Sự việc xảy ra ở Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nguyên nhân từ việc cô giáo N.T.P giao cho nữ sinh đi đặt bánh trung thu nhưng em này đã không đặt ở địa chỉ mà cô chỉ định.
Khi cô giáo trách mắng, nữ sinh đã quỳ gối xin lỗi trước cửa lớp và thậm chí còn ôm chân van xin. Khi nữ sinh có biểu hiện co giật, nữ giáo viên này đã túm áo kéo lê học sinh của mình cùng với đó là những lời lẽ khó nghe, thiếu chuẩn mực. Một học sinh cùng lớp đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh này và sau đó đưa lên mạng xã hội.
Nhưng câu chuyện lại không chỉ có vậy. Buồn hơn rất nhiều là cách ứng xử của lãnh đạo nhà trường mà đỉnh điểm là việc thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật học sinh đã quay clip và đưa lên mạng xã hội.
Học sinh bị cô giáo túm cổ áo kéo lê vào lớp. Ảnh chụp màn hình
Trung thu vẫn được coi là tết của trẻ em. Các em học sinh trong clip này tuy có thể không còn là trẻ em nhưng cũng chưa phải là người lớn và thực tế lớp cũng đang tổ chức trung thu cho các em. Nhưng những câu chuyện buồn lại xảy ra đúng vào dịp mà lẽ ra sẽ là một kỷ niệm đẹp cho những người trẻ chuẩn bị bước vào cuộc sống.
Hàng ngày, hàng tiết học, mỗi nhà trường và cả gia đình, xã hội đều thường xuyên nhắc nhở giáo dục con em mình phải dũng cảm, phải biết lên tiếng trước cái xấu, cái ác. Điều thứ 5 trong 5 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy các cháu thiếu nhi chính là: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Chúng ta đã có những "Dế mèn phiêu lưu ký" cứu cô Nhà trò, những "Lục Vân Tiên" cứu Kiều Nguyệt Nga... trong chương trình sách giáo khoa cũng như văn học dành cho các em là những tấm gương của con người trung thực, dũng cảm dám lên tiếng chống lại cái xấu, cái ác bênh vực người yếu thế.
Nhưng một thầy Hiệu trưởng lại tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật học sinh vì ở mức độ nào đó nói lên sự thật, tố cáo hành vi sai trái trong môi trường sư phạm. Với phát ngôn này thầy Hiệu trưởng đã công khai bày tỏ thái độ phản đối nếu không nói là đe dọa một học sinh dũng cảm dám lên tiếng trước những tiêu cực, sai phạm.
Ở mức độ nào đó, cũng phải hiểu rằng, nếu như người lớn thực sự quan tâm, biết lắng nghe các em nhiều hơn, có lẽ bạn học sinh đó đã ưu tiên lựa chọn việc trò chuyện "báo cáo" lại sự việc cũng như chuyển clip đó cho người lớn xung quanh mình hơn là việc đưa lên mạng xã hội.
Nhưng bất luận dưới hình thức nào, việc tố giác cái sai cũng không thể bị coi là sai trái, thậm chí là bị lên án, xem xét kỷ luật.
Thay vì việc tập trung nhìn nhận đánh giá cũng như giải quyết những hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của vụ việc, ông Hiệu trưởng lại tỏ ra quá sốt sắng trong việc xử lý học sinh đã dũng cảm nói lên sự thật.
Trong những năm qua, với tiến trình chung của thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan tâm đến giới trẻ. Chúng ta đã tổ chức những diễn đàn lắng nghe trẻ em nói, những phiên tòa giả định mà ở đó trẻ em được vào vai Hội đồng xét xử, những nghị viện giả định dành cho giới trẻ... Tất cả chỉ nhằm một mục đích để trẻ em hiểu hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình hiểu hơn về cuộc sống hiện tại làm quen với những công việc mà người lớn đang gánh vác. Nhưng trên hết để rèn luyện cho các em trở thành những công dân tốt - những người dám lên tiếng phản đối, đấu tranh và góp phần loại bỏ cái tiêu cực, cái ác.
Các thầy cô giáo là những người trực tiếp mỗi ngày truyền đạt tri thức và góp phần giáo dục học sinh. Bài học lớn nhất đối với học sinh chính là những việc làm của thầy cô chứ không phải là những bài giảng đạo đức...