Hiệu trưởng khẳng định không hoàn toàn sai
Sáng 30/8, bà Đỗ Thị Chăm - Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội), đã có buổi trao đổi với PV liên quan đến việc, bà bị phụ huynh tố "thờ ơ" khi họ điện thoại thông báo con bị gãy chân.
Theo bà Chăm, sự việc xảy ra vào chiều 28/8. Chiều hôm đó, bà tham gia họp phòng cháy chữa cháy nên không nắm được thông tin. Khi phụ huynh gọi điện đến, bà không biết là ai, nghe câu được câu không nên hiểu lầm.
"Phụ huynh trình bày sự việc tôi có nghe thấy từ ‘ngã’, ‘gãy chân’. Khi tôi hỏi lại 'có vấn đề gì không em?’ thì đầu dây bên kia bảo ‘sao chị lại trả lời tôi như vậy?’ và có hỏi lại như vậy đúng hay sai.
Tôi chưa biết nội dung như thế nào, tưởng phụ huynh hỏi về bảo hiểm nên tôi trả lời ‘không đúng, không sai, nhưng hơi thừa’, vì nghĩ phụ huynh nên trao đổi với cô chủ nhiệm, rồi giáo viên sẽ báo cáo ban giám hiệu giải quyết. Đầu dây bên kia còn bức xúc, đe dọa tôi có muốn đóng cửa trường hay không ?", bà Chăm trình bày.
Trường mậm non Tam Đồng nơi cháu bé gãy chân.
Bà nói thêm, bản thân bà không hiểu tại sao lại bị phụ huynh đe dọa, bởi khi sự việc xảy ra, cô giáo chủ nhiệm cùng gia đình đưa cháu vào viện nhưng không báo cho ban giám hiệu ngay.
Sau khi phân tích tình hình, bà cho rằng khi phát ngôn như vậỵ dẫn đến cả hai hiểu lầm. Sau đó, bà cùng với giáo viên, ban giám hiệu trường lên bệnh viện thăm hỏi cháu bé và xin gia đình.
Khi PV đặt câu hỏi, là người quản lý, đứng đầu một ngôi trường nhưng tại sao lại có nhưng tin nhắn, trao đổi với phụ huynh không đúng chuẩn mực?
Bà Chăm nói vòng vo và giải thích, bà không biết việc cháu bé gãy chân ở trường. Trong khi đó, phụ huynh lại đe dọa, xúc phạm nên bà khẳng định bà "hoàn toàn không sai".
"Nếu tôi biết cháu bé bị gãy chân ở trường mới sai. Tôi đã cầu thị hỏi lại ‘có vấn đề gì không em?’ nhưng lại bị đe dọa. Cần hiểu câu chuyện khi đặt vào hoàn cảnh cụ thể, ở đây là hai trường hợp khác nhau", bà giải thích.
Bà nói thêm về tin nhắn thách thức với nội dung: "Tôi mời anh chiều mai 2h30 ra nhà trường gặp tôi. Để tôi sẽ đóng cổng trường không cho những kẻ phát ngôn bừa bãi vào trường để nền giáo dục văn minh hơn". Theo bà, tin nhắn này là vì giữa hai bên không gặp mặt nhau nên bà Chăm muốn mời họ ra trường để nói chuyện, chứ bà không hề có thái độ vô tâm.
Khi PV đặt thêm câu hỏi, phụ huynh còn bức xúc cho rằng bà không chỉ nói vô cảm mà chậm thăm hỏi, động viên cháu bé, bà Chăm trả lời do bận 2 cuộc họp, sau khi xác minh cháu bé ngã gãy chân ở trường, bà đã gọi điện cho một người trong gia đình.
"Trước tiên, tôi xin lỗi. Tôi có đề cập việc sẽ gọi điện cho bố cháu nghi lại không nên, do phụ huynh đang nóng. Sau đó, tôi trực tiếp gọi cho mẹ cháu và đến thăm gia đình vào chiều tối hôm sau.
Nếu là người bà, người mẹ có con, cháu gặp sự việc như vậy, tôi cũng sẽ đau xót. Nhưng do không biết rõ nên tôi đã xử lý như thế, chỉ là hiểu lầm", bà Chăm nói và chối trả lời thêm câu hỏi trước đó, bà từng phát ngôn rằng gia đình cháu học sinh bị gãy chân là cố tình vẽ chuyện để ăn vạ.
"Thái độ với phụ huynh như vậy là không được"
Trong khi đó bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, sau khi nhận thông tin về vụ việc, Phòng đã bố trí đoàn công tác làm việc với nhà trường, phụ huynh. Trực tiếp bà Lan cùng với Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cũng đến bệnh viện thăm cháu bé.
Bà Trần Thị Lan. Ảnh: Hoàng An.
Theo bà Lan, hiện Phòng giáo dục đã yêu cầu nữ hiệu trưởng làm tờ trình về sự việc, phối hợp để điều tra xác minh.
"Theo như thông tin nắm được ban đầu, với cương vị một hiệu trưởng nhưng có thái độ và tin nhắn như vậy với nhân dân, phụ huynh học sinh là không được phép", bà Lan khẳng định.
Bà Lan nói, bản thân thực sự buồn bởi địa phương luôn luôn nhắc nhở và bồi dưỡng quy tắc nhà giáo, về thái độ, đạo đức của giáo viên trên địa bàn.
"Tôi đặt vị trí của mình vào vai trò hiệu trưởng và cả vai phụ huynh học sinh. Đến thời điểm này, tôi cảm thấy buồn thật sự, là người đứng đầu ngành giáo dục của một địa phương, tôi xin lỗi vì xảy ra sự cố như vậy", bà Lan nói.
Bà cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu để UBND huyện xử lý về thái độ của nữ hiệu trưởng Đỗ Thị Chăm.
Trước đó, ông Kiều Quang Hùng, phụ huynh cháu M.A. (SN 2017, học sinh trường Mầm non xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội) vừa có đơn gửi đến Chủ tịch UBND huyện Mê Linh và Phòng Giáo dục huyện này với nội dung:
Chiều 28/8, cháu M.A. chơi trong sân trường Mầm non xã Tam Đồng thì bị đu quay gạt vào chân. Cháu còn bé, đau nên khóc lóc vật vã.
Tan học, gia đình đến đón, thấy con mặt tái mét, dù dỗ dành thể nào cũng vẫn khóc, không nín. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để khám. Cùng đi, có cô giáo chủ nhiệm lớp của A.
Tại bệnh viện, sau khi chụp phim Xquang, các bác sĩ cho biết A. bị gãy xương đùi bên trái do va đập mạnh. Trước hết, cần nẹp sơ cứu, để ngày mai (29/8) tiến hành phẫu thuật cho cháu.
"Tôi thấy cần thông báo cho nhà trường biết sự việc nên đã gọi điện cho cô Đỗ Thị Chăm là Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Đồng. Nghe tôi thông báo cháu bị gãy chân, cô Chăm nói với tôi qua điện thoại: ‘Sao anh lại gọi điện cho tôi mà không thông báo cho cô giáo chủ nhiệm lớp cháu?’. Tôi hỏi lại ‘vậy tôi gọi điện thông báo cho chị là sai à?’ thì chị Chăm đáp ‘Không sai. Không đúng. Nhưng mà hơi thừa’", vị phụ huynh phản ánh.