"Ưu ái" con trai ruột?
Ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bị hàng loạt giáo viên tố đã "ăn chặn" tiền lương của những người dạy hợp đồng; nhận tiền chạy việc hàng trăm triệu và để con trai mình là Huỳnh Trọng Quý nhận lương khi đã nghỉ dạy.
Cụ thể, ông Quý có đơn xin nghỉ dạy tạm thời từ tháng 11/2017 nhưng từ thời điểm đó đến tháng 2/2018, ông Quý vẫn nằm trong danh sách được lĩnh lương của trường.
Theo danh sách bảng lương tháng 11 và tháng 12/2017, ông Quý được nhận 3.647.545 đồng/tháng. Vào tháng 1 và tháng 2/2018, ông Q. được nhận 2.443.350 đồng (đã trừ các khoản bảo hiểm).
Riêng theo danh sách quỹ tiền lương năm 2018 của trường THCS Ngô Mây do Phòng Nội vụ Krông Pắk ký duyệt, tổng số tiền lương của ông Quý là 32.670.000 đồng, thông tin trên báo Dân trí.
Bảng lương có tên của ông Huỳnh Trọng Quý dù không đi dạy. Ảnh: Infonet
Ông Cao Văn Tư, Giám đốc kho bạc huyện Krông Pắk cho biết trên báo Infonet, sau khi các đơn vị gửi danh sách chi trả lương của nhân viên lên, phía kho bạc sẽ lập danh sách và gửi qua Phòng Nội vụ huyện thẩm định, phê duyệt.
Sau khi được duyệt, kho bạc sẽ chuyển qua ngân hàng và ngân hàng sẽ thanh toán cho các đơn vị. Như vậy, việc giáo viên nghỉ dạy hay bị chấm dứt hợp đồng thì phía đơn vị phải báo cáo, gạch tên khỏi danh sách.
"Nếu các đơn vị không gạch tên, không thông báo thì chúng tôi cũng không biết và vẫn chi trả lương theo danh sách", báo Infonet ghi lời ông Tư.
Trao đổi về vấn đề trên với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Viết Bình - Kế toán của Trường THCS Ngô Mây cho rằng, vào giai đoạn này, ông bị bệnh phải nhập viện đi mổ và khi về hiệu trưởng Bê bảo lập bảng lương thì lập chứ… không biết!
Thêm nhiều giáo viên tố hiệu trưởng nhận tiền "chạy việc"
Mới đây, theo ghi nhận trên báo Dân việt, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (ngụ xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), một người từng dạy học tại Trường THCS Ngô Mây đã trưng ra bằng chứng về việc ông Huỳnh Bê mượn 70 triệu đồng nhưng không trả.
Giấy mượn tiền này bị tố thực chất đó là tiền "chạy" hợp đồng và chờ vào biên chế. Ảnh: Dân việt
Chị Dung tố cáo, năm 2014, ông Bê đã nhận của mẹ chị 70 triệu đồng và viết "Giấy mượn tiền" để làm bằng chứng. Nhưng thực tế, đằng sau "Giấy mượn tiền" này là một cuộc "trao đổi" ngầm, số tiền trên sẽ thuộc về ông Bê, còn chị Dung sẽ được hợp đồng dài hạn tại Trường THCS Ngô Mây và chờ vào biên chế.
Sau khi hiệu trưởng nhận tiền, chị Dung chẳng những không được vào biên chế mà tiền lương cũng bị cắt giảm dần từ 2,6 triệu đồng/tháng xuống còn 1,5 triệu đồng/tháng, rồi 1,2 triệu đồng/ tháng.
Với mức lương đó, chị buộc phải nghỉ việc vào đầu năm 2017. Mặc dù trong "Giấy mượn tiền", ông Bê ghi rõ sẽ trả lại khi mẹ chị Dung cần, nhưng sau nhiều lần đòi, ông Bê vẫn im lặng.
Tổng hợp