ 100% lương cho hơn 400 người thì lại quá lớn. Nhưng tôi nghĩ, chừng nào mình còn đủ sức, thì không nên để anh em chịu thiệt.
Đại dịch Covid-19 đang tác động đến toàn bộ xã hội, gây khó khăn cho hầu hết các ngành. Nhưng Giáo dục có lẽ là một trong những lĩnh vực gặp khó nhất vì gần 2 tháng nay, học sinh đã không đến trường. Kịch bản này có lẽ sẽ còn kéo dài đến hết tháng 3 hoặc lâu hơn. Mà học sinh nghỉ học, nhà trường lại thu học phí của phụ huynh quả là vô cùng vô lý.
Giáo viên, nhân viên trong trường đã nghỉ nhiều ngày, không có việc làm. Nhưng cuộc sống thì vẫn luôn diễn ra và tiền thì vẫn phải chi tiêu mỗi ngày.
Phải làm sao giải quyết bài toán này? Hàng trăm trường đã nghĩ đến việc xin được giảm thuế, giãn thuế, khai thác các quỹ an sinh xã hội như quỹ công đoàn, quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ trợ cấp thất nghiệp… Mong Chính phủ sẽ trợ giúp họ vượt qua khó khăn.
Các giải pháp này, Chính phủ đều đã ghi nhận và có lẽ, tới đây rồi sẽ áp dụng. Nhưng câu chuyện trước mắt mà tôi thấy, vẫn là nguồn thu của hơn 400 CBNV trường Marie Cuirie sẽ dựa vào đâu?
Mairie Cuirie đã thành lập được khoảng gần 30 năm nay, cơ sở vật chất cũng đã ổn định, không phải đi thuê mướn địa điểm. Để giúp đội ngũ của mình vượt qua thử thách, tôi quyết định trả 100% lương dựa vào nguồn lực tích trữ trong suốt gần 30 năm qua.
Điều ấy có làm cho cá nhân tôi cạn kiệt tài chính và mất đi nguồn lực đã tích trữ nửa đời người, bắt đầu phải làm lại từ đầu? Cũng có thể, vì dịch Covid-19 chưa biết sẽ kéo dài đến lúc nào?
Nhưng tôi chỉ biết, dựa vào các nguồn lực dự trữ và các phương án để cân đối lại trong năm học, hiện giờ vẫn có thể “ung dung” phát 100% lương cho tất cả anh em trong 2 tháng (tháng 2, tháng 3).
Nếu tháng 4 học sinh vẫn nghỉ, có thể tôi chỉ đủ trả 70% lương. Tháng 5 vẫn nghỉ thì trả được 50%. Tôi có thể đảm bảo duy trì đến hết học kỳ II (tức là hết tháng 5). Còn kịch bản sau đó, tôi chưa nghĩ tới nhưng tình huống giáo viên phải nghỉ không lương có lẽ sẽ không xảy ra. Bởi vì Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt và có thể, học sinh sẽ sớm quay lại trường học.
Nguồn dự trữ trải suốt 30 năm của Marie Cuirie vẫn còn tạm đủ nuôi sống bộ máy hơn 400 người. Nhưng việc ở trường này không giống việc ở trường khác. Chẳng thể nói người trả đủ lương không thiếu một đồng cho nhân viên là anh hùng còn người buộc phải cắt giảm nhân sự là xấu.
Tôi đã nhiều tuổi nhưng đây là lần đầu tiên giữa thời không có mưa bom bão đạn lại chứng kiến học sinh nghỉ học dài đến như vậy. Câu chuyện này chắc sẽ đi vào lịch sử ngành Giáo dục khi mà giữa năm học, 100% nhà trường phải đóng cửa.
Tình huống đó, ai có thể tính trước? Ngay đến lúc mưa bão, lụt lội, rét buốt thấu xương thì học sinh cũng chỉ nghỉ học nhiều nhất 1 tuần. Năm 2008, khi cả Hà Nội bị ngập lụt như thế, học sinh cũng chỉ nghỉ học vài ngày.
Ứng phó với một tình huống chưa ai có kinh nghiệm như thế, nhiều trường tư thục không có tiềm lực, phải đi thuê cơ sở đang rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.
Trả lại địa điểm đã thuê thì không được bởi còn bao nhiêu cơ sở vật chất nằm ở đó, mà thuê tiếp thì chi phí mỗi tháng có nơi lên tới cả tỷ đồng. Ai mà không muốn có lòng từ tâm, đối xử tốt với CBNV. Nhưng trong tình thế bức bách này, nhiều người cũng đành lực bất tòng tâm.
Nhiều trường phải cắt giảm nhân sự, nhiều giáo viên phải hụt hẫng, đi bán rau ngoài chợ kiếm sống… Đó là những bức tranh rất khắc nghiệt đang diễn ra trong ngành Giáo dục mà những người như tôi chỉ biết quan sát và thấy buồn vô cùng.
Trong khuôn khổ một trường, tôi có thể làm gì? Nếu 3-4 tháng nữa, học sinh vẫn nghỉ học, tôi vẫn còn tạm lo được cho anh em. Đợi đến khi học sinh quay lại, nhà trường phải hoạt động lại bình thường. Mà muốn làm việc bình thường thì từ giáo viên, nhân viên phục vụ nấu ăn rồi tài xế xe buýt đưa đón học sinh phải quay lại làm việc. Vậy thì trường Marie Cuirie còn có chút tích lũy, đương nhiên phải san sẻ với mọi người. Đâu thể lúc khó thì để CBNV chịu thiệt, khi cần thì mới gọi họ quay về?
Sau nhều ngày nước ta không có ca nhiễm mới, Bộ GD&ĐT đã tính phương án cho học sinh đi học trở lại. Chiều 6/3, TP Hà Nội đã quyết định cho học sinh cấp 3 đi học lại nhưng không may, đúng vào tối hôm đó, TP xuất hiện ca bệnh số 17. Vậy là các trường học lại tiếp tục đóng cửa.
Tình hình cứ phức tạp như thế dù trường nào cũng đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại trong an toàn.
Rất may, đến hiện tại, sau 10 ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Số ca nhiễm ở nước ta mới ở mức 2 con số, chưa có ca tử vong. Tôi không phải người lạc quan tếu nhưng rất có niềm tin rằng, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch, học sinh sẽ sớm quay lại trường.
Hôm 2/3, khi Bộ bắt đầu tính đến phương án cho học sinh đi học trở lại sau nhiều ngày dịch được kiểm soát, tôi đã rất vui và viết lên trên bảng tin ở ngoài cổng, quy định việc phụ huynh đưa đón con trong mùa dịch.
Hôm qua, đúng 11h đêm, tôi đi lang thang trong trường không một bóng người, nhìn lại ở bảng tin, ở bên dưới dòng thông báo có ghi: “Hà Nội, ngày…, tháng 03 năm 2020”. Khoảng trống rỗng bao trùm khắp ngôi trường nhưng đều là khoảng trống có thể nhìn thấy.
Sự trống vắng lấp đầy lớp học, lấp đầy hành lang… còn khoảng trống sau chữ “ngày” ở dưới dòng thông báo kia thì lại tưởng như, rộng đến mênh mông.
“Khoảng trống rộng sân trường
Khoảng trống dài hành lang
Khoảng trống buông lớp học
Khoảng trống tròn ánh trăng
Ôi khoảng trống còn để ngỏ
“Ngày …” khoảng đợi chờ mênh mông”
– Nguyễn Xuân Khang -